1. Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ

Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Đặc biệt là trong việc thực hiện các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế làm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2011, Thái Nguyên đã thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế làm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội (Nguồn Internet)

Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về các giải pháp tăng thu ngân sách, cắt giải chi tiêu công, rà soát đình giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cấp bách, tập trung phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, chỉ đạo giảm bội chi ngân sách, cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên (tương ứng 25,2 tỷ đồng ); rà soát các dự án đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước, cắt giảm 41/108 dự án của Tỉnh dự kiến khởi công trong năm 2011; tập trung bố trí nguồn vốn cho 75 dự án thực sự cấp bách với số tiền 260 tỷ đồng; chỉ đạo UBND các cấp và các chủ đầu tư thực hiện việc cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 4 dự án với tổng vốn 3,8 tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt như vậy dù trong bối cảnh chung của cả nước gặp nhiều khó khăn nhưng kết thúc năm 2011 tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt tổng giá trị sản xuất xây dựng cao, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

2. Thái Nguyên tích cực đẩy mạnh phong trào "Xây dựng Nông thôn mới"

Tiếp tục triển khai thực hiện "Chương trình xây dựng nông thôn" mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về "nông nghiệp, nông dân và nông thôn" trong đó, cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để huy động các nguồn lực đầu tư để đem lại hiệu quả thiết thực.

Thái Nguyên tích cực thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở
cho việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, tạo tiền đề phấn đấu
đến năm 2015 có 24% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (Nguồn Internet)

Tỉnh đã không ngừng kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ từ Tỉnh đến cơ sở đảm bảo phát huy hiệu quả trong triển khai chương trình. Tích cực thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở cho việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2015 có 24% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

3. Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011 - Cú hích cho ngành Chè phát triển

Một trong những sự kiện nổi bật về tình hình kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2011 là việc tổ chức thành công Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam 2011, tạo cú hích cho sự phát triển của cây Chè Thái Nguyên nói riêng và ngành Chè Việt Nam nói chung.

Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011 - Cú hích cho ngành Chè phát triển
(Nguồn Internet)

Liên hoan là dịp để thêm yêu quê hương Thái Nguyên, tự hào về thánh địa của cây chè Việt Nam và hướng tới một tương lai với nền kinh tế gắn liền với cây chè; là động lực cả ở khía cạnh kinh tế lẫn văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc Thái Nguyên.

Trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, tín dụng siết chặt, đầu tư công cực kỳ chắt chiu cho những công trình thật sự khẩn thiết thì ý chí chính trị của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã được các cấp các ngành, doanh nghiệp và người dân đồng lòng dồn sức cho các công trình của Liên hoan Trà. Nguồn lực về vốn, kỹ thuật của xã hội đã được huy động một cách đúng lúc, đúng chỗ và trở thành nguồn lực duy nhất vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế để trở thành những cơ sở hạ tầng hữu ích dành cho cộng đồng.

Tái cấu trúc nền kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, hiểu theo cách cụ thể ở Thái Nguyên chính là gia tăng giá trị sản phẩm chè Thái mà việc tổ chức tốt Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam năm 2011 và quảng bá văn hóa trà Việt Nam chính là những bước đi đầu tiên.

4. Quy hoạch vùng Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020

Tỉnh Thái Nguyên công bố Quy hoạch xây dựng vùng Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I triển khai một số dự án.

Vùng Hồ Núi Cốc được quy hoạch theo định hướng là khu du lịch trọng điểm Quốc gia, khu du lịch sinh thái có tổng diện tích gần 19.000 ha trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ và Phổ Yên.

Hồ Núi Cốc - điểm mạnh về du lịch của Thái Nguyên (Nguồn Internet)

Vùng du lịch Hồ Núi Cốc với quy mô dân số đến 2020 là 60 ngàn đến 62 ngàn người, chia thành 5 khu chức năng. Thái Nguyên dự kiến đầu tư và thu hút đầu tư từ 8 – 8,2 ngàn tỷ đồng nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh thức tiềm năng và thế mạnh của khu du lịch Hồ Núi Cốc cả trong hiện tại và tương lai, đưa Thái Nguyên xứng tầm với vị trí và vai trò của tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc.

5. Giá trị xuất khẩu của Tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay

Năm 2011, năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên có giá trị xuất khẩu trên địa bàn cao nhất từ trước đến nay với trên 134 triệu đô la Mỹ, vượt kế hoạch 22%, tăng 35,7% so với năm 2010, trong đó: xuất khẩu địa phương là 107,6 triệu đô, bằng 125,1% kế hoạch, tăng 37,3% so với năm 2010.

Chè - Thế mạnh trong xuất khẩu của Thái Nguyên (Nguồn Internet)

Kết quả này cho thấy sự cố gắng nỗ lực, sự chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn trong việc tìm kiếm, duy trì thị trường đối với các mặt hàng chủ lực như: may mặc, chè, công cụ y tế và một số sản phẩm mới.

