Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/2, khoảng chiều tối và đêm 26/2, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3.

Tin 24h ngày 26/02/2024
Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét

Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét; từ đêm 26/2, khu vực phía Đông Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 11-14 độ C, khu vực vùng núi phía Bắc từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C.

Trên biển, khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4,5 m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2-3,5 m; biển động.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thủ đô Hà Nội nhiều mây, đêm và sáng có mưa và mưa nhỏ rải rác, sau có mưa vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 13-15 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 16-18 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng có mưa và mưa nhỏ rải rác; riêng khu Tây Bắc có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Trời rét đậm, riêng khu Tây Bắc đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 13-16 độ C, có nơi dưới 14 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 18-21 độ C; riêng khu vực Tây Bắc 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng có mưa và mưa nhỏ rải rác, sau có mưa vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét, vùng núi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất từ 12-14 độ C, vùng núi 9-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 15-18 độ C; vùng núi 12-15 độ C, có nơi dưới 12 độ C.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa, mưa nhỏ rải rác; phía Nam có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Phía Bắc trời rét, phía Nam đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ Phía Bắc 16-19 độ C, phía Nam 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ phía Bắc 19-22 độ C; phía Nam 25-28 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận có mây, đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29-32 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mây, đêm không mưa, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Nam Bộ có mây, đêm không mưa; ngày nắng, riêng miền Đông có nắng nóng. Gió đông bắc cấp 2-3.Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, miền Đông có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 32-34 độ C; miền Đông 35-37 độ C.

Giá vàng sáng 26/2 tăng 300.000 đồng/lượng

Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 55 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,75 - 78,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tin 24h ngày 26/02/2024
Giá vàng sáng 26/2 tăng 300.000 đồng/lượng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,8 - 79,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Hiện thế giới đang chứng kiến nhu cầu tìm kiếm vàng như nơi "trú ẩn an toàn" giữa căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Tuần trước, thị trường vàng thế giới ít biến động với giá giao động trong biên độ hẹp trong khoảng từ 2.020 USD đến 2.030 USD/ounce. Kết quả khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia phố Wall lạc quan về vàng trong ngắn hạn.

Vận động viên Olympic 2024 được phép đăng tải ảnh và video lên mạng xã hội

Hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép các vận động viên được đăng các bản ghi âm và hình ảnh về Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 và Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông Gangwon 2024, với thời lượng tối đa hai phút mỗi bài đăng.

Ủy ban Olympic quốc tế đã công bố "Nguyên tắc chính thức về truyền thông xã hội và kỹ thuật số", để cho phép các vận động viên chia sẻ trải nghiệm Thế vận hội Olympic của họ trên tài khoản kỹ thuật số cá nhân, đồng thời bảo vệ quyền của các bên có bản quyền truyền thông.

Các vận động viên sẽ được phép đăng ảnh, bản ghi âm và video có thời lượng tối đa hai phút trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của họ, nhưng sẽ không được phép sử dụng hình thức phát trực tiếp hoặc nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Tất cả các bài đăng phải tôn trọng các giá trị Olympic và quyền riêng tư của người khác, không có nội dung phân biệt đối xử hoặc tục tĩu.

Quyền đăng bài này bao gồm: Lễ khai mạc và bế mạc, lễ kỷ niệm ở Công viên vô địch, Làng Olympic, địa điểm tập luyện và địa điểm thi đấu, theo các quy định do Ủy ban Olympic quốc tế công bố.

Tuy nhiên, đối với địa điểm thi đấu, chỉ được phép đăng thông tin tối đa một giờ trước khi bắt đầu sự kiện hoặc sau khi vận động viên đã rời khỏi khu vực hỗn hợp và khu vực kiểm soát chống doping.

"Các khu vực bị hạn chế" như khu y tế, sẽ không được phép đưa vào mọi hoạt động ghi hình.

Ủy ban Olympic quốc tế cảnh báo nếu một vận động viên muốn chia sẻ ảnh, âm thanh hoặc video từ Làng Olympic với người khác trên mạng xã hội của mình hoặc của người được chia sẻ phải được sự chấp thuận.

Ảnh chỉ được chụp bằng điện thoại của vận động viên, không có nội dung thương mại. Tuy nhiên, các VĐV có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình với các nhà tài trợ mà không cần đưa vào video hoặc quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Các cuộc thi, lễ trao huy chương hoặc buổi tập luyện của bên thứ ba đều đều không được phép ghi hình.

