Ba Lan nhượng bộ, sửa đổi luật Tòa án Tối cao tranh cãi với EU
Ngày 21/11, Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan đã đệ trình lên Quốc hội đề xuất sửa đổi luật Tòa án Tối cao gây tranh cãi với Liên minh châu Âu, cho phép khôi phục lại chức vụ của các thẩm phán bị buộc phải nghỉ hưu.
Theo nghị sĩ Marek Ast thuộc đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền, việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Tòa án Công lý châu Âu, trong đó có việc bãi bỏ các điều khoản buộc các thẩm phán trên 65 tuổi của Tòa án Tối cao phải nghỉ hưu sớm. Theo ông, nếu đề xuất trên được thông qua, các thẩm phán bị buộc nghỉ hưu sớm mấy tháng trước đây sẽ được khôi phục chức vụ và quay trở lại làm việc tại tòa.
Biểu tình phản đối dự luật cải cách Tòa án Tối cao ở Ba Lan. (Ảnh: Reuters) |
Đầu năm nay, Ba Lan áp dụng luật Tòa án Tối cao, trong đó có điều khoản hạ thấp tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán của tòa từ 70 xuống 65, theo đó trên 1/3 trong tổng số 72 thẩm phán của tòa buộc phải về hưu sớm.
Các chuyên gia luật cho rằng, luật mới vi phạm hiến pháp, trong khi Ủy ban châu Âu lo ngại kế hoạch cải cách Tòa tối cao đe dọa tính độc lập của ngành tư pháp. Ủy ban đã đưa tranh cãi ra Tòa án Công lý châu Âu sau khi Ba Lan không đáp ứng các khuyến nghị sửa đổi luật, và tháng trước Tòa châu Âu đã yêu cầu Ba Lan dừng ngay lập tức việc thực thi luật.
Việc Ba Lan đồng ý sửa đổi luật phục hồi công việc của các thẩm phán đã bị buộc thôi việc được coi là một bước đi tích cực đầu tiên của nước này nhằm hạ nhiệt tranh cãi căng thẳng kéo dài bấy lâu nay với EU.
Luật Tòa án Tối cao nằm trong kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi do đảng Pháp luật và Công lý khởi xướng kể từ khi đảng này lên nắm quyền vào cuối năm 2015. Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử hình thành khối đã đồng ý kích hoạt điều 7 Hiệp ước thành lập khối, gây sức ép Ba Lan sửa đổi cải cách và có thể dẫn tới biện pháp trừng phạt đối với Ba Lan./.