Chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp khoáng sản luôn ở mức cao
Sáng nay (21/3), Hội Địa chất Kinh tế; Ban Pháp Chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức thành viên Liên minh Khoáng sản phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”.
Hội thảo tập trung thảo luận về thực trạng minh bạch trong các quy định, chính sách của lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt trong giai đoạn cấp phép và quá trình thu thuế, phí từ khai thác khoáng sản, từ đó đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy minh bạch, quản trị tốt hơn và đảm bảo hệ thống thu – chi tài chính minh bạch và bền vững trong lĩnh vực khoáng sản.
Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”. |
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 0,9 – 1,1% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh rằng, số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.
Cách thức quản lý thu thuế, phí dựa trên giá bán và sản lượng được khai báo bởi doanh nghiệp cũng đưa ra những vấn đề nhiều tranh cãi.
Năm 2013, Viện Quản trị Tài Nguyên Thiên nhiên (Natural Resource Governance Institute) đã đánh giá, Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng yếu trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là thất bại trong các khía cạnh liên quan đến báo cáo và thực thi pháp luật với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin về báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Minh Đức, thành viên Liên minh Khoáng sản cho biết, qua phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp cho thấy, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các doanh nghiệp khác. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ngành khoáng sản cũng bị thanh tra môi trường cao hơn, với tỷ lệ hơn 61% so với các ngành khác.
“Mặc dù các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản bị cho là gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, song kết quả khảo sát thăm dò ý kiến cũng cho thấy, doanh nghiệp khoáng sản cũng bị tổn hại, ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường đem lại...”, Luật sư Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Trong tiến trình đó, nhu cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị.
Nhiều đại biểu cho rằng, dù nguyên tắc này chưa được chính thức ghi nhận rộng rãi trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành khoáng sản, song nhiều quy định hướng tới minh bạch, công khai thông tin cũng đã được xem xét lồng ghép.
Các quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất./.