Trồng rừng gỗ lớn - Hướng phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha

Là người có kinh nghiệm trồng rừng lâu năm ở xóm Soi, xã Kỳ Phú, huyện Đại Từ, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Liên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Bởi lẽ lâu nay, gia đình bà chỉ trồng cây keo chu kỳ 5 năm cho nguồn thu khoảng 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng. Trong khi đó chuyển sang rừng gỗ lớn, thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn. Nhận thức được điều đó gia đình bà hiện đang trồng trên 2ha keo theo chu kỳ rừng gỗ lớn. Hiện nay xã Ký Phú đang trồng 15ha rừng gỗ lớn, toàn bộ diện tích này đã được người dân phủ xanh bằng những vạt keo nội, keo lai từ 2-5 năm tuổi.

Bà Nguyễn Thị Liên, xóm Soi, xã Ký Phú, Huyện Đại Từ so sánh: “Ngày xưa làm chè trên rừng rất khô cằn, thu nhập thấp lắm và vất vả. Khi chuyển sang cây keo thì bớt công chăm sóc, đỡ vất vả, thu nhập cũng khá”.

Ông Lỗ Thanh Hiệp, Chủ Tịch UBND xã Ký Phú huyện Đại Từ cho biết: “UBND xã đã ban hành các văn bản triển khai tới các xóm, tuyên truyền toàn thể tới nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo quá trình đảm bảo môi trường tốt hơn. Qúa trình triển khai đã có sự phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm địa bàn với cơ sở để cùng nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng”.

Huyện Đại Từ là một trong những địa phương có diện tích rừng thuộc tốp đầu của tỉnh với trên 29 nghìn ha, trong đó diện tích rừng sản xuất là gần 15 nghìn ha với sản lượng gỗ chính phẩm trung bình đạt 25.000 m3/năm. Từ lợi thế đó, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân trong việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực đối với đời sống của người dân làm nghề rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nhận thức của người dân đã được nâng lên, người dân đã tập trung vào trồng rừng, gia tăng diện tích, nâng cao phẩm cấp rừng trồng, từ đó đem lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho bà con. Năm 2020, diện tích trồng rừng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn huyện là 20 ha thì sang năm 2021 diện tích đã tăng lên 179 ha.

Ông Đỗ Đình Trường Phó Hạt Trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Đại Từ phân tích: “Chúng tôi đã tuyên truyền rõ lợi ích khi người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn thì hiệu quả kinh tế cao hơn, bà con không phải đầu tư nhiều. Trồng rừng gỗ lớn thì đường kính sẽ to hơn và đủ để cung cấp cho các đơn vị đóng đồ mộc. Gỗ nhỏ chỉ cung cấp cho các xưởng băm nên hiệu quả kinh tế không cao bằng”.

Đối với huyện Phú Lương, hiện nay, toàn huyện có trên 35 nghìn héc ta rừng tự nhiên, trong đó có hơn 13 nghìn hecta rừng trồng. Năm 2021, huyện đã trồng 80ha rừng gỗ lớn. Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ, khoảng cách, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Hoàng Văn Ba, xóm Hiệp Hòa xã Phủ Lý, huyện Phú Lương nhận xét: “Tôi làm gỗ nhỏ thì thu được khoảng 50 triệu/ha. Nhưng trồng rừng gỗ lơn thì thu được 150-170 triệu/ha. Kinh tế gia đình cũng phát triển khấm khá hơn. Mong muốn của chúng tôi là nhà nước tiếp tục đầu tư cho người dân trồng rừng gỗ lớn, để kinh tế của người dân phát triển và giữ môi trường sạch đẹp hơn”.

Ông Hoàng Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý, huyện Phú Lương thông tin: “Đối với dự án trồng rừng gỗ lớn thì xã Phủ Lý thì địa phương diện tích rừng còn nhiều. Mô hình này rất cần nhân rộng, với giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia vào để phát tiển kinh tế lâm nghiệp”.

Để nâng cao giá trị từ rừng, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026-2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Theo tính toán, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Năm 2021, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn là 494,7ha được thực hiện tại 6 huyện là Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình

Ông Nguyễn Đình Trọng, Bí thư chi bộ xóm Long Giàn, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Chúng tôi đã tuyên truyền trong các chi hội và cuộc họp xóm cho người dân lợi ích trồng cây gỗ lớn để thêm thu nhập và bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất. Nhà nước cấp giống cây, phân bón nên người dân rất phấn khởi”.

Trồng rừng gỗ lớn - Hướng phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Trồng rừng gỗ lớn hiện là xu hướng trên thế giới và là giải pháp để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp

Bên cạnh sự chủ động của các địa phương còn có sự đồng hành của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần vào việc nâng cao diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên là điển hình như thế. Hiện Công ty đã triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh với 11,4ha, các giống chủ yếu là keo lai hom, bạch đàn mô tại huyện Đồng Hỷ và TP Sông Công. Việc triển khai trồng rừng gỗ lớn của công ty không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững. đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Thái Nguyên cho biết: “Việc chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn thì đơn vị đã chủ động về giống, tiêu chí là giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng gồm: keo lai mô, keo hoa mô và bạch đàn cơ vỹ. Chúng tôi đảm bảo đúng thời vụ rừng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để cây trồng đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt”.

Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Thái Nguyên hiện có diện tích đất lâm nghiệp lớn với tổng diện tích gần 180 nghìn ha. Với lợi thế này thì việc triển khai rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quản kinh tế cho các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng.

Theo tính toán, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Ước tính sau chu kỳ 10-12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 215 - 250 triệu đồng/ha, đỉnh điểm có thể đạt 300-350 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng rừng gỗ nhỏ đạt bình quân 40 - 60 triệu đồng/ha.

Ông Phùng Văn Trung, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ chia sẻ về phương hướng phát triển: “Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân về trồng rừng gỗ lớn, hướng dẫn người dân hiểu và biết được giá trị của rừng gỗ lớn để người dân nhiệt tình tham gia”.

Ông Đinh Hữu Hoàng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường, khuyến khích và hướng dẫn người dân lợi ích và kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn”.

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Để nhân rộng mô hình này, cần tăng cường các nguồn lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.