Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h 22/7/2024

Thế giới
Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố sáu luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
aa

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về sáu luật vừa được Quốc hội thông qua

Tin 24h 22/7/2024
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Sáng 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Luật Lưu trữ năm 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo.

Xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều; có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án Nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy của tòa án; thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; hội thẩm, tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của tòa án...

Đáng chú ý, để công tác tổ chức việc xét xử của các tòa án được thực hiện thống nhất, khoa học, hiệu quả, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân bổ sung một chương mới về "Tổ chức xét xử."

Nội dung chương này quy định về lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử; phương thức tổ chức xét xử tại tòa án; quy định về phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; cách thức bố trí phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; nội quy phiên tòa, phiên họp; bảo vệ tòa án; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa.Tương tự, cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 gồm 9 chương, 89 điều.

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đáng chú ý, kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Về Luật Lưu trữ năm 2024, Luật bao gồm 3 chương, 65 điều; có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 4 chính sách lớn. Đó là, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Các chính sách trên được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024.

Hoàn thiện cơ chế về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Với 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,44%), sáng 29/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Luật quy định cụ thể các nội dung liên quan đến: nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật cũng quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng, thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự...

Đối với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật gồm 7 chương, 86 điều; có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Nội dung Luật tập trung vào nội dung liên quan đến nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp...

Việc xây dựng luật nhằm phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp...

Bổ sung đối tượng cảnh vệ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra; tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế, đồng thời, luật hóa một số biện pháp cảnh vệ lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ...

Về một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cảnh vệ năm 2017, đáng chú ý, Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ./.

Xét xử vụ FLC: Khai mạc phiên tòa sơ thẩm

Tin 24h 22/7/2024
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Sáng 22/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Tại phiên tòa này, Tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS với tư cách là bị hại; đồng thời, triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đầu giờ sáng phiên khai mạc, có khoảng 30 nhà đầu tư đến tham dự, theo dõi phiên tòa qua hệ thống màn hình.

Đây là phiên tòa có số lượng người được triệu tập kỷ lục, thuộc diện lớn nhất từ trước tới nay. Do vậy, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị cho công tác tổ chức phiên tòa. Tòa đã bố trí 1 phòng xét xử chính trực tiếp diễn ra phiên tòa; 1 hội trường và 1 khu vực dựng rạp ngoài trời cho các nhà đầu tư tới theo dõi phiên xử qua hệ thống màn hình truyền dẫn từ phòng xử án. Với 3 hội trường này, sức chứa tối đa có thể lên tới hàng nghìn người.

Tại cả ba khu vực này, Tòa đã sắp xếp hệ thống máy tính hiển thị thông tin của hơn 30.000 bị hại, ngoài ra còn có danh sách in bằng giấy. Các nhà đầu tư tham gia phiên tòa có thể kiểm tra, đối chiếu thông tin qua 2 kênh này.

Tại hội trường xét xử chính, gần 90 luật sư bào chữa đã có mặt và được Tòa trang bị hơn 50 chiếc máy tính xách tay để phục vụ luật sư trong quá trình bào chữa tại phiên tòa. Ngoài ra, công tác y tế, hậu cần, phòng cách ly bị cáo… cũng được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp thực hiện chặt chẽ với các đơn vị liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) và 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng 5 thuộc cấp bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự) và “Thao túng thị trường chứng khoán” (theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm b - Bộ luật Hình sự).

42 bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện để bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân, pháp nhân.

Sau đó, các bị cáo cấp khống tiền cho các tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART như: liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa phiên giao dịch; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng. Phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.

Lào tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo phóng viên tại Viêng Chăn, trưa 22/7 tại Văn phòng Thủ tướng Lào, thay mặt Chính phủ Lào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Bouakhong Nammavong đã tổ chức họp báo, thông báo Lào sẽ để tang cấp quốc gia tưởng niệm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 25-26/7 tới.

Thông cáo cho biết đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn và quan trọng cho việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào không ngừng phát triển. Sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là sự đi mất một người bạn gần gũi và thân thiết nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào. Vì vậy, Đảng và Chính phủ Lào nhất trí để tang cấp quốc gia ở Lào, bao gồm cả Đại sứ quán Lào và các cơ quan đại diện ngoại giao Lào ở nước ngoài, trong 2 ngày 25-26/7 tới, treo cờ rủ và dừng các hoạt động vui chơi ở mọi hình thức.