"Tất cả những người khác được công nhận tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, bao gồm huấn luyện viên, nhân viên kỹ thuật, thành viên đoàn thể thao, quan chức đội tuyển, tình nguyện viên, Ủy ban Olympic quốc gia, Liên đoàn quốc tế hoặc nhân viên Ban t ổ chức và các nhân viên khác phải tuân thủ Nguyên tắc truyền thông xã hội và kỹ thuật số của Ủy ban Olympic quốc tế dành cho những người được công nhận không phải là các vận động viên”- thông báo của Ủy ban Olympic quốc tế cho biết.

Ủy ban Olympic quốc tế đã thiết lập một dịch vụ bảo vệ chống bắt nạt trên mạng để báo cáo theo thời gian thực bất kỳ nội dung xúc phạm nào nhắm vào các vận động viên trên mạng xã hội. Cũng sẽ có một khu vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Làng Olympic, nơi các nhân viên chuyên môn sẽ hỗ trợ và tư vấn cho các VĐV là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn thuốc

Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn, chỉ định trong khám bệnh, điều trị cho người bệnh gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành.

Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 và yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc cần nghiên cứu triển khai, tuân thủ đúng các nội dung quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong các văn bản này có quy định rõ việc kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế.

Nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trên tổ chức phổ biến và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản liên quan, trong đó có quy định quan trọng như tại Điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong Khoản 7 về kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh; Khoản 9 về kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

Tại điều 63 quy định về sử dụng thuốc trong điều trị, có Điểm a, Khoản 1 về chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Điểm b, Khoản 1 về việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị trên chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng quy định kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời tiếp tục thực hiện theo văn bản số 1696/KCB-NV trước đó của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế về việc tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy "hoa hồng", gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Ra mắt cuốn sách 'Bản lĩnh blouse trắng'

Ngày 26/2, Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024) và ra mắt cuốn sách “Bản lĩnh blouse trắng”.

Đây là ấn phẩm đặc biệt, được chắp bút bởi đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên thuộc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 (TP Hồ Chí Minh). Cuốn sách không chỉ là tập văn ghi chép giàu tính thời sự, mà đó còn là miền ký ức, là góc nhìn, tâm tư của những “người trong cuộc”.

Với độ dày gần 400 trang, cuốn sách “Bản lĩnh blouse trắng” gồm hai phần: Phần một - “Trái tim thầy thuốc” với 30 bài viết là những mảnh ghép ký ức của 30 tác giả đã tham gia công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6. Phần hai - “Ngòi bút và ống nghe” là những tác phẩm báo chí viết về Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, thể hiện góc nhìn của những người làm báo gắn bó, đồng hành cùng công cuộc chống dịch của thành phố.

Thời điểm tháng 4/2021, đợt COVID-19 thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, tạo nhiều thách thức cho ngành Y tế. TP Hồ Chí Minh đã thành lập 32 Bệnh viện Dã chiến; trong đó, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 có quy mô 5.500 giường bệnh; hơn 20.000 người bệnh COVID-19 đã được điều trị khỏi tại đây và đến tháng 6/2022, Bệnh viện này kết thúc sứ mệnh.

Khi ấy, lực lượng y tế được ví như những "người lính cảm tử" nơi tuyến đầu, họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh. Sau tất cả những nỗ lực, dịch bệnh đã được đẩy lùi. Ký ức về những ngày “đỏ lửa” vẫn in sâu trong tâm trí của từng chiến sĩ blouse trắng.

Tin 24h ngày 26/02/2024
Bác sỹ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Nhắc lại thời điểm đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, chủ biên sách “Bản lĩnh blouse trắng” chia sẻ: "Trong muôn vàn khó khăn do đại dịch bủa vây, hình ảnh chiến sĩ blouse trắng xông pha hầu hết tất cả các mặt trận đã tạo nên sự vững tâm cho nhân dân thành phố. Cán bộ, nhân viên ngành y dù đang công tác ở bất kỳ bệnh viện nào, lĩnh vực nào, môi trường nào đều sẵn sàng lên đường tham gia chống dịch với trách nhiệm và nhiệt huyết của một chiến sĩ blouse trắng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng chục bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh được thành lập để làm công tác thu dung, điều trị. Đó cũng là lúc hàng ngàn y bác sĩ đã có mặt kịp thời và nhận nhiệm vụ với sự đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh... Chúng tôi mãi không quên hình ảnh hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế, các lực lượng quân y từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về Thành phố mang tên Bác".

