1. Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi

Cuộc nổi dậy nổ ra hồi đầu năm 2011 ở Tunisisa và Ai Cập đã mở đầu cho hàng loạt cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền ở Trung Đông và Bắc Phi hay còn gọi là “Mùa Xuân Ả rập”.

Cuộc nổi dậy ở Tunisia đã khởi đầu cho "Mùa xuân Ả rập" ở Trung Đông (Nguồn Internet)

Tổng thống Tunisia Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã bị lật đổ sau nhiều thập kỷ cầm quyền. Làn sóng này vẫn đang sôi sục tại nhiều quốc gia như: Yemen, Si-ri. Đặc biệt tại Si-ri, các cuộc bạo loạn từ giữa tháng 3/2011 đến cuối năm đã khiến hơn 5 nghìn người thiệt.

Liên đoàn Ả rập và phương Tây đã liên tiếp áp các lệnh trừng phạt về kinh tế và ngoại giao đối với Syria. Mỹ và Nga đã đồng loạt đưa tàu chiến đến sát vùng biển của Syria, khiến tình hình ở khu vực này càng trở nên căng thẳng.

2. Nội chiến Libya và sự can thiệp quân sự của phương Tây

Là một mắt xích trong “Mùa xuân Ả Rập”, tuy nhiên, không như Tunisisa và Ai Cập, Libya đã không tránh được một cuộc nội chiến.

Phương Tây bắt đầu can thiệp quân sự vào Libya (Nguồn Internet)

Lực lượng nổi dậy Libya với sự yểm trợ của NATO và các nước phương Tây đã lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sau hơn 40 năm tồn tại. Cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người Libya và gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành sản xuất dầu mỏ của nước này.

Chính quyền lâm thời Libya chính thức tuyên bố giải phóng toàn Libya vào ngày 23/10/2011, đánh dấu một thời kỳ mới ở quốc gia Bắc Phi này mặc dù nhiều khó khăn thách thức vẫn chờ ở phía trước.

3. Cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden

Ngày 1/5/2011, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bất ngờ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qeada Osama Bin Laden tại sào huyệt ở Abbottabad, Pakistan.

Các lực lượng đặc biệt Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden (Nguồn Internet)

Sự kiện này đã đánh dấu thắng lợi mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, đặc biệt là từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, sự việc cũng khiến quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Pakistan trở nên căng thẳng do Pakistan cáo buộc Mỹ đã đơn phương và tự do hành động trên lãnh thổ nước này, còn Mỹ thì cho rằng Pakistan đã không tích cực chống khủng bố và thậm chí còn cung cấp chỗ ở an toàn cho những phần tử cực đoan.

4. Thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản

Động đất và sóng thần vừa qua đã xóa sổ ba thành phố của Nhật Bản (Nguồn Internet)

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 8,9 độ richter đã xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản kéo theo thảm họa sóng thần khiến khoảng 28.000 người thiệt mạng và mất tích. Thảm họa kép đã khiến Nhật Bản thiệt hại 235 tỷ USD và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của cường quốc này cũng như của khu vực.

Động đất và sóng thần còn dẫn tới rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến nước Nhật phải đối mặt với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Nó cũng đặt ra bài toán về xây dựng tương lai hạt nhân an toàn hơn trên toàn cầu.

5. Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm chính sách sang châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ rút toàn bộ binh lính tại Iraq vào cuối năm 2011, đồng thời rút dần lực lượng ở chiến trường Afghanistan.

Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ đã được điều chỉnh (Nguồn Internet)

Đây là một phần trong kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Chiến lược này được đánh giá một phần là do Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, khu vực này đang nổi lên là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh, việc hướng đến châu Á - Thái Bình Dương có thể giúp Mỹ hạn chế ảnh hưởng lan rộng của khủng hoảng nợ châu Âu, cũng như các vấn đề kinh tế trong nước.

6. Palestine xin gia nhập Liên Hợp Quốc

Bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel, giới chức Palestinian vẫn nỗ lực để trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc.

Palestine chính thức xin gia nhập Liên Hợp Quốc (Nguồn Internet)

Việc UNESCO công nhận Palestine đã gây ra hàng loạt hệ quả như Mỹ, Canada và Israel đồng loạt tuyên bố cắt viện trợ cho tổ chức thành viên này của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Palestine không nhượng bộ và tuyên bố tiếp tục nộp đơn gia nhập các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc.

7. Khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro

Cuộc khủng hoảng nợ bắt nguồn từ các nước như Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp
(Nguồn Internet)

Cuộc khủng hoảng nợ bắt nguồn từ các nước như Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp đã lan rộng đến cả các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha, Italia. Cuộc khủng hoảng đã khiến ít nhất 5 chính phủ sụp đổ, và đẩy liên minh tiền tệ ở khu vực này rơi vào nguy cơ tan vỡ. Cuộc khủng hoảng tuy nhiên cũng cho thấy vai trò đi đầu của Đức và Pháp trong liên minh bằng nỗ lực giải quyết khủng hoảng thông qua một loạt biện pháp cứu trợ, trong đó bao gồm cả sáng kiến sửa hiệp ước châu Âu.

8. Phong trào "Chiếm phố Wall" lan rộng trên Thế giới

Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" được phát động từ ngày 17/9/2011 tại New York - Mỹ, sau đó lan rộng ra nhiều thành phố khác của Mỹ và lan tới nhiều quốc gia trên Thế giới.

Phong trào này cũng đang nhận được sự đồng tình tại nhiều nơi trên Thế giới (Nguồn Internet)

Phong trào này nhằm vào cộng đồng tài chính, mà chủ yếu là những người giàu – tuy chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng lại là những người có khả năng điều khiển, thậm chí xoay chuyển một cả một nền tài chính quốc gia.

Thông điệp phát đi từ phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" không chỉ thể hiện nỗi thất vọng của con người về sự bất bình đẳng xã hội, mà nó còn là khát khao mạnh mẽ về cuộc sống công bằng, nơi con người được đối xử không có sự phân biệt và chia cách.

9. Đánh bom kép nhằm vào Na Uy

Đánh bom rúng động thủ đô Na Uy (Nguồn Internet)

Vụ thảm sát ở Oslo của Na Uy hôm 22/7/2011 khiến ít nhất 76 người thiệt mạng có thể coi là vụ thảm sát đẫm máu nhất ở nước này kể từ Thế chiến thứ 2 bởi Na Uy được coi là đất nước khá thanh bình.

Vụ việc đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét lại chính sách nhập cư và và đồng hóa tự do.

10. Dân số Thế giới vượt ngưỡng 7 tỷ người

Năm 2011 đánh dấu thời điểm dân số Thế giới vượt ngưỡng 7 tỷ người. 7 tỷ người sẽ tạo ra 7 tỷ cơ hội, nhưng đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ.

Dân số Thế giới vượt ngưỡng 7 tỷ người (Nguồn Internet)

Với đà tăng hiện tại, theo dự báo, dân số Thế giới đến cuối Thế kỷ 21 có thể ổn định ở mức 9 hoặc 10 tỷ người, nhưng cũng có thể lên tới 15 tỷ. Đáng lo ngại nhất là tỷ lệ tăng dân số quá nhanh ở các nước kém phát triển. Chật chội, thiếu đói, khoảng cách giàu nghèo gia tăng là nguy cơ lớn nhất dẫn đến xung đột.

Đây là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát phát triển dân số. Đối với các nhà kinh tế, giải pháp cho vấn đề dân số trước hết phải bằng xóa đói giảm nghèo và giáo dục, đặc biệt là cho phụ nữ./.

Thainguyentv.vn