Xung quanh vấn đề kết nối giao thông tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Bình
Các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Bình hoạt động cầm chừng hoặc chưa thể đi vào khai thác, bởi nhiều lý do, trong đó có việc vướng mắc khi kết nối hạ tầng giao thông. |
Mỏ cát xóm Ngược nằm trên địa bàn xã Nhã Lộng và xã Bảo Lý được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Doanh Trí từ tháng 8/2017. Tuy nhiên, đến tận tháng 6 năm 2020, mỏ cát này mới chính thức đi vào hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có việc khó khăn khi không thể kết nối được với hệ thống giao thông để vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Theo dự tính ban đầu, việc kết nối giao thông vào mỏ thông qua tuyến đường xóm Thanh Đàm, xóm Đồi, xã Nhã Lộng cùng với xóm Đại Lễ, xóm Ngược, xã Bảo Lý. Tuy nhiên, đây đều là những con đường dân sinh nhỏ hẹp với bề ngang mặt đường chỉ từ 2,5 đến 3m, nên không đảm bảo cho xe tải trọng lớn hoạt động. Mặc dù, doanh nghiệp cũng đã đưa ra giải pháp mở rộng mặt đường trên địa bàn xã Nhã Lộng, tuy nhiên, việc này lại không nhận được sự đồng thuận của một số hộ dân địa phương.
Đến tháng 9 năm 2020, đơn vị này mới thỏa thuận với nhân dân xóm Ngược, xã Bảo Lý để vận chuyển cát sỏi ra ngoài. Tuy nhiên, địa phương này cũng chỉ cho phép xe dưới 6m³ lưu thông, nên doanh nghiệp đã phải thuê bến bãi ở khu vực giáp UBND xã để trung chuyển dẫn đến chi phí tăng cao.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Doanh Trí cho hay: "Với đơn vị khai thác, chế biến cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, sản phẩm phải đưa được ra ngoài thị trường. Song, hệ thống giao thông khó khăn, sản phẩm không thể đưa ra ngoài thị trường được, bến bãi tập kết cũng không có chỗ chứa, còn vận chuyển ra với xe tải trọng nhỏ thì chi phí rất lớn. Với những khó khăn như vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ chúng tôi trong vấn đề đường giao thông để vận chuyển vật liệu".
Phát sinh thêm nhiều chi phí, song còn có thể duy trì hoạt động vẫn được xem là may mắn của doanh nghiệp trên. Điển hình như tại dự án khai thác cát sỏi của Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội trên địa bàn xã Nga My và Hà Châu, huyện Phú Bình. Năm 2016, đơn vị này trúng đấu giá quyền khai thác cát sỏi tại đây và đến tháng 7 năm 2017, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác cát sỏi trên diện tích gần 30ha. Tuy nhiên, 4 năm đã trôi qua, mà đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thể tiến hành khai thác do chưa thỏa thuận thu hồi được đất nằm trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Phú Bình cho biết: "Người dân xây trụ bê tông để bảo đảm đường giao thông chứ không phải cản trở việc thực hiện dự án của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các xóm để đảm bảo an toàn giao thông, dùng biển báo hạn chế tải trọng chứ không được sử dụng các trụ cột bê tông để bảo vệ đường".
Giáp liền kề với Nga My, trên địa bàn xã Hà Châu ngoài mỏ cát của Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội còn có mỏ cát của Công ty Quốc Cường - Mê Linh nằm trên địa bàn xóm Chùa đã đi vào hoạt động khai thác. Tuy nhiên, vấn đề giao thông lại nổi lên khi người dân phản ánh tình trạng xe trọng tải lớn đi vào đường dân sinh gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của bà con. Sau nhiều cuộc làm việc, đơn vị này đã xây dựng một con đường khác để kết nối việc vận chuyển sản phẩm ra khỏi khu mỏ. Mặc dù vậy, mới đây, khu vực này tiếp tục xảy ra hiện tượng ngăn cản hoạt động vận chuyển khiến tình hình an ninh trật tự của địa phương không đảm bảo. UBND xã đã yêu cầu Công ty Quốc Cường - Mê Linh tạm dừng hoạt động để kiểm tra, làm rõ vụ việc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 7/8 mỏ khai thác khoáng sản gồm 5 mỏ cát, sỏi và 3 mỏ đất san lấp đã được cấp phép đang triển khai hoạt động. Tuy nhiên, ngoài mỏ cát sỏi của Công ty Cổ phần Khai khoáng Nam Việt nhận được sự đồng thuận của người dân thì các mỏ khai thác khoáng sản khác đều đang gặp vướng mắc, khó khăn. Điển hình là khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng để làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông từ các mỏ khai thác khoáng sản ra bên ngoài đa phần dựa trên đường dân sinh hiện có. Đường nhỏ hẹp, nền đường yếu, các xe vận chuyển khoáng sản đã gây hư hỏng, mất an toàn giao thông khiến người dân địa phương bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Phú Bình cho hay: "Qua thời gian khai thác của mỏ cũng ảnh hưởng rất lớn tới đường giao thông, sụt lún nhiều và bụi, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi nhân dân phản ánh, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp như: tăng cường tuần tra của Công an xã, lập kế hoạch tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo môi trường khi khai thác đất, sửa chữa đường giao thông. Đến nay, đường giao thông công ty đã sửa chữa, trọng tải xe cũng đã giảm".
Để giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Phú Bình, UBND các xã đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa các bên có liên quan, bên cạnh đó, cũng triển khai nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện nhiều. Đây là vấn đề sẽ được UBND huyện quan tâm chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình trao đổi thông tin với phóng viên. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình nhấn mạnh: "Thời gian tới, UBND huyện Phú Bình cùng với UBND các xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức khai thác đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, UBND huyện tăng cường quản lý, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: thỏa thuận việc mua đất, thuê đất, nộp ngân sách đảm bảo đúng quy định, đảm bảo môi trường đầu tư trên địa bàn huyện, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông chính, phục vụ kết nối giao thông với đường quốc lộ 41m trùng đường Vành đai 5. Tuyến đường từ Kha Sơn đi đường Vành đai 5 huyện Phú Bình, tuyến đường từ Úc Sơn đi Tân Đức nối Vành đai 5 và nâng cấp cầu Thanh Lăng - Tân Hòa để phục vụ mỏ đất của Công ty Phú Cường. Huyện đã thông qua đề án phát triển giao thông đến năm 2025 nhằm đáp ứng tiêu chuẩn huyện Phú Bình trở thành thị xã, cơ bản sẽ đáp ứng kết nối giao thông các điểm mỏ trên địa bàn huyện Phú Bình".
Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Bình là bài toán không hề đơn giản khi phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên có liên quan. Chính vì vậy, cùng với việc tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của cấp ủy chính quyền, thì doanh nghiệp khai thác mỏ cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật và có trách nhiệm hơn đối với xã hội, với cộng đồng dân cư địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng để người dân có cái nhìn đầy đủ khách quan về hoạt động khai thác khoáng sản hợp pháp, qua đó, hiểu và đồng thuận vì sự phát triển chung của địa phương./.