Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các đại biểu
Quốc hội chiều ngày 21/11. Ảnh: TTXVN

Xử lý nhanh tình trạng nợ đọng văn bản

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Sĩ Đồng (tỉnh Quảng Trị) về tình trạng nợ đọng các văn bản quy định hướng dẫn thi hành các luật và pháp lệnh, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ nhận thức và luôn xem việc trình các dự án luật và xây dựng ban hành nghị định chi tiết là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ diễn ra đã nhiều năm. Từ năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy hạn chế yếu kém này và tập trung khắc phục. Năm 2012 còn nợ 27 văn bản nghị định, quyết định. Đây là con số thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, song vẫn còn nợ là còn khuyết điểm, do vậy năm 2013, tiến độ soạn thảo và ban hành văn bản đã được tăng lên.

Cụ thể, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 129 nghị định và quy định, thi hành 38 luật và pháp lệnh, là gấp đôi 2012.

“Chúng tôi nghiêm túc cố gắng, cùng với chất lượng văn bản nâng lên tiến bộ, nhưng vẫn còn một số quy định khi ban hành không phù hợp thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây bức xúc, chúng tôi tập trung vào các giải pháp như: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao kỷ luật kỷ cương, Chính phủ cũng thấy nguyên nhân trong đội ngũ chuyên trách xây dựng văn bản, tất cả các bộ hiện nay đều có vụ pháp chế, am hiểu pháp luật, giúp lãnh đạo làm tốt hơn quy định pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát để sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chú trọng quy hoạch thủy điện

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) và Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) về việc quy hoạch thủy điện, tình trạng thủy điện xả lũ không báo trước khiến dân trở tay không kịp.

Thủ tướng cho nhấn mạnh: Thủy điện có tiềm năng và lợi thế lớn đối với nước ta, bởi vậy cần phải được khai thác và sử dụng để phát triển.Trong những năm qua, thủy điện đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua việc làm thủy điện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch, thẩm đinh và thi công xây dựng dự án, hạn chế trong di dân tái đinh cư, hạn chế trong đảm bảo môi trường sinh thái… Những yếu kém này có nhiều nuyên nhân, trong đó có nguyên nhân yếu kém trong quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.

Tiếp tục chỉ đạo nhằm khắc phục hạn chế trên, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đưa ra giải pháp: Với dự án đang vận hành, 268 nhà máy thì rà soát đánh giá lại, bổ sung quy trình hồ chứa đã được phê duyệt cho phù hợp với diễn biến thực tế, cả mùa mưa và mùa cạn kiệt. “Phải rà soát bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, bổ sung cho phù hợp thực tế diễn biến thời tiết. Quy trình vận hành này thực hiện trong suốt mùa mưa lũ, và phải công khai cho nhân dân biết, chứ không phải đợi có lũ hay mùa cạn kiệt mới thông báo; phải yêu cầu UBND các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm được giao, quản lý buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chưa, chủ đầu tư nào không đúng phải xử lý ngiêm đúng quy định pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại và bổ sung cơ chế chính sách yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng, diện tích rừng đã mất do thủy điện. Rà soát xem phương án tái định cư có đúng chính sách pháp luật không, có thể bổ sung cụ thể đưa dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn và phải chú trọng tới trồng rừng.

Sau khi rà soát rồi như báo cáo Quốc hội lần này về số thủy điện đang vận hành, đang xây dựng, còn lại số dự án nằm trên quy hoạch chưa khởi công xây dựng (khoảng 248 dự án chưa khởi công xây dựng) phải có lộ trình cụ thể. “Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tôi và các Phó thủ tướng, cùng Bộ Công Thương đã thảo luận sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, trách nhiệm cao hơn. Cụ thể, quy hoạch thủy điện trong cả nước mà trực tiếp 248 dự án chưa khởi công xây dựng, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thống nhất quy hoạch trong cả nước, rà soát lần nữa, tổ chức thẩm định và trước khi phê duyệt báo cáo Thủ tướng đồng ý mới quy hoạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiểm soát nhà máy lọc dầu

Về câu hỏi liên quan đến quy hoạch các nhà máy lọc dầu, Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ quy hoạch các nhà máy lọc dầu". Chính phủ đã ban hành quy hoạch phát triển nhà máy lọc dầu đến 2020, định hướng 2025.

Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, đang chạy hết công suất 6 triệu tấn/năm, đạt hiệu quả cao. "Chúng ta đang đàm phán với Nga để Nga mua cổ phần nhà máy này, hai bên sẽ cùng nhau đưa công suất lên 10 triệu tấn/năm. Sử dụng vốn của Nga để không phải đưa tiền của ta đầu tư thêm, song phải chờ hiệp định 2 chính phủ".

Thủ tướng cũng cho biết, ngoài dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm với đối tác Kuwait, Nhật Bản, hiện dự án nhà máy lọc dầu Phú Yên (đối tác Nga xin đầu tư) đã được thẩm định, cấp phép, công suất 8 triệu tấn/năm, chuẩn bị khởi công. Nhà máy lọc dầu số 3 ở Bà Rịa Vũng Tàu, đang kêu gọi đầu tư và đã triển khai dự án hóa dầu.

Còn nhà máy lọc dầu ở Cần Thơ công suất 2 triệu tấn/năm, chủ đầu tư khó khăn nên xem xét rút giấy phép. Dự án đang kêu gọi đầu tư ở Vân Phong, Khánh Hòa cũng nằm trong quy hoạch. Tập đoàn Thái Lan xin đầu tư Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định 30 triệu tấn/năm, nhà đầu tư đang báo cáo đầu tư. Dự án này chưa có trong quy hoạch, song đang xem xét bổ sung quy hoạch.

Theo Báo điện tử ĐCSVN