6. Tổng thu Ngân sách của Tỉnh đạt gần 3400 tỷ đồng

Tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát, thực hiện các chính sách của Nhà nước về thu – chi ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm sau hoạt động sản xuất kinh doanh theo pháp luật, kết thúc năm 2011, tổng thu ngân sách Nhà nước của Tỉnh ước đạt gần 3400 tỷ đồng, trong đó: thu trong cân đối ngân sách ước đạt trên 3000 tỷ đồng, tăng 17,2% so với dự toán; thu quản lý qua ngân sách ước đạt trên 350 tỷ đồng.

7. Núi pháo Mining: Khởi công xây dựng các hạng mục lớn

Một năm sau ngày tái khởi động, với những bước tiến quan trọng trong nhiều hoạt động, năm 2011 Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi pháo (NuiPhao Mining) đã khởi công các hoạt động xây dựng Dự án Núi Pháo. Đây là một trong những Dự án khai thác khoáng sản lớn của Quốc gia và của Tỉnh với tổng trữ lượng khai thác là hơn 83 triệu tấn quặng trong 30 năm.

Công trường Dự án Núi Pháo (Nguồn Internet)

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 400 triệu đô la Mỹ, phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ có những tấn sản phẩm đầu tiên. Dự án là điểm nhấn cho ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam… Sau khi đi vào hoạt động sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. NuiPhao Mining đang nỗ lực thực hiện những cam kết cùng quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Niềm tin Việt Nam”.

8. 10.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An khánh 2

Sau nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1, năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao Giấy phép đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 2 cho Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh có địa điểm tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 2 có công suất 300 MW trên diện tích 50 ha, tổng giá trị đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Dự án sẽ được triển khai từ năm 2012, phấn đấu hòa lưới điện Quốc gia và phát điện thương mại vào năm 2016.

Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy Nhiệt điện An Khánh 2 (Nguồn Internet)

Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 1.500 lao động; hòa lưới điện Quốc gia trên 2 tỷ Kwh điện/năm; đóng góp ngân sách Nhà nước trên dưới 500 tỷ đồng/năm… Đây là dự án nhiệt điện thứ hai sau Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 có công suất 100 MW đang được xây dựng tại xã An Khánh, huyện Đại Từ.

Hiện Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 đang được công ty gấp rút xây dựng, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào quý 3 năm 2012. Việc cấp giấy phép đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 2 nằm trong tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sớm đưa Thái Nguyên trở thành Tỉnh công nghiệp trước năm 2020./.

9. Khởi công Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn

Năm 2011, đã diễn ra lễ khởi công Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng 16ha, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ. Dự án sẽ góp phần vào chủ trương chung của Tỉnh trong việc hiện đại hóa đô thị, nâng cấp môi trường sống trên địa bàn Thái Nguyên.

Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn sẽ góp phần vào chủ trương chung của Tỉnh
trong việc hiện đại hóa đô thị, nâng cấp môi trường sống trên địa bàn (Nguồn Internet)

Đây là dự án tiêu biểu của Tỉnh Thái Nguyên trong năm 2011, là sự cụ thể chủ trương kêu gọi đầu tư, chứng tỏ sức hấp dẫn và môi trường đầu tư thuận lợi của Tỉnh. Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng là một trong các dự án nhà ở đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên đồng bộ về hệ thống giao thông cùng với đó là các hệ thống kỹ thuật như điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, internet, cáp truyền hình... Tất cả đều được lắp đặt ngầm dưới lòng đất.

Sau lễ khởi công, các hạng mục của Dự án sẽ được chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai xây dựng để biến vùng đất này trở thành một khu nhà văn minh, tiện nghi, hiện đại, góp phần làm cho bộ mặt đô thị Thành phố Thái Nguyên khang trang hơn, xứng đáng là Đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.

10. Khởi công Nhà máy rượu truyền thông "Lớn nhất Việt Nam"

Tập đoàn đồ uống AVINAA đã khởi công xây dựng một nhà máy rượu trên quy mô 10h tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Theo AVINAA, đây sẽ là nhà máy sản xuất rượu truyền thống theo công nghệ kết hợp giữa Châu Âu và Nhật Bản trên quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Nhà máy nằm trên địa bàn hai xã Thuận Thành và Trung Thành, ngay trên mặt đường trục Quốc lộ 3 cửa ngõ vào tỉnh Thái Nguyên, cách Trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, nhà máy dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 năm nhưng sẽ cho ra dòng rượu đầu tiên sau 1 năm. Với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất ở thời điểm đi vào sản xuất đồng bộ năm 2014 dự kiến sẽ là 100 triệu lít/năm.

Thainguyentv.vn