Tối 18/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến đi tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU lần thứ 137 tại Liên bang Nga và thăm chính thức Kazakhstan.

Khuyến nghị của Việt Nam được đánh giá cao

Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU lần thứ 137 diễn ra tại thành phố Saint Petersburg (LB Nga) thu hút sự tham dự của hơn 160 nghị viện thành viên, với số đại biểu chính thức lên tới 2.400, gần 100 Chủ tịch Quốc hội và 40 Phó Chủ tịch Quốc hội.

chu tich quoc hoi ket thuc chuyen tham du ipu 137 va tham kazakhstan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU 137

Đại hội đồng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến rất phức tạp, nổi lên là sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa và xung đột sắc tộc, tôn giáo.

Chính vì thế, các nhà lãnh đạo của IPU đã quyết định lựa chọn chủ đề của Đại Hội đồng là “Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa thông qua đối thoại hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo”. Chủ đề này gắn liền với thời đại nhằm đưa ra thảo luận và có nghị quyết để các nghị viện thành viên trên thế giới tham gia tích cực vào xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham gia tất cả các hoạt động IPU. Trong ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo. Chủ tịch Quốc hội cho rằng chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra 5 khuyến nghị, gồm: Các nghị viện trên thế giới tập trung tạo khuôn khổ pháp lý về dân tộc và tôn giáo, qua đó, với vai trò là cơ quan lập pháp, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến khuôn khổ pháp lý này, tạo ra khuôn khổ pháp lý hợp pháp cho mọi người dân, mọi thành phần. Nhưng mong muốn cao nhất là tạo ra sự đoàn kết để xây dựng một thế giới hợp tác hòa bình.

Thứ hai, các nghị viện cần xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở để giám sát hiệu quả.

Thứ ba, quan tâm đến công tác truyền thông, truyền bá tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác. Điều này rất quan trọng để các dân tộc, tôn giáo gần nhau hơn.

Thứ tư, tăng cường hợp tác song phương và đa phương để học hỏi lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề tôn giáo, văn hóa, dân tộc.

Thứ năm, Liên minh Nghị viện thế giới phối hợp chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên tăng cường sáng kiến và hành động liên quan đến vấn đề tôn giáo, văn hóa.

Bài phát biểu này được nhiều Chủ tịch Quốc hội và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước đánh giá cao vì đã đề xuất, khuyến nghị những giải pháp rất sát với tình hình thế giới.

Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Nurlan Nigmatulin, người đã tham Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới tại Saint Petersburg cũng bày tỏ sự ấn tượng về bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại IPU 137, đặc biệt là câu nói “Chỉ có sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau mới có thể kết nối các tôn giáo”. Đây cũng là điều mà Kazakhstan mong muốn.

chu tich quoc hoi ket thuc chuyen tham du ipu 137 va tham kazakhstan

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào nhiều nội dung của IPU-137, nhất là Nhóm Nữ nghị sỹ và Diễn đàn Nghị sỹ trẻ. Lần này, Đoàn Việt Nam đã chủ trì cùng với một quốc gia khác tổ chức chuyên đề ở Ủy ban Phát triển bền vững, tài chính và thương mại. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam cử đại diện có báo cáo đề dẫn tại Ủy ban để thảo luận.

“Chúng ta đã làm được một việc mà Liên minh Nghị viện đánh giá cao đó là sự tham gia tích cực, đóng góp thực chất cho Đại Hội đồng và có tác động lan tỏa. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá cao sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau khi chúng ta tổ chức Đại Hội đồng IPU - 132 tại Hà Nội và nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ của IPU diễn ra tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm.

Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cũng tiếp xúc, gặp gỡ với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran, Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc. Các bạn đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao và đề xuất tăng cường hợp tác nghị viện, có quan hệ thường xuyên, trao đổi thường xuyên Đoàn cấp cao.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng gửi thư mời các nước thành viên trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF)… lãnh đạo nghị viện các nước đều vui vẻ nhận lời.

Mở ra cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Kazakhstan

Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Kassym Zhomart Tokayev và Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức đến Kazakhstan - một nước Trung Á, có nền kinh tế lớn nhất khu vực và có rất nhiều tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác.

chu tich quoc hoi ket thuc chuyen tham du ipu 137 va tham kazakhstan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin

Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao được 25 năm, nhưng quan hệ truyền thống giữa hai nước đã được duy trì từ rất lâu trước đó.

Đánh giá về chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Nurlan Nigmatulin nhấn mạnh: “Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử với nhiều yếu tố đầu tiên như là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên và là Chủ tịch Quốc hội nữ đầu tiên đến thăm Kazakhstan. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ với Kazakhstan. Đặc biệt chuyến thăm chính thức này diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, tại các buổi hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, bạn đều đánh giá rất cao mối quan hệ giữa hai nước, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Phía Kazakhstan cũng cho rằng, quan hệ hợp tác về kinh tế giữa hai nước đã có những tiến triển tốt đẹp, đặc biệt là trước khi ký FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, kim ngạch hai chiều chỉ dưới 100 triệu USD nhưng sau khi ký, năm 2016 đã tăng rất nhanh lên tới hơn 300 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2017 là 375 triệu USD và ước tính năm 2017 sẽ lên tới 450 triệu USD. Lãnh đạo Kazakhstan mong muốn, hai nước phát triển hợp tác nhiều hơn nữa. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ trao đổi, xuất nhập khẩu các sản phẩm mà hai nước có thế mạnh. Bạn cũng đề nghị hợp tác về giao thông, công nghiệp, du lịch.

chu tich quoc hoi ket thuc chuyen tham du ipu 137 va tham kazakhstan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin

Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền cho biết, trong chuyến thăm này, cả Hạ viện và Thượng viện của bạn đều rất mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia, nhất là tăng cường quan hệ giữa các Cơ quan lập pháp hai nước.

“Thời gian tới tôi tin tưởng hai nước sẽ có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Kazakhstan sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp giữa hai nước, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghị viện giữa hai bên”, Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền nói.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Kazakhstan, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Bakytzhan Sagintayev; Chủ tịch Thượng viện Kassym Zhomart Tokayev; gặp lãnh đạo đảng cầm quyền Nur Otan; gặp Bí thứ thứ nhất Đảng Cộng sản nhân dân Kazakhstan và thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Kazakhstan đã thành công tốt đẹp. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước cũng như giữa Quốc hội hai nước./.