phat trien nghe moc my nghe o xuan phuong
Cổng làng nghề mộc truyền thống mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình

Gia đình anh Dương Đình Tuyến, là một trong những hộ dân phát triển sớm nghề mộc ở xã Xuân Phương. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, gia đình anh đã có xưởng sản xuất quy mô, với hệ thống máy móc hiện đại, từ đó đã giúp cơ sở không chỉ tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, mà còn giúp giảm bớt sức lao động. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù thị trường có phần bớt sôi động hơn so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cơ sở của gia đình vẫn duy trì sản xuất ổn định để chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới. Anh Dương Đình Tuyến chia sẻ: "Lượng vốn vẫn còn khó khăn, lượng hàng còn nhiều. Rất mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ về vốn để duy trì hoạt động".

Nối tiếp truyền thống của gia đình, anh Dương Đình Hiệp cũng đã có hàng chục năm làm nghề tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương. Nhờ duy trì chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của gia đình anh Hiệp không chỉ khẳng định được chỗ đứng ở thị trường Thái Nguyên, mà còn vươn xa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương. Anh Hiệp tâm sự: "Từ ngày được công nhận làng nghề các sản phẩm cũng được tiêu thụ dễ hơn. Để phục vụ cho thị trường cuối năm nay mình sẽ cải tiến một số mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường".

phat trien nghe moc my nghe o xuan phuong
Nhiều gia đình tại làng nghề đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất

Từ chỗ chỉ có một vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay nghề mộc nơi đây đã được công nhận làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, với trên 60 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn bộ sản phẩm, với doanh thu trên 80 tỷ đồng. Ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: "Ngoài thuận lợi của địa phương đang phát triển cũng mong muốn các chính sách của nhà nước quan tâm đến phát triển của làng nghề, ví vụ như chính sách khuyến công, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để cải thiện về môi trường và tăng năng suất".

Không ngừng phát triển, làng nghề đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng một người một tháng. Sự cần cù, dám nghĩ dám làm đã giúp người dân nơi đây làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương và đây cũng là đòn bẩy nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới ở xã Xuân Phương.