Có thể nói Dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su được coi là sai phạm nghiêm trọng nhất, hệ lụy dai dẳng nhất trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai của ông Phạm Thế Dũng.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Liên quan tới những sai phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và cá nhân ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ này được Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ngày 18/9, phóng viên VOV điểm lại một số sai phạm đã được công bố trước đó.

sai pham chi tu cua cuu chu tich gia lai la chuyen doi rung ngheo

Một diện tích chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai

Theo Thông báo kết luận thanh tra 2834 ngày 19/11/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng một số dự án.

Từ năm 2008 đến 2012, tỉnh Gia Lai đã tiến hành 2 đợt, giao hơn 35.000ha đất rừng cho 16 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su. Các mục tiêu đặt ra là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã không đạt mục tiêu đề ra và để xảy ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong năm 2010 – 2011, vi phạm khoản 1, điều 31, Luật Đất đai; UBND tỉnh ra hai thông báo số 119/TB-UBND ngày 12/10/2007 và số 136/TB-UBND ngày 11/11/2009 thông báo diện tích, địa điểm cho các doanh nghiệp triển khai kế hoạch trồng cao su đến năm 2012 không căn cứ vào quy hoạch.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Việc chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ trong năm 2010-2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn ngân sách nhà nước; số lượng gỗ tận thu năm 2008 thiếu hụt hơn 31.000m3 (thành tiền là gần 39 tỷ đồng) so với biên bản xác định khối lượng gỗ tận thu và giấy phép khai thác; việc bán gỗ tận thu cho chậm nộp không đúng khoảng 8,2tỷ đồng tiền gỗ đấu giá dẫn đến nợ đọng khó có khả năng thanh toán.

Hệ lụy lâu dài

Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai đặt ra cơ chế thu hồi đất để tạm giao cho các nhà đầu tư, sau khi nhà đầu tư tận thu lâm sản và trồng cao su mới ra quyết định cho thuê đất chính thức là trái với quy định tại Điều 15, Luật Đất đai 2003, dẫn đến diện tích đất cho thuê chính thức thấp hơn diện tích thu hồi. Phần chênh lệch không có người quản lý. Hệ lụy là rừng bị phá.

sai pham chi tu cua cuu chu tich gia lai la chuyen doi rung ngheo

Rừng mất, cao su chết, hiệu quả kinh tế và xã hội kém

Mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số đã không đạt được. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số vào làm trong các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su đạt rất thấp. Các doanh nghiệp sau khi thuê đất trồng cao su chưa thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Qua công tác giám sát, Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai khóa X đã có kết luận, quá trình triển khai các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại địa phương xảy ra nhiều tranh chấp giữa cộng đồng địa phương với doanh nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tự ý sử dụng đất được chuyển đổi sai mục đích, như trồng sắn, trồng cỏ, làm trang trại nuôi bò….

Có thể nói, dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su là sai phạm nghiêm trọng nhất trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai của ông Phạm Thế Dũng. Hậu quả của dự án là rừng mất, dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghiêm trọng hơn, hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường của những sai lầm của dự án này sẽ còn kéo dài.

Trong thông báo kết luận tại kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật./.