1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016 diễn ra giữa tháng 1/2011 đã bầu Ban chấp hành mới gồm 175 Ủy viên chính thức, 25 Ủy viên dự khuyết, trong đó lần đầu tiên có 2 Ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất 35 tuổi.

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên; Ban Bí thư gồm 10 thành viên trong đó đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016 (Nguồn Internet)

Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để bầu chọn, kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Đại hội có vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước để kiện toàn bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 là đợt sinh hoạt chính trị
sâu rộng trên phạm vi cả nước để kiện toàn bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở
(Nguồn Internet)

Cuộc bầu cử đã bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội - đây là kỳ Quốc hội có nhiều doanh nhân nhất với 38 đại biểu.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đã xem xét về tổ chức nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước. 14 Ủy viên Bộ Chính trị đều trúng cử đại biểu Quốc hội, giữ các chức vụ chủ chốt.

3. Vấn đề biển Đông và quan hệ Việt – Trung

Vấn đề biển Đông đã được quốc tế hóa. Quan điểm của Việt Nam về biển Đông là chỉ giải quyết song phương những vấn đề liên quan đến hai nước và giải quyết đa phương đối với những vấn đề liên quan đến nhiều bên.

Giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích
căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước (Nguồn Internet)

Trên tinh thần đó, ngày 11/10/2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết vấn đề trên biển Đông trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Hồ Cẩm Đào. Hai bên nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

4. Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát bước đầu có hiệu quả

Năm 2011, lạm phát có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở mức cao. Tuy nhiên, lạm phát đã có xu hướng giảm từ tháng 6 khi triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát bước đầu có hiệu quả (Nguồn Internet)

Đến hết tháng 11/2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 17,5% so với cuối năm 2010 và cả năm có thể ở mức thấp hơn so với mức Chính phủ đã điều chỉnh là 18% nhưng cao hơn nhiều so với mức kế hoạch được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2010 là dưới 7%.

5. Hai công trình trọng điểm quốc gia đi vào hoạt động

Từ ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 công trình Thủy điện Sơn La bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, sớm hai năm so với tiến độ Quốc hội thông qua. Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.

Thủy điện Sơn La (Nguồn Internet)

Trong năm đầu vận hành, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước, đã sản xuất được 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,6 triệu tấn xăng, dầu. Từ giữa tháng 11-2010 đến nay, nhà máy vận hành an toàn liên tục ở mức 105-107% công suất thiết kế, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 18.000 tấn xăng, dầu và các loại sản phẩm hóa dầu.

6. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu có xu hướng giảm

Tính hết 11 tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87,16 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010, tăng gấp 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Có thể coi đây là thành tựu nổi bật của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011.

Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu có xu hướng giảm (Nguồn Internet)

Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2011 ước đạt 96,1 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 11 tháng năm 2011 ước tính đạt 8,9 tỷ USD, bằng 10,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 16% của năm nay. Đây là kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ hạn chế nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

7. Loạn giá vàng

Năm 2011, đã chứng kiến hiện tượng “loạn giá vàng”. Có thời điểm giá vàng miếng thay đổi tới 42 lần, chạm mốc 48 triệu đồng/lượng (ngày 6/9/2011) sau khi giá vàng Thế giới tái lập mức 1.900 USD/oz. Tình trạng đầu cơ, thiếu minh bạch của thị trường và tác động tâm lý cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng cao.

Có thời điểm giá vàng miếng thay đổi tới 42 lần, chạm mốc 48 triệu đồng/lượng
(Nguồn Internet)

Sự “hỗn loạn” của thị trường vàng thu hút sự quan tâm không chỉ các nhà đầu tư mà của cả xã hội, tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản... Vòng xoáy vàng, ngoại tệ lặp đi lặp lại góp phần gây nên tình trạng bất ổn tăng cao.

8. Lũ chồng lên lũ gây nhiều thiệt hại ở ĐBSCL và miền Trung

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với nhiều đợt lũ sớm hơn mọi năm liên tiếp từ cuối tháng 9 đến tháng 11/2011. Nhiều nơi nước lũ cao hơn đỉnh lịch sử 10 năm trước.

Nhiều đồng lúa, hoa màu, diện tích vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản bị ngập úng do lũ
(Nguồn Internet)

Miền Trung cũng hứng chịu những tổn thất nặng nề do lũ lụt vào trung tuần tháng 10/2011. Lũ lụt đã khiến 82 người thiệt mạng và mất tích, khoảng 220.000 căn nhà và nhiều đồng lúa, hoa màu, diện tích vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Chỉ riêng ĐBSCL đã thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng.

9. Quân đội nhân dân Việt Nam tăng cường hoạt động đối ngoại và hiện đại hóa Quân đội

Năm 2011 tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong hoạt động đối ngoại và hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đang được hiện đại hóa (Nguồn Internet)

Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế giữa Việt Nam và các bên liên quan, cả đa phương và song phương đã được tổ chức như hội nghị Shangri-la 10, Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN ANCM-5, Hội nghị lãnh đạo cảnh sát biển châu Á (HACGAM-7). Tại tất cả các hội nghị, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế đã được tăng cường.

Năm 2011 cũng đánh dấu công cuộc hiện đại hóa mạnh mẽ sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam.

10. Thành Nhà Hồ và hát Xoan được công nhận là di sản Văn hóa Thế giới; Vịnh Hạ Long được bình chọn là kỳ quan thiên nhiên mới.

Thêm hai di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh: Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO công nhận ngày 27/6/2011 là di sản văn hóa Thế giới và Hát Xoan (Phú Thọ) được UNESCO công nhận ngày 24/11/2011 là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần bảo vệ khẩn cấp.

Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO công nhận ngày 27/6/2011
là di sản văn hóa Thế giới (Nguồn Internet)

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được Tổ chức New Open World (NOW) công bố ngày 12/11/2011 là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Thainguyentv.vn