Người dân nhiều địa phương không đồng tình với việc thu phí sử dụng đường bộ
đối với xe máy. (Ảnh:TD).

Quy định các phương tiện cơ giới trên toàn quốc phải đóng phí bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 43 triệu mô tô, xe gắn máy. Như vậy, nếu thu đủ thì số tiền có được là một con số rất lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự tính.

Trên thực tế, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vẫn hết sức ì ạch vì dựa trên tinh thần tự giác, tự kê khai của người dân là chính. Vì vậy, sau 3 năm thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thì tổng thu sụt giảm qua từng năm và con số này đạt rất thấp. Cụ thể, năm 2014, Cần Thơ thu được 20% trên tổng số xe máy hiện có của địa phương này. Còn thành phố Hà Nội cũng chỉ thu được 21% trên tổng số xe máy đăng ký tại thành phố…. Năm 2014, tổng số phí sử dụng đường bộ thu từ xe máy mới được gần 100 tỷ đồng, chỉ đạt 22,2% so với kế hoạch. Nhiều địa phương thu không đủ chi.

Không những thế, 6 tháng đầu năm, tình hình có xu hướng kém hơn. Cụ thể, Khánh Hòa chỉ thu được vài trăm triệu đồng, Quảng Ngãi và Bình Định mỗi tỉnh thu được chỉ 1 tỷ đồng, Phú Yên thu vỏn vẹn 260 triệu đồng...

Với quy định nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng nhưng với số tiền thu được như trên thì chắc chắn cũng không đủ để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ trên địa bàn. Rõ ràng, công tác thu phí xe máy lộ ra nhiều bất cập.

Mặt khác, tại các kỳ họp HĐND các cấp, rất nhiều cử tri đã có ý kiến thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy là không hợp lý bởi quá trình sử dụng hệ thống đường bộ rất khác nhau giữa các đầu phương tiện. Có xe đi ít, có xe thì đi nhiều nhưng chính sách thì mọi phương tiện xe máy phải chịu mức phí như nhau.

Hơn nữa, hiện nay công tác quản lý xe máy ở nước ta đang có nhiều vấn đề bất cập. Rất nhiều xe được chuyển nhượng mà không hề sang tên đổi chủ. Phương thức thu lại giao cho tổ dân phố, thôn, xã thực hiện nên rất khó thực hiện. Việc thu phí thì lại trông chờ vào sự tự giác kê khai của người dân, do đó người nộp và người không nộp cũng giống nhau và không có bất kỳ chế tài xử phạt nào, rất thiếu công bằng...

Theo quy định, HĐND các tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu, cách thức thu phí bảo trì đối với xe máy. Điều này có nghĩa là các địa phương có quyền quyết định thu hay không thu phí này. Vì vậy, ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, ngày 7/7, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng bỏ phiếu thông qua quyết định tạm dừng thu phí, sau đó sẽ báo cáo chờ ý kiến Chính phủ. Sau đó 1 ngày, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ra Nghị quyết tạm dừng việc thực hiện nghị quyết ra cách đây hơn 2 năm về mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Không riêng gì Đà Nẵng hay Khánh Hòa, một số đồng chí lãnh đạo HĐND của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, Đắk Lắk… cũng bày tỏ muốn ngừng thu loại phí này vì gặp nhiều khó khăn.

Không riêng gì các vị lãnh đạo, nhân dân nhiều địa phương trên cả nước cũng đề nghị bỏ loại phí này. Trên các diễn đàn và trả lời câu hỏi của phóng viên các báo, những người trực tiếp đi thu khoản phí này và rất nhiều người dân đều đề nghị nên bỏ. Ông Nguyễn Hữu Giang, trưởng thôn Tân Thành, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trên giao chỉ tiêu thu phí đường bộ xuống thôn, chúng tôi phải cố gắng tổ chức tuyên truyền vận động, bà con mới chịu đóng. Lúc đầu, họ còn đóng đầy đủ, năm sau đến thu thì nhiều người khai từ 3 xe xuống còn 1. Nhiều gia đình nhất quyết không đóng loại phí này”.

Tương tự, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện triển khai thu phí đến tất cả các xã, cán bộ xã, thôn vận động nhưng người dân không đồng tình, không chịu đóng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội diễn ra sáng 14/7, nhiều cử tri kiến nghị thành phố Hà Nội bỏ loại phí này. Các cử tri cho rằng, loại phí này làm khó khăn và sụt giảm chi tiêu của người dân, đi đến đâu cán bộ cũng gặp phản ứng không đồng tình với loại phí này.

Trước phản ứng của nhân dân và việc một số địa phương muốn ngừng thu phí đối với xe máy, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, cho biết, Hội đồng quỹ sẽ bàn bạc vấn đề này, sau đó sẽ có kiến nghị tới Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh cũng cho hay, tháng 4/2015, Hội đồng Quỹ đã lấy ý kiến các tỉnh, thành về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Theo đó, đã có 30 tỉnh, thành có văn bản đồng tình và khẳng định nguồn thu phí từ xe máy rất cần thiết để bảo trì đường bộ.

Theo TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Một chính sách thu phí được ban hành trên toàn quốc, về nguyên tắc chỉ có một số trường hợp được miễn giảm ví dụ như xe máy của hộ nghèo còn lại mọi công dân đều phải thực hiện… Nay có nơi tiếp tục thu, nơi không thì không bình đẳng.

Theo nhiều chuyên gia, khi một chính sách được đưa ra, trong quá trình thực hiện nếu thấy bất hợp lý thì sẽ phải sửa đổi. Không thể để luật ban hành rồi nơi thì thực hiện nơi thì không sẽ dẫn tới tình trạng “nhờn luật”. Hơn nữa, ngay trong một địa phương, trong hơn hai năm qua, những người tự giác chấp hành luật này đang chịu “thiệt thòi” so với những người không thực hiện quy định vì không hề có chế tài xử phạt.

Thiết nghĩ, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy đang còn các ý kiến ngược chiều khác nhau thì các cơ quan liên quan cần phải có tổng kết để xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo vấn đề từ cách triển khai thực hiện đến hiệu quả cụ thể mang lại. Không thể để cùng một quy định của Nhà nước nhưng lại có nhiều cách làm khác nhau. Tại các địa phương đã và đang tiếp tục thu thì cũng phải có cách làm hợp lý để nhân dân đồng thuận và đảm bảo sự đồng lòng, công bằng trong xã hội…/.

Theo Báo điện tử ĐCSVN