Tin 24h ngày 13/7/2024
Vụ sạt lở đất tại Hà Giang: Xác định được danh tính 10/11 người tử vong
Các lực lượng tìm kiếm đưa thi thể nạn nhân thứ 8 bị vùi lấp ra khỏi khu vực sạt lở. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
10 người tử vong gồm: Nguyễn Chí Thanh (nam, sinh năm 1966), thường trú tổ 16 phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang là lái xe ô tô 16 chỗ; Bàn Văn Nhất (nam, sinh năm 1995), thường trú thôn Khuổi Chia, xã Kiên Đại, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Ma Thị Hiền (nữ, sinh năm 1965), thường trú xóm Nà Rình, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; Lò Hoàng Châu (nữ, sinh năm 2018), thường trú xã Pắc Ta, huyện Tân Yên, tỉnh Lai Châu; Hoàng Văn Khoa (nam, sinh năm 2000), thường trú xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Nông Thị Hội (nữ, sinh năm 1991), thường trú xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; Nguyễn Đình Thảo (nam, sinh năm 1991) trú tại thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Dương Văn Ninh (nam, sinh năm 1996) đi xe 16 chỗ, trú tại thôn Nà Đon, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; Hoàng Văn Lâm (nam giới), lái xe Inova, trú tại thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Dương Thị Xuân (nữ, sinh năm 1986), trú tại thôn Bản Trang, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, còn một nạn nhân tử vong là cháu gái khoảng 6-7 tuổi, hiện chưa xác định được danh tính.
4 người bị thương may mắn sống sót trong vụ sạt lở hiện đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang gồm: Giàng A Trần (nam, sinh năm 2005), thường trú thôn Tùng Hán, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; Ma Thị Duyên (nữ, sinh năm 1989), thường trú thôn Nà Rinh, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; Vừ Mí Sính (nam, sinh năm 2004), thường trú xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và Lò Mai Phương (nữ, sinh năm 2016), thường trú xã Pắc Ta, huyện Tân Yên, tỉnh Lai Châu.
Theo thông tin cập nhật từ hiện trường, đến thời điểm này các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang đã đưa được 15 nạn nhân ra ngoài khu vực sạt lở, trong đó có 11 người tử vong và 4 người bị thương đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Tỉnh Hà Giang thực hiện hỗ trợ 5 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong, 3 triệu đồng đối với người bị thương; huyện Bắc Mê hỗ trợ mai táng phí 25 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong và 5 triệu đồng đối với người bị thương. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng hỗ trợ 5 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong và 2 triệu đồng đối với người bị thương.
Thời tiết ngày 13/7: Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào và dông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 13/7, Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 10-30 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Trên biển, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp.
Do đó, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan sóng biển cao 1,5-2,5 m.
Mgày và đêm 14/7, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-4 m; biển động mạnh. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 1.5-2.5 m; biển động.
Tình hình gió mạnh và sóng lớn trên biển còn kéo dài trong những ngày tới.
Những chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 7/2024 cần lưu ý
Thay đổi mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), tích hợp thẻ BHYT vào thẻ Căn cước, thêm hàng loạt đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT... là những điểm mới mà người dân cần lưu ý.
Theo Điều 22 Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ 1/7), các thông tin được bổ sung vào thẻ Căn cước gồm có: Thông tin thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe…
Những thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Khi sử dụng thẻ BHYT và các giấy tờ khác đã được tích hợp vào thẻ Căn cước, cũng tương đương với việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng thẻ BHYT, sổ BHXH… trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao dịch khác.
Còn theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP, từ 1/7, việc thực hiện liên thông điện tử cấp đăng ký khai sinh, thường trú và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi, có thể thực hiện online tại Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên ứng dụng VNeID.
Khi thực hiện trên ứng dụng VNeID, cha, mẹ hoặc người thực hiện lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ online và nộp lệ phí theo quy định (nếu có).
