Hôm nay (12/8), tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc chủ trì Hội thảo.

can tao co hoi binh dang doi voi phu nu vung dan toc thieu so
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, một trong những rào cản lớn của phụ nữ dân tộc thiểu số là định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ dân tộc thiểu số thường nghèo và bấp bênh về thu nhập. Họ bị tụt hậu trong trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội. Đây là nguyên nhân dẫn tới phụ nữ dân tộc thiểu số đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần nghiên cứu tích hợp chính sách dân tộc hiện hành trong một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo lồng ghép giới hiệu quả; tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục đào tạo, nghề nghiệp thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số; tăng cường tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, cơ hội bình đẳng là rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cho rằng, cần phải có những chính sách để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ.

Để làm được điều này, theo bà Trương Thị Mai, việc lồng ghép các hệ thống chính sách là rất quan trọng; các cơ quan, ban, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu phát biển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để chính sách trở thành chiến lược lâu dài, bao quát toàn diện, có phạm vi, ưu tiên vấn đề, bố trí nguồn lực, cơ chế điều phối; đánh giá kiểm tra theo dõi điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể./.