Nhiều bất cập trong việc thực hiện quyền khai thác khoáng sản sau trúng đấu giá
Dự án khai thác cát sỏi của Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội nằm trên địa bàn xã Nga My và xã Hà Châu, huyện Phú Bình sau 5 năm trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn im lìm… |
Dự án khai thác cát sỏi của Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội nằm trên địa bàn xã Nga My và xã Hà Châu, huyện Phú Bình sau 5 năm trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn im lìm… Năm 2016, đơn vị này trúng đấu giá quyền khai thác cát sỏi tại đây và đến tháng 7 năm 2017 được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác trên diện tích gần 30ha. Tuy nhiên, từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn không thể đi vào hoạt động khai thác do chưa thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các chủ đất nằm trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội chia sẻ: "Bất cập lớn nhất là công ty đấu thầu và được khai thác, nhưng Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng sạch; vẫn đất của người dân mà trong nhóm khoáng sản, vật liệu thông thường như: cát sỏi, đất san lấp mặt bằng lại là nhóm thỏa thuận với dân, nên đây là 1 trong những điểm mấu chốt khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp đấu thầu khoáng sản để khai thác khoáng sản phục vụ các vật liệu thông thường như đất, cát sỏi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên".
Không chỉ vướng mắc về việc thỏa thuận bồi thường với các chủ đất mà doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khi người dân địa phương chưa đồng thuận với việc triển khai dự án.
Người dân xóm Dinh C, xã Nga My, huyện Phú Bình cho hay: "Khai thác đến đất của dân là họ không đồng ý, dân lo sợ lở đất".
Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Phú Bình cho biết: "Với vai trò quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương thì chúng tôi vẫn luôn có ý kiến, phối hợp với các cơ quan chức năng; đặc biệt, tuyên truyền để cho các hộ dân hiểu chương trình, dự án; đồng thời, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề nghị các cơ quan chức năng và cấp trên để có những nội dung trao đổi đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân".
Phải mất hơn 4 năm loay hoay tự đi thỏa thuận, đàm phán với từng hộ dân có đất, Công ty TNHH Doanh Trí mới giải phóng mặt bằng được gần 50% diện tích để đi vào khai thác. |
Công ty TNHH Doanh Trí trúng đấu giá quyền khai thác Mỏ cát sỏi xóm Ngược, xã Nhã Lộng và xã Bảo Lý vào năm 2016 với số tiền gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải mất hơn 4 năm loay hoay tự đi thỏa thuận, đàm phán với từng hộ dân có đất, doanh nghiệp này mới giải phóng mặt bằng được gần 50% diện tích để đi vào khai thác. Chưa dừng lại ở đó, khi đã có đầy đủ giấy phép khai thác, có đất, có cát lại phát sinh vấn đề kết nối giao thông. Theo dự tính ban đầu, doanh nghiệp sẽ mở rộng mặt đường qua các xóm, song, phương án này đã không nhận được sự đồng thuận của 1 số hộ dân. Chính quyền địa phương cấp xã và lãnh đạo cấp xóm cũng chỉ biết hỗ trợ bằng việc tuyên truyền, vận động.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Doanh Trí cho hay: "Vấn đề đường sá giao thông khó khăn, chúng tôi phải đến từng hộ dân, mà có hơn trăm hộ dân nên gây khó khăn, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án của doanh nghiệp".
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 7 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá gồm 5 mỏ cát, sỏi và 3 mỏ đất san lấp. Điều đáng nói, hiện nay, hầu hết các mỏ trên đều đang gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng để làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như việc kết nối giao thông từ các mỏ khai thác khoáng sản ra bên ngoài. Mặc dù, những khó khăn này của doanh nghiệp cũng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt; tuy nhiên, cũng chưa có được giải pháp nào hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thông tin: "Có một số vướng mắc như: nhân dân chưa hiểu hoặc chưa đồng tình, thời gian tới, UBND huyện cùng UBND xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức khai thác đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, UBND huyện tăng cường quản lý, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như thỏa thuận việc mua đất, thuê đất, nộp ngân sách đảm bảo đúng quy định và đảm bảo môi trường đầu tư trên địa bàn huyện".
Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2012-2020, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đấu giá và có 25 đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 33 điểm mỏ. Trong đó, 21 mỏ đã được cấp phép khai thác với số tiền thu về từ hoạt động này là gần 50 tỷ đồng. Theo đánh giá, các đơn vị trúng đấu giá đã thực hiện tương đối đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm và trăn trở là có tới ¼ số mỏ được cấp phép lại chưa thể hoạt động do không đạt được thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các chủ đất. Bên cạnh đó cũng có không ít mỏ hoạt động lay lắt cầm chừng do vướng mắc về việc kết nối giao thông. Những bất cập trong quá trình hoàn thiện thủ tục để doanh nghiệp có thể đi vào khai thác sau khi trúng đấu giá đang là vấn đề nan giải đối với tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, doanh nghiệp đã phải nộp trước tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tuy nhiên, với những khó khăn trong quá trình thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng thì dự án sẽ bị chậm đưa vào khai thác, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án. Với những khó khăn như vậy, chúng tôi cũng đã tổng hợp. Tới đây, Chính phủ đã có chương trình rà soát, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, cũng rất mong Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai sửa đổi có những điều chỉnh phù hợp với việc đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư trong quá trình khai thác khoáng sản",
Gần 10 năm qua, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang được thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Không chỉ Thái Nguyên mà Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã lên tiếng chỉ ra những bất cập của cơ chế chính sách này. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi do sự bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Hà Nội, Công ty TNHH Doanh Trí... vẫn ngày đêm mong ngóng một sự thay đổi của cơ chế chính sách theo hướng thiết thực, phù hợp hơn nhằm cởi trói cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp./.