sach hoi thao ve bien dong tai viet nam den voi ban doc my
(Nguồn: Vietnam+)

Cuốn sách gồm 254 tranh tiếng Anh, do tác giả James Borton, chuyên gia cao cấp của viện Mỹ - châu Á, đồng thời là tác giả của cuốn "Biển Đông: Các thách thức và triển vọng" xuất bản năm 2015, biên soạn dựa trên các bài phát biểu của nhiều học giả có uy tín trên thế giới tham dự hội thảo quốc tế "Địa vị pháp lý của các đảo, đá quy định trong luật quốc tế và thực tiễn áp dụng tại Biển Đông" tổ chức tại Nha Trang, Việt Nam hồi tháng 8/2016.

Nội dung chính của cuốn sách gồm 3 phần, phân tích về địa vị pháp lý của các đảo, đá quy định trong luật quốc tế; các tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa; và các khía cạnh của phán quyết PCA đối với vụ Philippine kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền phi lý cùng các hoạt động của hủy hoại môi trường sinh thái của nước này tại Biển Đông và những bước đi Việt Nam có thể nghiên cứu thực hiện nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình hậu phán quyết.

Theo thông cáo báo chí đánh dấu sự ra mắt của cuốn sách, phán quyết lịch sử của PCA đã khẳng định: dựa trên công ước Liên ​hợp​ quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đưa ra yêu sách chủ quyền lịch sử tại Biển Đông.

Trung Quốc đã vi phạm các quy định của UNCLOS liên quan đến vấn đề quản lý an toàn, bảo vệ môi trường và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Nước này cũng đã làm ngơ các cảnh báo và các quy định của luật pháp quốc tế, tiếp tục các vi phạm với âm mưu đơn phương tạo ra chủ quyền trên biển bằng cách trôn vùi hàng nghìn tấn bùn cát, hủy hoại các rạn san hô để bồi đắp các đảo nhân tạo.

Trung Quốc đã và đang tiến hành các hoạt động vi phạm tại cả 7 thực thể ở Trường Sa, tiến hành nạo vét các kênh rạch, làm sân bay, lắp đặt ra đa, tên lửa, trụ cầu và các cấu trúc có tầm quan trọng chiến lược khác.

Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã tạo ra phép thử cho luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục các vi phạm tại vùng biển này cũng làm dấy lên cảnh báo đối với tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Tác giả cuốn sách chia sẻ: "Khoa học biển và ngư dân hiểu rằng, những rạn san hô khỏe mạnh sẽ giúp đảm bảo nguồn lương thực, phòng chống thiên tai và bảo tồn các giá trị truyền thống của các cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo."

Do đó "thách thức đối với tất cả mọi người là phải tìm ra các giải pháp cho khu vực để bảo vệ Biển Đông trước khi quá muộn."

Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông Jonathan Spangler cho rằng "Sự ra đời kịp thời của cuốn sách với sự đóng góp của các học giả hàng đầu thế giới ủng hộ sự hợp tác trên lĩnh vực khoa học biển nhằm giải quyết các tranh chấp là rất đáng để đọc, có thể giúp đọc giả hiểu hơn về sự phức tạp của các vấn đề tại Biển Đông."

Bill Hayton, phóng viên BBC đồng thời là tác giả của cuốn sách "Biển Đông: Cuộc cạnh tranh quyền lực tại châu Á" đánh giá cuốn sách là "những đóng góp tuyệt vời của những người liên quan, giới thiệu các quan điểm rộng về một trong những tranh chấp quốc tế quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay."

Theo giáo sư sinh thái, sinh học biển trường đại học Miami John W. McManus "Với tương lai đầy bất ổn tại Biển Đông, bước đi quan trọng hướng tới sự hòa bình trong khu vực nhạy cảm này là cần phân tích tình hình cẩn thận, phổ biến rộng rãi các thực tế và quan điểm. Cuốn sách đã làm được điều này và sẽ được chào đón."

Hiện cuốn sách "Các đảo và đá ở Biển Đông - Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế" đã xuất hiện trên các trang mạng phổ biến tại Mỹ và các nước như Amazon, Ebay.../.