An toàn học đường - vấn đề cần sự quan tâm
Thiếu kỹ năng sống, thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh và mặt trái của của công nghệ thông tin, của mạng xã hội là các nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng bạo lực học đường trong học sinh

Một clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh dùng tay, chân để đấm, đá liên tiếp vào một nam sinh lớp 9 đến khi nằm bất động. Sau đó 1 nam sinh vẫn tiếp tục dùng chân để đá vào vùng mặt nạn nhân trước khi rời đi. Đó là hành động xử lý mâu thuẫn, xích mích giữa những học sinh của hai trường THCS trên địa bàn tỉnh. Đoạn video thu hút hàng nghìn bình luận cộng đồng mạng bình luận bày tỏ thái độ bất bình trước hành vi có tính chất côn đồ của nhóm học sinh.

Chị Trần Thùy Dung, Tổ 2 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: “Nếu như con mình rơi vào trường hợp đó thì ai hầu như cũng có tâm trạng lo lắng và hoang mang khi để các cháu tiếp tục đến trường. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là nguyên nhân gì dẫn đến mẫu thuẫn khiến các cháu xô xát như vậy?”.

Em học sinh trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên thì chia sẻ suy nghĩ: “Em cảm thấy rất thương cho bạn bị đánh, bị bắt nạn. Một học sinh nhỏ bé, gầy gò lại bị cả đám bạn to khỏe xúm vào bắt nạt”.

Nam sinh bị đánh trong đoạn clip đã phải nhập viện điều trị. Mặc dù, sự việc sau đó đã được phía hai nhà trường và hai gia đình giải quyết, nhưng phần nào phản ánh sự xuống cấp các giá trị đạo đức xã hội và ý thức tôn trọng pháp luật trong một bộ phận học sinh.

Tiến sĩ Lê Thị Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên phân tích: “Những vụ bạo lực học đường mà học sinh dùng để giải quyết mâu thuẫn tăng lên và nghiêm trọng hơn về mặt mức độ. Giải quyết mâu thuẫn theo cách các em cho là đúng, cho là có thể thể hiện bản thân”.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực giữa học sinh ở bên trong và ngoài nhà trường những năm gần đây: trước hết có thể xuất phát từ sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi của học sinh, việc đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức mà thiếu đi việc rèn luyện những kỹ năng sống và hành vi ứng xử văn hóa trong các nhà trường, sự thiếu quan tâm con cái của các bậc phụ huynh, và đặc biệt do mặt trái của sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của mạng xã hội.

An toàn học đường - vấn đề cần sự quan tâm
Hình ảnh cắt ra từ 1 clip trên mạng xã hội về vụ bạo lực học đường vừa xảy ra cuối tháng 9 tại TPTN

Tiến sĩ Lê Thị Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết thêm: “Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đều thông tin nhiều về các vụ bạo lực học đường xảy ra. Có những phản hồi rất ít phản hồi khuyên giải mà đa phần là những lời lẽ kích động, không phân biệt được đúng sai”.

Cách đây hơn hai năm, Trường THPT Đại Từ đã từng có học sinh đánh nhau bên ngoài trường gây ra những thiệt hại đau lòng. Để tránh cho học sinh bị lôi kéo vào vụ việc tương tự, thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý học sinh trong và ngoài trường học.

Giáo viên Hạ Thị Vĩnh Hà, trưởng trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên cho rằng: “Giáo viên dạy giáo dục công dân là lồng ghép các kỹ năng sống và hiểu biết pháp luật cho các em. Tôi cũng thấy thông tin trên mạng xã hội và có thể đưa ra các bài học kinh nghiệm sống cho các em học sinh”.

Ông Vương Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên thông tin: “Nhà trường cũng có sự chuyển biến nhất định. Bạo lực học đường đã được thầy cô và học sinh nhận thức đầy đủ. Hiện tượng bạo lực học đường đã được hạn chế”.

Để đảm bảo an toàn trường học, cần phải có cái nhìn và nhận thức đúng đắn cùng sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục, sự quan tâm phối hợp của gia đình và xã hội. Vấn đề đặt ra là phòng, chống phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và ý thức trong ứng xử văn hóa của mỗi học sinh.