Theo thông cáo, Chính phủ Lào giao Bộ Ngoại giao Lào phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng Lào, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lào và các bên liên quan chuẩn bị cho đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào, do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào, tham dự lễ viếng và lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội; phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chuẩn bị cho các đoàn đến viếng, ghi sổ tang và đặt vòng hoa tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn, gồm đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lào, do đồng chí Trường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn; đoàn Quốc hội Lào do đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn và đoàn các cơ quan tổ chức Đảng - Nhà nước, Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Trung ương Hội Cựu chiến binh Lào và các tổ chức quần chúng, do các đồng chí Bí thư Đảng ủy của từng bộ, ngành làm trưởng đoàn; phối hợp với các bên liên quan thông báo cho Đại sứ quán, các cơ quan đại diện ngoại giao của Lào ở nước ngoài tham gia lễ viếng và ghi sổ tang tại các trụ sở cơ quan đại diện do Việt Nam tổ chức.

Thông cáo đặc biệt lưu ý trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 57 và các hội nghị liên quan tại Lào, từ ngày 21-27/7, Bộ Ngoại giao Lào cần lưu ý cách thức tổ chức sao cho phù hợp nhất và thông báo cho tất cả các phái đoàn tham gia hội nghị biết, đặc biệt là việc tổ chức tiệc và các lễ hội.

Các bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, gửi điện chia buồn tới đối tác phía Việt Nam và tổ chức đoàn tham gia lễ viếng, ghi sổ tang tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Việt Nam ở các địa phương. Các tỉnh kết nghĩa của Lào, lãnh đạo tỉnh gửi điện chia buồn đến đối tác.

Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao để chuẩn bị nội dung tuyên truyền về những đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào trên các phương tiện truyền thông.

Đêm 22/7, bão số 2 đổ bộ trực tiếp vào khu vực vịnh Bắc Bộ

Với lượng mưa lớn lại dồn dập trong thời gian ngắn thì hầu hết khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ cũng như phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Nhận định về diễn biến bão số 2, chiều 22/7, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết lúc 13 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h và đi sâu vào khu vực vịnh Bắc Bộ.

Tối và đêm 22/7, cường độ bão có thể đạt được giữa cấp 10 và di chuyển vào khu vực giữa vịnh Bắc Bộ. Khi vào gần đất liền, bão có khả năng suy yếu dần.

Đề cập đến tác động của bão số 2, ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định trên biển, khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm những huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô có thể có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 13, biển động rất mạnh, sóng biển cao 2,5-4,5m.

Vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 8, khi gió vào sâu trong đất liền mạnh cấp 6-7.

Từ đêm 22/7, vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11. Thời điểm gió mạnh nhất tác động đến khu vực này là từ nay đến ngày 23/7.

Do tác động của bão số 2, từ nay đến khoảng ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, trong đó khu vực Đông Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Khu vực phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa có lượng mưa khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Thủ đô Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 nhưng dưới tác động của hoàn lưu bão, khu vực này sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng trên 100 mm, thời gian mưa tập trung vào đêm 22/7 đến hết ngày 23/7.

“Với lượng mưa lớn như vậy lại dồn dập trong thời gian ngắn thì hầu hết khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ cũng như phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.

Trước tình hình bão, mưa lũ diễn biến phức tạp, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.

Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Để ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đó tập trung vào việc tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Các tỉnh, thành phố cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Đồng thời, các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Mực nước sông Hồng, sông Thái Bình lên báo động 3, nguy cơ lũ lớn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, vào hồi 4h giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo, trong 24h tới, bão số 2 đi theo hướng Tây Bắc, với tốc độ 10-15km/h. Đến 4h ngày 23/7, vị trí tâm bão ở 21,2 độ Vĩ Bắc, 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhận định, trong những ngày tới bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài.

Trong khi hiện nay, mực nước lũ một số sông khu vực Bắc Bộ (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào, sông Trà Lý, sông Lạch Tray,…) lên mức báo động 1 (BĐ)-BĐ2. Đặc biệt một số tỉnh, thành phố khu vực hạ du sông Hồng, sông Thái Bình do ảnh hưởng của thủy triều, mực nước sông lên mức BĐ3. Như sông Đào tại trạm Trực Phương (Nam Định), vào lúc 19h hôm qua, mực nước ở mức 2,64m, trên BĐ3 là 0,04m.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm hiện nghiêm Công điện số 70 ngày 21/7 của Thủ tướng và Công điện của Bộ NN&PTNT.

Các địa phương cần kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê để chủ động triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.

"Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê", Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai yêu cầu.

Đồng thời, Cục cũng đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục để phối hợp chỉ đạo.

4 sân bay bị ảnh hưởng bởi bão số 2

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia và Trung tâm cảnh báo thời tiết (MWO), vào hồi 7 giờ ngày 22-7, tâm bão ở trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) cách sân bay Vân Đồn khoảng 270 km, Cát Bi khoảng 310 km, bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây Bắc, 10-15 km/giờ đi vào vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, mạnh cấp 8, giật cấp 10.Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 5 km/giờ, đi vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp (dưới cấp 6).