Tìm kiếm hai người mất tích trên vùng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sáng 26/2, UBND phường Thuận An, thành phố Huế cho biết, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nỗ lực xuyên đêm để tìm kiếm hai người mất tích trên vùng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hai người mất tích gồm em P.X.T. (sinh năm 2003, trú tại tỉnh Gia Lai), sinh viên một trường đại học trên địa bàn, mất tích khi đang tắm biển và ông T.Q.N (sinh năm 1976, trú tại phường Xuân Phú, thành phố Huế) đi câu cá bị sóng đánh chìm tàu.

Thông tin ban đầu, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 25/2, em T. cùng 3 người bạn đến tắm tại bãi biển Thuận An (phường Thuận An). Đến 17 giờ 30 phút, nhóm bạn phát hiện T. mất tích trên biển nên gọi người ứng cứu.

Cùng thời điểm đó, một tàu cá có chiều dài khoảng 6 mét, không số hiệu do ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1975, trú tại phường Thuận An) điều khiển chở theo 7 người; trên đường vào cửa biển Thuận An thì bị sóng đánh chìm. Khi sự việc xảy ra, 7 người cố gắng bơi được vào bờ biển xã Hải Dương, thành phố Huế và được người dân kịp thời ứng cứu; còn ông T.Q.N mất tích. Được biết, những người này đã thuê tàu cá của ngư dân địa phương ra biển để câu cá từ sáng sớm, đến chiều tối khi quay trở lại bờ thì tàu gặp nạn.

Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân vẫn đang nỗ lực triển khai công tác tìm kiếm hai người mất tích.

Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành nhiều quyết định ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở các lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống...

Tin 24h ngày 26/02/2024
Tụng kinh cầu an trong lễ Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TTXVN phát

Đó là: Nghệ thuật chèo ở tỉnh Phú Thọ; Mo Mường, tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Cùng với đó còn có Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang; Lễ cầu mùa mí (Mí nhung hơi) của người Pà Thẻn, xã Tân lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh.

Tỉnh Vĩnh Long có 2 di sản được công nhận đợt này gồm: Nghệ thuật Hát Bội và Lễ hội Văn Thánh miếu.

Tỉnh Thái Nguyên có 3 di sản gồm: Hát Ví của người Tày huyện Định Hóa; Nghệ thuật may, thêu trang phục của người dao xã Hợp Tiếp, huyện Đồng Hỷ và Chữ Nôm của người Dao.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc, xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này. Nghề đã hình thành và phát triển trên 100 năm, đến nay, Sa Đéc có trên 350 hộ sản xuất bột, với 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất và sản phẩm sau bột. Những sản phẩm sản xuất sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút, các thực phẩm khác chế biến từ bột đã được tiêu thụ tốt ở trong nước và xuất khẩu.

Quảng Nam có 2 nghề thủ công truyền thống được công nhận. Đó là Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp và Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, xã Cẩm Thanh, đều ở thành phố Hội An. Trong đó, đan võng ngô đồng vẫn là một nghề độc đáo của Hội An, được thiết kế vào các tour du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Người thợ đan võng được mời ra phố đan trình diễn và đi giới thiệu nghề cho công chúng. Còn Nghề làm nhà tre, dừa nước đã tạo công ăn việc làm cho người lao động và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, góp phần thiết thực cho sự bền vững để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống khác được công nhận đợt này như: Nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng tỉnh Bình Phước; Nghề làm bánh tráng Tuý Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Thủ đô Hà Nội có 6 di sản được công nhận, gồm: Lễ hội chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; Lễ hội làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; Lễ hội đình Tường Phiêu xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm; Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa và Nghề làm xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Xử phạt 3 chủ tàu cá ngắt thiết bị kết nối hành trình khi đánh bắt

Ngày 25/2, thông tin từ UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: UBND huyện đã có quyết định xử phạt đối với ba chủ tàu cá ngắt thiết bị kết nối hành trình khi đánh bắt trên biển 10 ngày, với tổng số tiền 64 triệu đồng.

Theo đó, ông Trần Văn N. (ở xóm 6, xã Sơn Hải, trú tại thôn Thành Công, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) chủ tàu cá NA-99995-TS, bị xử phạt 24 triệu đồng vì lỗi không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng.

