Điểm sự kiện từ ngày 08/7 đến ngày 14/7/2024
* Trong tuần qua, dư luận thế giới quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: Cựu Tổng thống Trump tiết lộ nguyện vọng mới sau vụ ám sát; Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án vụ nổ súng nhằm vào ông Donald Trump; Nepal có Thủ tướng mới; Nỗ lực đưa Ấn Độ trở thành cường quốc toàn cầu của Thủ tướng Modi; IEA tìm cách thiết lập các cơ chế ổn định giá khí đốt; Ít nhất 71 người tử vong trong vụ không kích ở phía Nam Gaza;…
- Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đưa ra tuyên bố thứ hai của ông trên mạng xã hội Truth sau vụ xả súng ở Pennsylvania ngày 13/7 (giờ địa phương).
Hình ảnh trích từ video cho thấy các mật vụ Mỹ bảo vệ cựu Tổng thống Donald Trump rời khỏi bục diễn thuyết trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Theo đó, cựu tổng thống Trump bày tỏ ông mong muốn được phát biểu tại Wisconsin, nơi sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) vào tuần này.
Bên cạnh đó, ông Trump khẳng định: “Trong thời điểm này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đoàn kết và thể hiện bản chất thật của người Mỹ, luôn mạnh mẽ và quyết tâm, không để cái ác chiến thắng”.
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/7 tại Milwaukee, Wisconsin. Theo tờ Guardian (Anh), Wisconsin là một trong số ít các bang chiến trường có khả năng quyết định cuộc đua tổng thống năm nay. Đây là một trong những bang được mệnh danh là “bức tường xanh” mà đảng Dân chủ từng dựa vào, nhưng ông Trump đã giành chiến thắng sít sao tại bang này vào năm 2016. Tổng thống Biden đã giành chiến thắng tại bang này vào năm 2020.
Vụ ám sát ông Trump xảy ra tại sự kiện vận động tranh cử vào ngày 13/7 (theo giờ địa phương) ở Butler, bang Pennsylvania. Đây là thành phố nằm ở phía Tây của bang, cách Pittsburgh khoảng 56km về phía Bắc.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết ông Trump đứng cách xa kẻ tấn công khoảng 120-150m. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm trong vụ nổ súng nhằm vào ông Trump là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi. Đối tượng sống ở Bethel Park, bang Pennsylvania.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump - ông Steven Cheung cho biết cựu tổng thống vẫn ổn. Ông Trump đã được xuất viện từ Bệnh viện Butler Memorial ở Pennsylvania vào tối 13/7. Sau đó ông bay tới New Jersey.
- Ngày 14/7, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục lên án và bày tỏ sốc trước vụ nổ súng khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị thương tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án vụ nổ súng là hành động "hèn hạ" và "đe dọa nền dân chủ". Ở nước láng giềng Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron gọi vụ ám sát là một "thảm kịch đối với nền dân chủ".
Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng thế giới không nên dung túng cho các hành động bạo lực, đồng thời gửi lời chúc ông Trump nhanh chóng bình phục. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên án vụ tấn công là "khoảnh khắc kinh hoàng không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với toàn bộ thế giới dân chủ".
Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang "theo dõi chặt chẽ" vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tố cáo vụ tấn công là hành động "bạo lực chính trị khủng khiếp". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ phản đối các cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng lên án mọi hình thức bạo lực chính trị.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sốc về vụ việc và gửi lời chúc ông Trump mau chóng bình phục. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng lên án vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc bầu cử ở Mỹ trong bầu không khí "yên bình và lành mạnh".
Tại châu Mỹ, các nhà lãnh đạo của Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Boliva đồng loạt lên án vụ bạo lực.
Trước đó, ông Trump đã bị một viên đạn sượt qua tai khi đang tham gia sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hôm 13/7. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở Bethel Park, Pennsylvania. Tên này đã bị các nhân viên mật vụ bắn hạ và chết ngay sau đó. Cảnh sát cũng đã tìm thấy một khẩu súng tiểu liên tại hiện trường. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Matthew khi tiến hành vụ nổ súng.
Hiện sức khỏe của ông Trump đã ổn định. Trên mạng xã hội X, nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Meuser cho biết ông Trump đã rời thành phố Butler và lên đường tới Bedminster, bang New Jersey sau vụ nổ súng.
* Trong tuần qua, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Lào, Campuchia; Thủ tướng kiểm tra Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; các địa phương phòng chống dịch bạch hầu; khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Thanh Vân; miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng...
- Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, sáng 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đến Thủ đô Viêng Chăn bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Lễ đón Chủ tịch nước Tô Lâm tại Sân bay quốc tế Wattay. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Hai bên nhất trí nỗ lực nâng tầm hợp tác kinh tế, quan hệ chính trị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, phòng chống tham nhũng; nâng cấp các cửa khẩu quốc tế và đường giao thông kết nối hai nước; không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, du lịch, năng lượng, nông nghiệp sạch, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân và giữa các địa phương.
Sau hội đàm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác quan trọng giữa 2 nước. Sáng 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Sau khi kết thúc chuyến thăm Lào, chiều 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12/7 đến ngày 13/7 theo lời mời của Quốc vương Campuchia.