Các sân bay dự kiến trong khu vực ảnh hưởng là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; khuyến cáo mưa, dông đối với các Cảng hàng không quốc tế: Cát Bi, Nội Bài và Cảng hàng không Thọ Xuân.

Đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Joe Biden từ chức ngay lập tức

Theo BBC, các lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết, quyết định rút lui của Tổng thống Joe Biden đã xác nhận quan điểm của họ rằng ông không đủ năng lực làm tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đảng viên Cộng hòa quyền lực nhất trong Quốc hội Mỹ tuyên bố: "Nếu ông Joe Biden không phù hợp để tranh cử tổng thống thì cũng không thích hợp làm tổng thống. Ông ấy phải từ chức ngay lập tức. Ngày bầu cử tổng thống 5/11 không thể tới sớm".

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rời khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước cho tới hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2025. Vài giờ sau đó, Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng Tổng thống Biden sẽ không từ chức.

"Tổng thống mong muốn kết thúc nhiệm kỳ và mang lại những kết quả lịch sử cho người dân Mỹ".

Các đảng viên Cộng hòa hàng đầu đưa ra lời kêu gọi tổng thống từ chức trong suốt chiều qua (21/7), khi họ mở các cuộc tấn công mới nhằm vào Phó Tổng thống Kamala Harris, người sẽ chuyển đến Phòng Bầu dục nếu Tổng thống Biden từ chức. Ông Biden đã ủng hộ bà Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Nữ nghị sĩ Elise Stefanik, người giữ vị trí lãnh đạo cao thứ 3 trong Đảng Cộng hòa đã đưa ra tuyên bố gần như giống hệt tuyên bố của ông Johnson về khả năng hoàn thành nhiệm vụ tổng thống của ông Biden. Bà Stefanik khép lại tuyên bố của mình bằng một câu tương tự: "Ông Joe Biden phải từ chức ngay lập tức".

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump dù không kêu gọi ông Biden từ chức nhưng cho biết, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ không đủ sức lãnh đạo đất nước ngay từ đầu.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Steve Daines đại diện của Montana, người chủ trì chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa tại Thượng viện nói rằng, làm tổng thống là "công việc khó khăn nhất trên thế giới. Và tôi không còn tin tưởng rằng ông Joe Biden có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình với tư cách là tổng thống, tổng tư lệnh".

Một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác là Markwayne Mullin của bang Oklahoma, đã đẩy lời kêu gọi đi xa hơn và dường như đề xuất rằng Tổng thống Biden nên bị buộc thôi chức bằng cách thực thi Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ. Đây là một cách chưa bao giờ được sử dụng để thay thế tổng thống nếu không thể hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước của mình.

Màn tranh luận lép vế trước ông Trump cùng những câu trả lời lan man, không mạch lạc của Tổng thống Biden vào ngày 27/6 đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ông Biden có thể tiếp tục giữ chức tổng thống thêm 4 năm nữa không. Các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội cũng lo lắng rằng Tổng thống sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tái tranh cử của họ, và các nhà tài trợ lớn bắt đầu gây áp lực buộc ông phải dừng tái tranh cử, nhưng không ép ông từ chức.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 30/12/2024

Bộ Nội vụ đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cổ phiếu Jeju Air "chạm đáy" sau thảm kịch hàng không

Giá cổ phiếu của Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Hàn Quốc, đã rơi xuống mức thấp kỷ lục sau vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng khiến 179 trong tổng số 181 hành khách thiệt mạng.

Những thảm kịch hàng không khó tin do máy bay va phải chim

Máy bay đâm phải động vật hoang dã không phải là chuyện hiếm, và hầu hết các vụ việc đều không gây tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thế giới đã xảy ra những thảm kịch hàng không chết chóc xuất phát từ những cú va chạm như vậy.

Tin 24h ngày 29/12/2024

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An

Tin 24h ngày 27/12/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hai đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta từ đêm 26 đến 28/12, khiến thời tiết trở nên rét đậm, rét hại. Đợt lạnh này có khả năng kéo dài đến đầu năm 2025, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt của người dân.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 26/12/2024

Tin 24h ngày 26/12/2024

Thời tiết ngày 26/12: Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, rét hại:
Tin 24h ngày 25/12/2024

Tin 24h ngày 25/12/2024

3 trường hợp phải thực hiện xác minh giấy phép lái xe từ 1/1/2025, nhiều người cần biết
Tin 24h ngày 22/12/2024

Tin 24h ngày 22/12/2024

Dự báo thời tiết trên Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, miền Bắc lại sắp đón không khí lạnh mạnh gây thời tiết xấu như thế nào?
Điểm sự kiện từ ngày 16/12 đến ngày 22/12/2024

Điểm sự kiện từ ngày 16/12 đến ngày 22/12/2024

Từ ngày 16/12 đến ngày 22/12/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 21/12/2024

Tin 24h ngày 21/12/2024

Ngày 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 18 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần ...
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...