Ông Ngô Văn C. (ở xóm 3, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) chủ tàu cá NA 95177-TS và ông Nguyễn Văn Th. (ở xóm 3, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) chủ tàu cá NA -95079-TS, bị phạt mỗi trường hợp 20 triệu đồng vì lỗi vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến 24m.

Ngoài hình phạt bằng tiền, UBND huyện Quỳnh Lưu còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Chứng chỉ thuyền trưởng 3 tháng đối với thuyền trưởng Ngô Văn C. và Nguyễn Văn Th.

Năm 2023, có 296 lượt tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An mất kết nối trên 10 ngày. Trong tháng 1/2024, có 47 tàu lượt tàu cá của ngư dân Nghệ An mất kết nối trên 10 ngày.

Trong tháng 2/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo đó, Nghệ An sẽ đẩy mạnh thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp gồm: công tác chỉ đạo, kiểm tra; công tác thông tin, tuyên truyền; về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.

Các đơn vị chức năng cũng sẽ lập danh sách tàu cá mất tín hiệu VMS quá 6 giờ nhưng không nhắn tin xác nhận vị trí trên biển, tàu cá mất tín hiệu quá 10 ngày trên biển nhưng không về sửa chữa,... cung cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để xử lý theo quy định.

Lý do Tổng thống Zelensky thừa nhận số binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong 2 năm xung đột

Con số mà Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa tiết lộ khác xa so với con số được đưa ra bởi giới chức Mỹ, vốn ước tính có 70.000 lính Ukraine đã tử trận.

Tin 24h ngày 26/02/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại Kiev hôm 25/2/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 25/2 cho biết khoảng 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột toàn diện với Nga bắt đầu cách đây hai năm. Đây là lần đầu tiên ông thừa nhận một con số cụ thể về thiệt hại của Ukraine trong cuộc chiến.

“Đây là một mất mát lớn đối với chúng tôi”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo ở Kiev. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ số người bị thương hoặc mất tích, nói rằng Nga có thể sử dụng thông tin này để đánh giá số lượng lực lượng tại ngũ của Ukraine.

Con số mà Tổng thống Zelensky đưa ra không thể được xác minh độc lập. Nó khác hẳn với ước tính của các quan chức Mỹ, những người đã đưa ra con số thiệt hại cao hơn nhiều vào mùa hè năm ngoái, nói rằng gần 70.000 người Ukraine đã thiệt mạng và 100.000 - 120.000 người bị thương. Các quan chức Mỹ cũng cho biết thương vong về quân sự của Nga cao gấp đôi.

Bằng cách tiết lộ những tổn thất của Ukraine, ông Zelensky cho biết ông muốn chống lại tuyên truyền của Nga và các ước tính khác đưa ra con số thương vong của Ukraine ở mức cao hơn nhiều. Ông cho rằng Nga đã sai khi tuyên bố rằng Ukraine đã mất 60.000 binh sĩ.

Tuyên bố bất thường thừa nhận số binh sĩ thiệt mạng của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang của nước này đang trong thế phòng thủ, cạn kiệt nhân lực và đạn dược dọc hầu hết chiến tuyến dài 900km, trong khi quân đội Nga đang dồn sức tấn công ở phía Đông và phía Nam. Một tuần trước, Moskva đã chiếm được Avdiivka, một thành trì của Ukraine ở miền Đông và quân đội của họ đã dần dần tiến về phía Tây trong những ngày gần đây, cố gắng tạo dựng đà tiến công trong khu vực.

Tướng hàng đầu của Ukraine, Oleksandr Syrsky, cho biết ông đã ra lệnh cho binh sĩ của mình rút khỏi Avdiivka để “bảo toàn tính mạng và sức khỏe”, điều mà ông mô tả là “giá trị cao nhất” của quân đội.

Nhưng những người lính bộ binh cho biết việc rút lui lẽ ra phải được ra lệnh sớm hơn vì lực lượng Ukraine đã bị pháo binh và ưu thế trên không của Nga áp đảo.

Thông báo của ông Zelensky được đưa ra vào dịp đánh dấu tròn hai năm ngày xung đột giữa hai quốc gia láng giềng bùng phát. Hôm 24/2, ông đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Canada, Bỉ và Italy, cũng như người đứng đầu Liên minh châu Âu, Ursula von der Leyen, và các nhà lãnh đạo khác đã tới Kiev để thể hiện tình đoàn kết.

Ngày 25/2, các bộ trưởng của trong nội các Ukraine và các quan chức cấp cao khác đã tham dự một hội nghị để trình bày kế hoạch của họ cho tương lai khi Ukraine bước sang năm xung đột thứ ba.

