Ban thường vụ tỉnh ủy làm việc về Bàn giải pháp đưa
Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm quốc gia
Ảnh: Nguyễn Trung

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) báo cáo kết quả thực hiện công tác quy hoạch phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010. Sau hơn 3 năm thực hiện ĐHTN đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Về công tác xây dựng bộ máy tổ chức, ĐHTN đã thành lập được 9 đơn vị mới trực thuộc ĐHTN hầu hết các đơn vị được thành lập đều đạt và vượt tiến độ đề ra như: Thành lập Trung tâm học liệu, Khối cơ quan đại học và nâng cấp Khoa KHTN và XH thành Trường ĐH Khoa học….Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ĐHTN đã xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao đến nay toàn đại học đã có 207 tiến sĩ, 956 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I,II và có 63 GS, PGS. Theo lãnh đạo ĐHTN để đại học phát triển thành thành đại học trọng điểm quốc gia thì số lượng như vẫn ở mức thấp, trong thời tới cần tăng cường đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công tác hợp tác quốc tế được ĐHTN hết sức chú trọng. Đến hết năm 2008, ĐHTN có 71.301 HSSV, trong đó số lượng sinh viên sau đại học là 2.127 người, số lượng HSSV hệ chính quy đạt trên 40.000 người. Số ngành nghề đào tạo không ngừng tăng lên, đặc biệt là các bậc đào tạo đại học và sau đại học: Đại học đã mở được 18 chuyên ngành tiến sĩ, 36 chuyên ngành cao học, 15 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa I,II và 109 ngành ở bậc đại học…

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được chú ý, quan tâm và không ngừng đổi mới. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đại học đã thành lập được 10 nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành và 4 nhóm chuyên gia nghiên cứu liên ngành; đổi mới quy trình, phương pháp xét chọn các đề tài NCKH theo hướng ưu tiên có tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề trọng điểm của đất nước. Gắn các hoạt động khoa học- công nghệ với đào tạo phục vụ tích cực các yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Ngoài ra, đại học đã thực hiện được 01 đề tài cấp nhà nước, 12 đề tài cấp bộ trọng điểm, 210 đề tài cấp bộ, 01 dự án sản xuất thử và hàng nghìn đề tài cấp cơ sở.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, sau 3 năm thực hiện đề án đại học đã mở rộng thêm quan hệ với 18 quốc gia đưa số quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác với đại học lên tới 63 quốc gia, khai thác được 23 dự án quốc tế với tổng kinh phí đầu tự đạt gần 17 tỷ USD, các chương trình khai thác học bổng tiến sĩ, thạc sĩ và cử sinh viên đi học tập tại nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngoài ra đại học còn thực hiện được 31 chương trình, khóa học liên kết đào tạo quốc tế từ trình độ tiến sĩ đến dạy nghề. Thông qua những chương trình hợp tác quốc tế, năng lực và trình độ chuyên môn ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ được nâng lên, hình thành nhiều tập thể có khả năng giao tiếp và tham gia đấu thầu các chương trình, dự án quốc tế.

Bên cạnh những vấn đề về đào tạo con người, công tác xây dựng cơ sở vật chất được Đại học hết sức quan tâm và đầu tư. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng trong 3 năm qua đại học đã có gắng huy động các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ và hiện đại hóa cơ sở vật chất. Hoàn thành 14 công trình xây dựng cơ bản, xây dựng xong bản đồ diện tích đại học, hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư phía Nam của Đại học phục vụ cho giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác xây dựng cơ sở vật chất cho đến thời điểm này là chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do thiếu vốn và việc giải phóng mặtt bằng phục vụ xây dựng cơ bản còn chậm…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố và Ban giải phóng mặt bằng về việc xây dựng đề án phát triển ĐHTN. Vấn đề giải phóng mặt bằng cần phải xây dựng lộ trình theo từng năm và tổ chức giải phóng mặt bằng phân theo thành từng khu quản lý thuận tiện hơn.

Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao về những kết quả mà ĐHTN đã đạt được trong 3 năm xây dựng Đề án phát triển ĐHTN thành trung tâm khu vực, đánh giá cao việc thực hiện mô hình đào tạo lấy bằng sau đại học của các trường đại học quốc tế ngay tại ĐHTN và sự phối hợp chặt chẽ giữa đại học với chính quyền và nhân dân. Đồng thời chỉ đạo ĐHTN cần nâng cao chất lượng chuyển giao công nghệ vì đây là sức sống của các trường đại học và cần chuyển giao sao cho phù với sự phát triển của xã hội. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy yêu cầu nên có một cuộc họp gần nhất để bàn về vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề vốn xây dựng cần có ý kiến trực tiếp với trung ương để giải quyết cho kịp tiến độ. Cần tăng cường theo dõi chỉ đạo vấn đề an ninh tư tưởng của học sinh, sinh viên. Việc cấp đất cho những giáo viên chưa có nhà ở phải thực hiện theo đúng chính sách./.

Nguyễn Trung