“Suất đầu tư cho năng lượng tái tạo còn rất cao”
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua, với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới.
Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.
Tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi
Tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội và Tập đoàn Siemens tổ chức, các chuyên gia hàng đầu về năng lượng đã đánh giá các tác động của bối cảnh năng lượng thế giới đối với Việt Nam, đồng thời thảo luận về các thách thức, các giải pháp nhằm phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Dự án điện gió được triển khai tại tỉnh Bình Thuận. |
Theo ông Tăng Thế Hùng, Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch - Quy hoạch, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), để phát triển năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp, Việt Nam không nằm ngoài xu thế của thế giới, khi tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được tăng lên trong các ngành kinh tế.
Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng điện mặt trời sẽ được tăng lên khoảng 800 MW. Đến năm 2030, tỷ lệ điện gió sẽ tăng lên 6.000 MW, điện mặt trời tăng lên 12.000 MW và điện sinh khối tăng lên hơn 2.000 MW.
“Suất đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn cao, nên dù có tiềm năng lớn nhưng năng lượng điện gió ở Việt Nam vẫn chưa phát triển nhiều”, ông Hùng nhận xét và cho rằng, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời hiện mới chỉ áp dụng đến ngày 30/6/2019, sắp tới Bộ Công Thương phải xây dựng cơ chế mới nên hiện chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư.
Là một doanh nghiệp đang thực hiện nhiều dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh cho rằng, nếu nhìn vào bức tranh năng lượng tổng thể có thể thấy, nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam không thể so sánh được với các nước châu Âu.
“Ở nước ta, điện mặt trời chủ yếu tập trung nhiều từ khu vực Bình Thuận đến các tỉnh vùng Tây Nguyên; điện gió tập trung ở các tỉnh ven biển. Theo định hướng đến năm 2020, năng lượng tái tạo ở nước ta phải chiếm khoảng 20% cơ cấu nguồn điện. Do đó, cần phải thiết kế lại hệ thống phân phối truyền tải, thiết kế lại thị trường cũng như nguồn điện”, ông Anh cho biết.
Ưu tiên nguồn năng lượng sạch
Đứng trước nhu cầu tăng trưởng nguồn điện trong thời gian tới được dự báo sẽ là rất lớn, ông Hà Đức Phu, Ủy viên HĐTV Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam nhận định, để đáp ứng nhu cầu điện năng cấp thiết, Việt Nam rõ ràng phải tăng nguồn cung, cùng với đó là việc tiết kiệm năng lượng.
Trong bối cảnh để đầu tư xây dựng mới các nhà máy điện với nguồn tài nguyên thủy điện đã hết dư địa phát triển, trong khi nhu cầu để có nguồn năng lượng sạch, phát thải thấp tăng lên thì việc phát triển điện khí sẽ là sự ưu tiên hàng đầu.
“Nước ta có một số mỏ khí lớn nhưng vẫn bị giới hạn khai thác, nên trong tương lai gần sẽ khó đáp ứng được nhu cầu nguồn khí cho phát điện. Tổng công ty đã có định hướng, trước mắt tập trung quan tâm và nghiên cứu đầu tư phát triển 2 nhà máy điện trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Tại đây đã có 2 nhà máy điện khí, đã có hạ tầng cơ sở nên chi phí đầu tư tiếp cho 2 nhà máy điện sau sẽ thấp hơn”, ông Phu đưa ra giải pháp.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó tập trung tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành năng lượng bền vững, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của công đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác phát triển có thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ và quản lý. Từ đó, ngành năng lượng sẽ đạt được 1 hệ thống bền vững và một nền kinh tế có mức phát thải thấp./.