Trong đó, thời gian giải quyết nhóm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ BHYT là không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, thời gian đăng ký khai sinh là ngay trong ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ; đăng ký thường trú trong không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ điện tử và việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện trong không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Đặc biệt, từ 1/7, có thêm hàng loạt đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT. Khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định, từ 1/7, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được hỗ trợ tiền đóng BHYT theo mức mà HĐND cấp tỉnh quyết định.
Nếu người này đã tham gia BHYT nhưng bị ốm đau, tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ và đủ điều kiện hưởng thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm. Nếu chưa tham gia thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Ngoài các quy định trên, từ 1/7, mức đóng của BHYT cũng thay đổi theo mức lương cơ sở mới.
Cụ thể, các mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế phụ thuộc vào mức lương cơ sở khi người tham gia BHYT thuộc các đối tượng sau:
BHYT của cán bộ, công chức, viên chức bởi mức đóng bằng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các loại phụ cấp;
BHYT của người hoạt động không chuyên trách, mức đóng bằng 1,5% mức lương cơ sở;
BHYT tối đa của hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức đóng tối đa bằng 30% x 4,5%x mức lương cơ sở;
BHYT tối đa của học sinh, sinh viên được tính bằng công thức 70% x 4,5%x mức lương cơ sở.
3 công nhân tử vong do ngạt khí trong hầm thủy điện ở Lai Châu
Đường hầm nơi 3 công nhân bị nạn. Ảnh: TTXVN phát |
Chiều 12/7, Công an tỉnh Lai Châu đã thông tin ban đầu về vụ 3 công nhân tử vong do ngạt khí trong hầm thủy điện.
Trước đó, vào 3 giờ 50 phút ngày 11/7, Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin báo về việc xảy ra vụ ngạt khí trong khi thi công hầm đập chính thủy điện Nậm Cuổi 1, thuộc khu vực bản Lồng Ngài, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, khiến 3 công nhân thi công mắc kẹt trong hầm.
Nhận được tin báo, Đại tá Lê Anh Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các mặt công tác; cử 16 cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng và các Phòng chức năng Công an tỉnh cơ động đến hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương làm nhiệm vụ.
Đến 8 giờ 30 phút ngày 11/7, lực lượng chức năng tiếp cận được hiện trường khu vực cửa hầm và khảo sát, đánh giá nơi xảy ra vụ việc. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, tổ công tác cứu nạn, cứu hộ tiến hành các biện pháp trinh sát di chuyển nắm tình trạng hiện trường, sau đó tiếp cận được người bị nạn đầu tiên ở cách cửa hầm 1.130m và tiếp tục phát hiện 2 nạn nhân trên cabin máy xúc, cách vị trí nạn nhân đầu tiên 20m. Đánh giá sơ bộ tình hình tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định 3 nạn nhân là công nhân của đơn vị thi công công trình đã tử vong từ trước đó nên không thể thực hiện biện pháp sơ cứu.
Tổ trinh sát báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo tỉnh cho cử tổ công tác 16 cán bộ, chiến sỹ Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng các trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng di chuyển vào khu vực có nạn nhân bị nạn tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Sau đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ di chuyển 3 thi thể nạn nhân ra khỏi hầm, bàn giao cho cơ quan chức năng tiến hành biện pháp điều tra tiếp theo.
Công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn và lực lượng tiến hành các hoạt động điều tra. Sau khi hoàn tất công tác điều tra ban đầu, cơ quan chức năng bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình đưa về mai táng.
Các nạn nhân được xác định gồm: Vừ Tờ S (sinh năm 1983, thường trú tại thôn Lùng Pục, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang); Thào A.T (sinh năm 1986, thường trú tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái); Phùng L.U (sinh năm 1993, thường trú tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đang phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các ngành liên quan xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ việc, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm pháp luật.
Dự án thủy điện Nậm Cuổi 1 do Công ty Cổ phần Nậm Cuổi 1 làm chủ đầu tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn T&Đ86 là đơn vị thi công.
Giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát: Vận chuyển trái phép số tiền hơn 4 tỉ USD
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 20/3/2024. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN |
Ngày 12/7, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Cáo trạng truy tố 34 bị can trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", quy định tại Điều 174, Điều 324 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) qua đó, thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã làm rõ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Kết quả điều tra xác định từ năm 2018-2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống", với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng của 35.824 bị hại.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can về tội “Rửa tiền”. Trong tội này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hàng trăm ngàn tỉ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, cáo trạng chỉ rõ, bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can đã vận chuyển trái phép số tiền hơn 4 tỉ USD.
Từ ngày 1/8, Bệnh viện Bạch Mai triển khai khám bệnh đến 21 giờ hằng ngày
Chiều 12/7, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ ngày 1/8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện khám ngoài giờ hành chính (từ 17 - 21 giờ), để người dân làm việc tại các cơ quan, đơn vị vẫn có thể đi khám bệnh mà không ảnh hưởng đến công việc.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu tất cả người bệnh đều được khám bệnh trong ngày, Bệnh viện bố trí bộ phận tiếp đón và mở một số bàn khám vào buổi sáng sớm từ 5 - 6 giờ để phục vụ người bệnh (chủ yếu những người tỉnh xa).
Không còn cảnh người bệnh "vật vờ" chờ đợi
Những ngày gần đây, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng cao. Có ngày bệnh viện tiếp nhận khám tới 10.000 lượt người bệnh. Do vậy, tại Bệnh viện đã xảy ra tình trạng quá tải nhưng chỉ trong thời gian ngắn và ở một số khoa, phòng vì Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để người bệnh khám, chữa bệnh ngay trong ngày.
Bên cạnh lý do bệnh viện đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, mà còn do đầu năm nay, Bệnh viện đã khai trương hàng loạt hệ thống thiết bị y tế gồm 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp CT, 19 dàn nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi..., thu hút đông người bệnh đến khám và điều trị bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ cho biết, toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, tổng trị giá trên 200 tỉ đồng. Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định chụp về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.
Bên cạnh đó, bộ phận hậu cần cũng được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp theo. Như bộ phận chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sẽ ưu tiên cho bệnh nhân ngoại trú buổi sáng; buổi chiều và tối ưu tiên cho bệnh nhân nội trú.
"Những sắp xếp như vậy bảo đảm cho hầu hết bệnh nhân đến từ vùng sâu, vùng xa vào đầu giờ chiều đã có kết quả để ra về trong ngày. Đây là cố gắng rất lớn giúp bệnh nhân tiết kiệm, không phải "ăn chực, nằm chờ", thuê nhà nghỉ, khách sạn để đợi kết quả", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Bệnh viện đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh qua đường dây nóng, online, qua app… Đến nay mỗi ngày trung bình có 2.000 - 2.500 người đăng ký khám qua các hình thức mới này.
Việc chủ động đăng ký khám bệnh giúp giãn thời gian khám trong ngày, tránh ùn tắc, quá tải cùng một khung giờ, người bệnh không phải chờ đợi lâu, không tạo áp lực cho người thầy thuốc và chất lượng khám bệnh, tư vấn sẽ nâng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ đánh giá.
Người bệnh không lo "chữ bác sĩ quá xấu, đọc không nổi"
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ cho biết, thực hiện Quyết định số 4750/QĐ-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan, đến nay Bạch Mai là một trong 5 bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành chuyển đổi 99% dữ liệu đầu ra.
Nếu như trước đây Bệnh viện phải triển khai hàng chục phần mềm khác nhau, không tương thích, tích hợp thì đến nay đã được chuẩn hóa. Điều này đã giúp Bệnh viện thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý (chuyên môn, tài chính, nhân sự) theo hướng công khai, minh mạch.
"Từ ngày 8/7, Bệnh viện đã không in giấy các chỉ định chuyên môn và từ tháng 8 tới đây cũng sẽ không in phim. Riêng việc không in phim, mỗi năm cũng giúp tiết kiệm cho Bệnh viện và người bệnh khoảng 30 tỉ đồng…", Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết.
Cũng trong tháng 8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai toàn bệnh viện trong năm 2024. Đây là một bước tiến rất lớn trong quản trị bệnh viện cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Chính phủ.
