de xuat cho thi diem hoat dong xe cho nguoi 4 banh gan dong co xang
Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chạy xăng thích hợp hoạt động trong khu vực phạm vi hạn chế hẹp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến thời điểm hiện tại, 13 địa phương trên cả nước (trong đó 4 địa phương gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Nam đang đầu tư phương tiện) hiện có tổng số 40 doanh nghiệp và một số hộ kinh doanh, với số lượng trên 1.414 xe đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế (trong đó có 17 xe sử dụng động cơ xăng do đặc thù trên đảo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc Hưng hoạt động tại Cát Bà, Hải Phòng).

Về chủng loại và xuất xứ phương tiện gồm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Mỹ sản xuất và xe được sản xuất, lắp ráp mới tại cơ sở trong nước.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, loại hình này đã đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu du lịch và được hành khách đón nhận, đánh giá phù hợp phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hẹp thay thế phương tiện xe ngựa, xe ôm, xe đạp lôi, xe xích lô... và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, qua thực tế, phương tiện 4 bánh chạy năng lượng điện cũng phát sinh một số hạn chế khi hoạt động tại các tuyến đường, khu vực có độ dốc cao (độ dốc trên 20%) và số km hoạt động cho một lần nạp ắc quy bị hạn chế (phương tiện chỉ chạy được 70-120km/lần nạp ắc quy).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đa phần các địa phương đánh giá chung việc sử dụng xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng xăng (ưu tiên sử dụng xăng sinh học) thì phương tiện này hoạt động linh hoạt hơn và giảm một phần khí thải cho môi trường; phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định trước khi đưa ra hoạt động; giao địa phương ban hành quy định về thí điếm hoạt động xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chạy xăng (ưu tiên dùng xăng sinh học) hoạt động trong khu vực hạn chế trên địa bàn phù hợp với địa hình, hạ tầng giao thông và thời tiết tại địa phương; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi thúc đấy phát triến du lịch.

Trên cơ sở kinh nghiệm từ việc thực hiện thí điểm xe 4 bánh chở người có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện) thời gian qua, tránh tình trạng phát triển ồ ạt tự phát dẫn tới việc khó kiểm soát về kỹ thuật, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ phương tiện, thành phần kinh tế, đối với xe 4 bánh chở người có gắn động cơ chạy xăng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần ưu tiên lựa chọn đơn vị có kinh nghiệm khai thác, loại xe đã có thời gian vận hành thử nghiệm tại Việt Nam để giúp cho việc quản lý, kiểm soát được thống nhất có hiệu quả và sớm đánh giá được kết quả thí điểm, đảm bảo được mục tiêu phát triển du lịch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đưa ra so sánh tiện ích hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, với một xe bốn bánh có gắn động cơ chạy xăng có thể hoạt động liên tục 12 giờ trong ngày bằng ba lần thời gian hoạt động của xe chạy bằng năng lượng điện đồng nghĩa với việc phải đầu tư ba xe điện thì số giờ hoạt động mới bằng một xe xăng, điều này giảm lãng phí cả về vốn đầu tư, chi phí tổ chức hoạt động và nhân sự, giảm lượng rác thải công nghiệp (ắc quy hỏng) đồng thời giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông, phương án tổ chức vận tải của doanh nghiệp được thuận lợi hơn từ đó góp phần tăng hiệu quả của suất đầu tư, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó góp phần làm tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, loại phương tiện này không phải là ôtô và chưa được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Đề án thí điểm hoạt động xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chạy xăng (ưu tiên dùng xăng sinh học) hoạt động trong khu vực hạn chế (trong khu phố cổ, khu du lịch, di tích lịch sử theo tuyến đường và phạm vi cố định, đáp ứng đúng mục đích phục vụ chủ yếu khách du lịch) tại một số tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Hồ Chí Minh, Kiên Giang theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Thời gian thực hiện thí điểm đến hết năm 2018. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quy định về thí điểm hoạt động xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chạy xăng (ưu tiên dùng xăng sinh học) hoạt động trong khu vực hạn chế trên địa bàn phù hợp với địa hình, hạ tầng giao thông và thời tiết tại địa phương; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch./.