Việt Nam đang tăng dần tỷ trọng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo
“Việc phát triển thủy điện cùng các dự án năng lượng tái tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên công tác quy hoạch, quản lý, phát triển các dự án này mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế”. Đây là nhận định chung tại Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững” do Báo Công Thương tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội.
Theo Bộ Công Thương, qua các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Việc sử dụng NLTT cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT với mục tiêu đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Đối với thủy điện, mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW.
Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW. Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam đang từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Do đó, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong việc phát triển NLTT cần phải được nhận biết cụ thể, tăng cường quan tâm thực hiện, kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp.
“Qua hội thảo này, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất để các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo phát triển NLTT an toàn, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.
Đánh giá về tầm quan trọng của quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đảm bảo an ninh năng lượng là câu chuyện sinh tử cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, Quốc hội đã quyết định dừng 468 thủy điện vừa và nhỏ, trong khi nhu cầu năng lượng đang tăng lên rất nhanh.
Đặc biệt, ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu năng lượng. “Lượng điện từ nguồn NLTT đến năm 2020 cố gắng đạt 101 tỷ kWh và đến 2050 chiếm 30% tổng công suất phát điện của hệ thống là cả 1 sự dịch chuyển rất ghê gớm”, ông Thiên nhận định./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN