An toàn giao thông học đường cần sự chung tay vào cuộc
“Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện” - Thông điệp nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo thống kê, năm 2021 vừa qua, toàn tỉnh có 17 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 4 người, bị thương 12 người. Nguyên nhân gây ra TNGT chủ yếu do các lỗi như: Lưu thông không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, vượt xe, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm về tốc độ, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm… Trong đó, có không ít trẻ em chưa đến tuổi được phép điều khiển xe máy. Thực tế này tồn tại ở nhiều địa phương khiến các nhà trường khi vào năm học mới đều vô cùng lo ngại.

Cô giáo Trần Thị Ngọc Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Cương, TP Thái Nguyên chia sẻ về tình trạng học sinh của trường tham gia giao thông: “Các em học sinh thuộc khu vực nông thôn, vẫn còn phổ biến tình trạng không chấp hành luật an toàn giao thông, như đi xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… thậm chí có phụ huynh đưa con em mình đến trường vẫn chưa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông”.

Học sinh, vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông hạn chế. Vì vậy, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông. Sự vào cuộc của nhà trường và phụ huynh học sinh ngay tại địa phương được xác định là giải pháp hữu hiệu nhất.

Cô giáo Trần Thị Ngọc Thúy, Phó Hiệu trưởng trường THCS Tân Cương, TP Thái Nguyên thông tin thêm: “Nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho các em thông qua giờ chào cờ hoặc thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Giáo án, kế hoạch dạy học của các thầy cô cũng có lồng ghép nội dung về an toàn giao thông”.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm, các Chi hội cha mẹ học sinh họp định kỳ 3 tháng một lần để thống nhất nội dung bảo ban các cháu”.

Người bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, mà không ít trong số đó là trẻ em, học sinh, luôn để lại hậu quả đau xót cho bản thân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện” - Thông điệp nhỏ, ý nghĩa lớn, với mong muốn tăng tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng, góp phần nâng cao ý thức của phụ huynh và trẻ em trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ được lan tỏa.