Phú Bình: Cần tăng cường công tác quản lý khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn huyện
Thời gian gần đây, tình hình hoạt động khai thác đất trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác đất trái phép, khai thác các mỏ không đúng vị trí, thời hạn, khối lượng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp. Ở một số địa phương, hoạt động này đã diễn ra cả một thời gian dài, song các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương cũng chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý.
Tình hình hoạt động khai thác đất trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác đất trái phép. |
Xóm Mai Sơn, cách UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình không xa, tại đây hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra một cách rầm rộ, không hề lén lút, những đối tượng khai thác huy động máy xúc, nhiều xe tải vận chuyển ra ngoài ngay cả giờ hành chính. Thời gian UBND xã Kha Sơn cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là tài nguyên đất. Sau khi nhận được Văn bản số 2795, ngày 27/7/2020 của UBND tỉnh, UBND xã đã có quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn.Tuy nhiên, trên thực tế việc khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn xã hàng ngày diễn ra, bởi theo lãnh đạo UBND xã Kha Sơn thì quyền hạn, chế tài xử lý đối với cấp xã còn hạn chế nên các đối tượng khai thác trái phép vẫn cố tình vi phạm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình cho biết: “Địa bàn xã Kha Sơn cũng có hiện tượng khai thác đất trái phép, vấn đề quản lý Nhà nước chúng tôi cũng nắm bắt được và cũng đề nghị cán bộ chức năng, cán bộ chuyên môn vào cuộc, cũng đã xử lý nhiều vụ, tuy nhiên thẩm quyền, chức năng của xã còn nhiều hạn chế, cho nên đó là khó khăn trong công tác quản lý trên địa bàn”.
Những đối tượng khai thác huy động máy xúc, nhiều xe tải vận chuyển ra ngoài ngay cả giờ hành chính. |
Hoạt động khai thác đất trái phép không chỉ diễn ra tại xã Kha Sơn mà còn tồn tại ở nhiều địa phương khác trong huyện Phú Bình. Theo phản ảnh của người dân, trong thời gian qua, nhiều quả đồi trên địa bàn các xã Điềm Thụy, Úc Kỳ, Nga My, huyện Phú Bình bị đào sới nham nhở.
Hàng ngày có tới vài chục lượt xe tải tấp nập ra vào vận chuyển đất kéo theo khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Những năm qua xác định được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên đất. UBND huyện Phú Bình cũng đã tích cực tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, thành lập các đội, tổ công tác liên ngành để tổ chức tiến hành kiểm tra, tuần tra trên địa bàn.
Đối với những mỏ chưa được cấp phép, UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu bằng việc ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản giữa người dân với chính quyền địa phương; giữa chính quyền cấp xã, thị trấn với cấp huyện.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nên tình trạng khai thác vận chuyển đất trái phép được hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện khá nghiêm túc trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thì còn tồn tại không ít những đơn vị tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hệ lụy có thể gây ra đối với môi trường và đời sống dân sinh.
Bà Kiều Thị Thao, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: “UBND huyện đã đề ra các giải pháp, thứ nhất là triển khai những văn bản chỉ đạo đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp, giải pháp tiếp theo là thực hiện tốt các công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các xã, thị trấn, các cơ quan ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện các sai phạm trong quá trình hoạt động, hoặc các tổ chức cá nhân chưa được cấp phép”.
Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm pháp luật về khoáng sản là do nhu cầu sử dụng đất, đá, cát phục vụ san lắp mặt bằng cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh lớn. Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, cá nhân bất chấp các quy định để thực hiện hành vi vi phạm. Theo tìm hiểu giá thành của mỗi một m3 đất đến chân công trình lên đến 50-60 nghìn đồng, chính vì điều này, một số đơn vị đã bất chấp các quy định, cố tình khai thác vận chuyển trái phép. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cấp xã chưa thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND huyện về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nên đã dẫn đến tình trạng khai thác trái phép, gây thất thu nguồn thuế tài nguyên khoáng sản của địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục Trưởng Chi cục thuế khu vực Phú Bình - Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi rất mong Chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Tài Nguyên Môi trường, Cơ quan Công an thường xuyên giám sát chặt chẽ các điểm khai thác đất mà đặc biệt là khai thác trái phép, có biện pháp xử lý kịp thời, dừng ngay việc khai thác lậu, nếu không thất thu rất lớn”.
Việc tiêu thụ của các đối tượng khai thác đất trái phép cũng rất dễ dàng, bởi theo tìm hiểu của phóng viên đất mua tại các mỏ được cấp phép giá thường sẽ cao hơn so với đất không rõ nguồn gốc. Trong khi việc khai thác trái phép không phải mất các chi phí về thuế và các quy định của nhà nước, nên khi bán ra thị trường số tài nguyên đất này sẽ được bán rẻ hơn rất nhiều. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các đơn vị được nhà nước cấp phép hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Công ty TNHH Tân Hưng Thịnh, Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi làm bên mỏ tôi, mỏ chính quy đấy, thực tế là phải đóng thuế, tất cả các loại thuế của nhà nước, nên giá thành của tôi cao, cộng với đó là giá bên ngoài thấp cho nên mỏ của tôi không cạnh tranh nổi nữa, thậm chí năm nay là năm thứ 3, sản lượng bán ra rất ít, hiện nay, bên Sông Công và Phú Bình đất cứ tiếp tục ra một cách bình thường, tôi không hiểu lý do tại sao như vậy”.
Việc khai thác đất trái phép đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động. |
Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 2795, ngày 27/07/2020, theo đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tăng cường thực hiện các Chỉ thị văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và địa phương, có như vậy việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Bình và tỉnh Thái Nguyên mới đem lại được kết quả tốt./.