Năng lượng tái tạo có thể thay thế nhiệt điện than?
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, ĐBSCL sẽ trở thành “Trung tâm công nhiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp” và là “trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mekong”.
Nhu cầu về điện năng của khu vực này là rất lớn. Tuy nhiên, ĐBSCL không thể chỉ dựa vào điện than. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường tìm kiếm nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn, phù hợp với môi trường ĐBSCL.
Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp cho việc thay thế nhiệt điện than |
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL có tiềm năng lớn nhất của cả nước nước về điện sinh khối nhờ phụ phẩm nông nghiệp đồi dào như rơm, rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc...
Riêng rơm rạ, hàng năm ĐBSCL lãng phí trên 20 triệu tấn do trên 70% rơm, rạ bị đốt bỏ. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, ĐBSCL có tiềm năng không nhỏ về năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu. Theo đó, việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ đời sống và sản xuất của người dân là một hướng đi bền vững, thay dần năng lượng điện than, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
“Phải nhìn nhận Quy hoạch điện lực 7 và Quy hoạch điện lực 7 điều chỉnh dựa trên điều kiện của nền kinh tế, nhu cầu của thực tế. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, có nhiều khả năng tăng năng lượng điện tái tạo lên như điện gió, điện mặt trời, kể cả triển khai năng lượng tái tạo ở gia đình. Những nguồn năng lượng này có thể làm giảm áp lực về nhu cầu năng lượng, từ đó có khả năng xem xét, rà soát việc giảm nhiệt điệt than”, ông Hiệp đưa ra quan điểm.
Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – đại diện cho Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam cho biết, nguồn năng lượng tái tạo hiện nay rất lớn. Đây là kho tài nguyên lớn của quốc gia chưa được khai thác. Năng lượng tái tạo có khả năng đảm bảo an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện cũng như là nhu cầu năng lượng khác của quốc gia.
“Nếu phát triển được năng lược tái tạo sẽ giúp tạo ra được chuỗi giá trị nội địa, đặc biệt sẽ góp phần phát triển vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa bà con gặp nhiều khó khăn, cần những động lực mới để tạo đà phát triển. Năng lược tái tạo là loại công nghệ không quá phức tạp và nguồn nhân lực của Việt Nam có thể tham gia một cách dễ dàng không đòi hỏi phải đầu tư quá lớn”, bà Khanh đề xuất./.