Trong bài phát biểu cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết ông lạc quan về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ bất chấp việc Quốc hội nước này trì hoãn thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Kiev.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông đã nhận thấy sự thay đổi trong thái độ ở châu Âu những tháng gần đây khi viện trợ của Mỹ bị đình trệ và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc tấn công của Nga sẽ chậm lại.

“Tôi nghĩ họ hiểu Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến này”, ông Zelensky nói về các nhà lãnh đạo châu Âu. “Và đó là lý do tại sao nhiều nước đã bắt đầu tăng cường cung cấp pháo”.

Ông Zelensky cũng cho rằng, nhìn chung Ukraine đang ở vị thế chiến lược tốt hơn nhiều so với thời điểm Nga phát động tấn công đất nước ông vào ngày 24/2/2022.

“Năm đầu tiên là về sự sống còn”, ông nói. “Năm thứ hai, sau mùa đông, đó là về khả năng phục hồi. Những người lính của chúng tôi đã chứng minh điều đó. Phương Tây đã thống nhất và việc đưa vào sử dụng thiết bị quân sự là điều rất quan trọng đối với chúng tôi”.

“Ngày 24/2 đã là một khoảnh khắc gây sốc. Bây giờ là thời điểm đoàn kết rất mạnh mẽ", ông Zelensky nói thêm.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu vũ khí của Ukraine trong suốt 5 tháng Nga tấn công vẫn đang đeo bám. Tổng thống Zelensky cho biết, việc tăng cường vận chuyển đạn pháo của châu Âu sẽ không đủ để thay thế nguồn cung cấp của Mỹ.

“Chúng ta sẽ yếu hơn trên chiến trường”, nhà lãnh đạo thừa nhận và khẳng định: “Chúng ta sẽ tìm kiếm vũ khí ở những bên khác”.

Bên cạnh đó, ông nói rằng Ukraine mới chỉ nhận được 1/3 số vật chất đã được cam kết. Ông cho hay, 4 lữ đoàn được giao nhiệm vụ tham gia cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái vẫn chưa động binh vì họ không được cung cấp các trang thiết bị như đã hứa.

Trong bối cảnh sự ủng hộ của phương Tây đang dao động, người Ukraine nhấn mạnh khả năng tự lực và đổi mới của mình.

Tại hội nghị ngày 25/2, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đã có bài thuyết trình mở đầu trong phần trình bày kế hoạch của các bộ trưởng chính phủ về việc sản xuất máy bay không người lái và hệ thống vũ khí lai cho quân đội. Ông nói, Ukraine hiện đang ở vị thế đặc biệt để thử nghiệm và sửa đổi các hệ thống vũ khí một cách nhanh chóng, với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác phương Tây.

Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak mô tả mục đích của Ukraine là xây dựng sự ủng hộ của quốc tế đối với kế hoạch hòa bình mà ông Zelensky đề xuất và làm xói mòn dần sự ủng hộ dành cho Nga trên toàn thế giới. Ông nói, một hội nghị đã được lên kế hoạch ở Thụy Sĩ trong những tháng tới có thể mở đường cho một cuộc gặp tiếp theo mà Nga có thể được mời tham dự.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Zelensky, xuất thân là một diễn viên hài và người dẫn chương trình truyền hình, đã tỏ ra thoải mái và tích cực khi trao đổi trực tiếp với các nhà báo.

Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có trả lời cuộc gọi từ ông Putin tới điện thoại di động của mình hay không, ông Zelensky đáp lại: “Tôi không có điện thoại di động”, khiến cả phòng họp bật cười.

Tổng thống Ukraine cũng được hỏi về một cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người Canada - với 25% - cho rằng Ottawa đã viện trợ quá nhiều tiền cho Ukraine. “Như vậy, 70% nói rằng họ phải viện trợ nhiều hơn”, ông trả lời hóm hỉnh.

Lần duy nhất ông Zelensky tỏ ra khó chịu là khi ông được hỏi về việc cách chức tư lệnh quân đội nổi tiếng, Tướng Valery Zaluzhny trong tháng này, và việc bổ nhiệm Tướng Syrsky làm người thay thế ông. Tổng thống từ chối nói về “vấn đề nội bộ” và nói thêm rằng các quyết định tiếp theo sẽ đợi cho đến khi bộ chỉ huy mới xem xét đầy đủ tình hình trên chiến trường và trong các lực lượng vũ trang.