"Việc triển khai bệnh án điện tử giúp liên thông thông tin của người bệnh đến tất cả các bộ phận liên quan trong các khoa, phòng. Người thầy thuốc dễ dàng theo dõi được diễn biến, quá trình điều trị của người bệnh, từ đó đưa ra được các dự báo và có kế hoạch điều trị tiếp theo. Về phía người bệnh cũng biết được quá trình điều trị của mình và xóa bỏ nỗi lo "chữ bác sĩ quá xấu, đọc không nổi", Giám đốc Đào Xuân Cơ hóm hỉnh chia sẻ.
Hồ sơ người bệnh đồng bộ hóa trên máy móc. Các khoa, phòng liên thông, bác sĩ nắm được quá trình khám chữa bệnh, chi phí, đơn thuốc của từng người. Tương lai, bệnh nhân được cung cấp code và hoàn toàn không dùng giấy tờ, Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết thêm.
Tìm người thân cho hai bé trai sinh đôi bị bỏ rơi tại Bình Dương
Hai bé sinh đôi bị bỏ rơi tại thành phố Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát |
Ngày 13/7, Chủ tịch xã Phú An (thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thông báo người dân phát hiện hai bé trai sinh đôi bị bỏ rơi, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Theo lãnh đạo xã Phú An, tối 12/7, người dân phát hiện hai bé trai sinh đôi (khoảng hơn 10 ngày tuổi) tại một bụi cỏ ven đường gần khu nghĩa trang thuộc ấp Phú Thuận. Người dân đã lập tức đưa hai bé về nhà chăm sóc, đồng thời báo cơ quan chức năng đến giải quyết.
Tại thời điểm phát hiện, hai bé được đặt nằm trong giỏ nhựa với đầy đủ tã, bỉm, khăn nhưng không có giấy tờ liên quan. Sau khi tiếp nhận, UBND xã Phú An đã cho hai cháu nhỏ đi kiểm tra sức khỏe. Do sức khỏe của hai cháu còn yếu, các cháu đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để tiếp tục được theo dõi và chăm sóc.
Lãnh đạo xã Phú An đã cử cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương phối hợp với các y bác sĩ để chăm sóc hai bé. UBND xã Phú An đã thông báo về việc hai bé trai sinh đôi bị bỏ rơi để người thân đến nhận. Nếu sau 7 ngày (từ ngày 13-19/7) nếu không có người nhà đến nhận, UBND xã Phú An sẽ làm thủ tục trẻ bị bỏ rơi theo quy định.
Phụ lái tàu chặng Hà Nội - Lào Cai bị ném đá trúng đầu khiến tàu dừng gần 2 giờ
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa thông tin, vào khoảng 23 giờ 55 phút ngày 10/7, tàu khách chặng Hà Nội - Lào Cai đến khu gian Mậu A - Mậu Đông thì phụ lái Nguyễn Văn Q. bị ném đá trúng đầu gây chấn thương nặng, khiến tàu phải dừng gần 2 giờ để chờ bố trí phụ lái tàu khác đến thay thế.
Vụ ném đá làm nhân viên đường sắt bị thương nặng. Vụ việc xảy ra lúc 23 giờ 55 phút ngày 10/7, tàu H2705 do đầu máy 020 kéo, khi đến Km 192+800 khu gian Mậu A - Mậu Đông (tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai), phụ lái tàu Nguyễn Văn Q. (Sinh năm 1971) trong lúc phụ lái tàu đã bị người dân dưới đường sắt ném đá trúng vào đầu.
Phụ lái tàu bị chấn thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Mậu A và hiện vẫn đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Tàu H2705 sau đó phải đỗ ga Mậu Đông gần 2 giờ để chờ VNR cử phụ lái tàu khác đến thay thế.
Theo thống kê của VNR, từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đường sắt cả nước đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe.
Trong đó, nhiều vụ việc đã xảy ra ở các địa phương như: Khánh Hòa (18 vụ), Đồng Nai (15 vụ), Bình Định (8 vụ), Quảng Nam (8 vụ), Bình Thuận và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương 5 vụ, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, mỗi địa phương xảy ra 4 vụ.