Ngay sau lễ đón chính thức tại Hoàng cung, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, được dày công vun đắp bằng nhiều công sức, máu xương của các thế hệ đi trước, là tài sản vô giá cần được lưu giữ cho thế hệ mai sau; khẳng định sẽ tiếp tục vun đắp cho quan hệ tốt đẹp đó, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng, giáo dục thế hệ trẻ hai nước hiểu đúng về sự gắn bó, đoàn kết và hy sinh giữa hai nước, hai dân tộc và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những thành tựu hợp tác mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua và tin tưởng tăng cường chính trị, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm và gặp gỡ lẫn nhau; đảm bảo hợp tác an ninh quốc phòng phát triển thực chất, sâu sắc hơn, trở thành trụ cột trong quan hệ; đồng thời, hợp tác thương mại - đầu tư ngày một gắn kết, đan xen lợi ích, Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn của Campuchia.
- Ngày 8/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An có báo cáo về trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Trung tâm xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Đơn vị đã phối hợp với các địa phương có người liên quan đến ca bệnh này triển khai công tác phòng chống dịch.
Người dân đến tiêm vacine phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bệnh bạch hầu đã được khống chế, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu gia tăng do tiêm vaccine sau dịch COVID-19 không đầy đủ.
Một loạt các địa phương đã triển khai phòng chống dịch bạch hầu. Tại Bắc Giang, sau khi phát hiện ca bệnh vào ngày 10/7 tại xã Mai Trung, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Y tế xã xử lý môi trường, khử trùng; đồng thời theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và điều trị dự phòng bằng kháng sinh các trường hợp tiếp xúc gần đang được cách ly. Tỉnh Bắc Giang tăng cũng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ.
Tại Đà Nẵng, các đơn vị chức năng triển các biện pháp kiểm soát, phòng chống, sẵn sàng thu dung điều trị hiệu quả bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh bạch hầu. Ngày 11/7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh bạch hầu cho 30 quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trong và ngoài công lập.
Dù chưa ghi nhận ca bệnh trên địa bàn, nhưng nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã tìm đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu…
- Trong tuần qua liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng.
Vào lúc 9 giờ ngày 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa ba xe ô tô. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe bán tải đang đi chậm để tránh chướng ngại vật bị xe 16 chỗ va chạm vào phía sau. Lái xe và một số người dừng xe tranh luận ngay trên cao tốc tiếp tục bị xe ô tô 30K-757.00 từ phía sau đâm vào xe 16 chỗ dẫn đến tai nạn thương tâm. Vụ tai nạn làm 2 người chết và 11 người bị thương.
Vào khoảng 4 giờ ngày 13/7, một ô tô khách 16 chỗ chạy tuyến Hà Giang - Bảo Lâm đang di chuyển đến đoạn Km 11, thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang thì gặp sạt lở. Khi toàn bộ hành khách xuống giúp đẩy xe qua chỗ sạt thì bất ngờ bị hàng nghìn m3 đất tràn xuống. Theo cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, vụ tai nạn làm 11 người chết, 4 người bị thương và đang tích cực tìm kiếm. Những người bị thương đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Trước đó, khoảng 3 giờ 50 phút ngày 11/7, Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin báo về vụ ngạt khí trong hầm thủy điện Nậm Cuổi 1 tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn. Đến khoảng 10 giờ 30 phút, lực lượng chức năng tiếp cận được người bị nạn. Công an xác định có ba công nhân vận chuyển vật liệu ở vị trí cách cửa hầm 1,2 km thì bị ngạt khí dẫn đến tử vong.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 và chỉ thị số 35; Đồng chí Trịnh Việt Hùng được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025; Tập trung tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau năm 1975;…
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Thái Nguyên |
- Trong tuần vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 144 ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35 ngày 14/6/2024 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Quy định số 144 là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta "là đạo đức, văn minh". Hội nghị cũng được quán triệt nội dung Chỉ thị số 35, trong đó định hướng rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị./.
- Ngày 11/7, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức các Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thực hiện quy trình bầu Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. |
Thực hiện văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc giới thiệu bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về thực hiện quy trình nhân sự kiện toàn chức danh Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trên cơ sở kết quả thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo đúng quy định, Bộ Chính trị đồng ý giới thiệu đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời chỉ định đồng chí Trịnh Việt Hùng tham gia Đảng ủy Quân sự tỉnh và Đảng ủy Quân sự Quân khu I. Kết quả đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Ngày 09/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nhgị đánh giá tiến độ tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau năm 1975.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024, các đơn vị cần tập trung gấp rút hoàn thiện tổ chức 1 số hoạt động như: Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT; phối hợp triển khai Dàn dựng vở kịch nói về đề tài Đại đội TNXP 915 - Đội 91 Bắc Thái; Tọa đàm; Liên hoan Nghệ thuật HSSV tỉnh Thái Nguyên. Hội thảo, tọa đàm khoa học, triển lãm, bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong giai đoạn 1975-2025. Đặc biệt, cần huy động tối đa sự tham gia và đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ gạo cội để bảo đảm chất lượng các báo cáo khoa học để tổ chức thành công hội nghị cấp tỉnh tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng trong nửa thế kỷ qua./.