Trước thực trạng này, VNR đã chỉ đạo các đơn vị đường sắt liên quan thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng, chống ném đất, đá lên tàu; đề nghị các đơn vị đường sắt liên quan chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng, các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết, xử lý tình trạng ném đất, đá lên tàu và làm việc với các địa phương để triển khai công tác phòng chống, ngăn chặn.
Hà Tĩnh: Cảnh sát giao thông bị xe tông tại chốt đo nồng độ cồn
Khi tổ công tác đang làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn tại thành phố Hà Tĩnh thì bị xe máy do hai thanh niên điều khiển tốc độ cao lao đến. Vụ việc khiến nam cảnh sát giao thông bị thương, phải nhập viện cấp cứu. Sáng 13/7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh xác nhận vụ việc trên và cho biết đang phối hợp để lấy lời khai, xử lý.
Theo đó, vào khoảng 19h20 ngày 12/7, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Tĩnh) làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn trên đường Trần Phú, xã Thạch Trung.
Thời điểm này, Dương Nhật Hoàng và Nguyễn Văn Đài (17 tuổi, cùng trú huyện Hương Sơn) bất ngờ điều khiển xe máy với tốc độ cao lao đến phía chốt nồng độ cồn.
Phát hiện sự việc, Cảnh sát giao thông Hoàng Hùng Cường cố gắng né tránh nhưng không kịp nên bị tông trúng. Cú tông mạnh khiến nam cảnh sát cùng hai thanh niên ngã xuống đường.
Cả ba người sau đó được đưa vào Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Tại đây, anh Cường được chẩn đoán bị chấn thương tay trái và vùng ngực. Còn hai nam thanh niên cũng bị thương nặng phần đầu, mặt.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ứng dụng AI sản xuất video hướng dẫn đa ngôn ngữ cho lao động nước ngoài tại Nhật Bản
Ngày 13/7, công ty phần mềm Studist Corp có trụ sở tại Tokyo đã trình làng phần mềm được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là "Teachme AI", có thể dễ dàng sản xuất các video hướng dẫn kèm theo phụ đề được dịch sang 20 ngôn ngữ khác nhau dành cho người lao động nước ngoài ở Nhật Bản.
Phần mềm này được tạo ra nhằm giảm bớt gánh nặng cho các công ty trong việc tạo video hướng dẫn người lao động nước ngoài, trong bối cảnh số lượng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ngày càng tăng.
Teachme AI có thể tạo các video hướng dẫn từ các cảnh quay thô trong thời gian ngắn, rút ngắn hơn 90% thời gian chỉnh sửa, với cảnh quay tự động được chia thành các chương có phụ đề và lời giải thích bằng văn bản. Phần mềm này có thể sản xuất nội dung bằng các ngôn ngữ như tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Indonesia và tiếng Bengal.
Chủ tịch của Studist Corp - ông Satoshi Suzuki - đánh giá các video này rất hữu ích trong việc giúp người lao động học các quy trình công việc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân sự là người nước ngoài.
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã lần đầu tiên đạt 2 triệu người vào cuối tháng 10/2023.
Tháng trước, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật sửa đổi để thay thế chương trình thực tập sinh nước ngoài gây tranh cãi bằng một hệ thống mới khuyến khích người lao động nước ngoài ở lại nước này lâu hơn.
Trong buổi thử nghiệm trình diễn tại một cửa hàng thịt ở Ageo, tỉnh Saitama, phía Bắc Tokyo, phần mềm này đã tạo một video dài 30 phút hướng dẫn cách đóng gói thịt bằng tiếng Thái. Thời gian sản xuất video này chỉ khoảng 15 phút.
Cô Yumi Eguchi - một giám đốc điều hành của công ty bán buôn Sc Meat Co - cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy video hướng dẫn được sản xuất nhanh như thế". Trong khi đó, Wandee Sriprom - một công nhân 42 tuổi từ Thái Lan - chia sẻ: "Nhờ có phụ đề tiếng Thái nên tôi dễ dàng hiểu được mình cần phải làm gì"./.