Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 21-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều giảm mây trời nắng; riêng khu Tây Bắc có mây, ngày nắng, có nơi nắng nóng, đêm không mưa. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, riêng Lai Châu - Điện Biên 15-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C; riêng khu Tây Bắc 30-33 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 32 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Nam Bộ có mây, ngày nắng, riêng miền Đông có nắng nóng; đêm không mưa. Gió đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C; riêng miền Đông 35-37 độ C.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật vừa được Quốc hội thông qua

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Tin 24h ngày 19/02/2024
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các Lệnh về việc công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Luật quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm

Tin 24h ngày 19/02/2024
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân giới thiệu về Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.

Đáng chú ý, Luật bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm. Bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.

Luật quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất.

Đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, UBND cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất.

Bổ sung quy định tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.

Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất trong Luật, quy định điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất; giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất. Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể để đảm bảo tính độc lập khách quan trong quá trình định giá...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng lương hưu 8% từ 1/7/2024

Cùng với cải cách tiền lương của 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 12/2023, cả nước có gần 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm khối lực lượng vũ trang) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong số này, 80% là hưởng lương từ ngân sách và 20% hưởng lương tại đơn vị tự chủ một phần, toàn phần.

hi đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 6,936 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, đến tháng 12/2023, có 88.137 người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhóm này là 1,8 triệu đồng/tháng.

Từ thực tế trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến từ 1/7/2024 tăng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân thêm khoảng 54,89% và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 25%. Khi áp dụng mức tăng mới, số tiền thu bảo hiểm xã hội tăng thêm trong 1 năm là 31.728 tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính đến yếu tố trượt giá).

Đồng thời, lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.

Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% (thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực nhà nước).

Cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp.

Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.

Theo BHXH Việt Nam, điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi.

Với mức điều chỉnh đề xuất 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng.

Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kinh phí điều chỉnh của Quỹ bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng (chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

Trước đó, trong phiên họp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu. Tiền lương của công chức, viên chức khi cải cách tăng 23,5%, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.

Phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 179/QĐ-TTg ngày 16/2/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tin 24h ngày 19/02/2024
Vòng xoay Cát Lái (thành phố Thủ Đức). Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Mục tiêu chung đến năm 2030, đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý, đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng; thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng. Đồng thời, nâng cao năng lực ngành Xây dựng để đảm nhận được toàn bộ các khâu quản lý, thiết kế, mua sắm, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp, quy mô lớn và từng bước cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.

Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới. Ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng công trình…

Cùng với đó là góp phần hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của các đô thị trung tâm cả nước và các vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn; tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Quyết định nêu rõ: Đến năm 2045, ngành Xây dựng bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển ngành vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển đô thị. Phát triển nhà ở đáp ứng đủ theo nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân; thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, minh bạch.

Lĩnh vực phát triển đô thị: Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh đã hình thành đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tập trung thúc đẩy hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ tại các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đảm bảo các đô thị giữ vai trò trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của địa phương, từng vùng và cả nước. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn; kiểm soát phát triển đô thị mật độ thấp tại các đô thị loại II trở lên; tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị: Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng; hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Lĩnh vực nhà ở: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị lớn. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp.

Lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản: Khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai, khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển đa dạng các loại bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn...

Công nghệ giúp doanh nghiệp thoát hiểm

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) đã hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ, ứng dụng AI sớm có thể dễ dàng tìm kiếm giải pháp kinh doanh phù hợp, gia tăng nguồn thu, nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững.

Ngay từ đầu năm 2024, xu hướng ứng dụng công nghệ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp tăng trưởng, kinh doanh tiếp thị cũng như tìm kiếm mô hình kinh doanh mới, tăng doanh thu.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và có những chuyển động để thích ứng. Tuy nhiên, do một số hạn chế về nguồn lực, nhân sự… đã ảnh hưởng tới hiệu quả ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Chiến, Phó Tổng Giám đốc công ty CP công nghệ Citek cho biết, các giải pháp đổi mới sáng tạo đang góp phần to lớn thúc đẩy sự tăng trưởng ở các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc thiếu đơn hàng và nguồn lực tài chính đang trở thành thách thức lớn mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Do vậy, thời điểm này công nghệ được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp thoát hiểm.

Ông Trần Xuân Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Dương Kính cho hay, doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc lựa chọn ứng dụng để triển khai chuyển đổi. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm phần mềm có thể vừa xử lý công việc vừa giao việc, kiểm soát đánh giá KPI (tập hợp các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc có thể định lượng được).Cũng như nhiều đơn vị khác, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường và quản trị nguồn lực, nhất là thời gian sau đại dịch COVID. Việc thay đổi tư duy và cách làm, đặc biệt là số hóa các khâu quản lý sẽ giúp doanh nghiệp dần hoàn chỉnh lại diện mạo và cách làm ăn, cách quản lý...

Việc ứng dụng công nghệ phù hợp đối với từng doanh nghiệp đang là phương cách hiệu quả giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình số hóa. Nếu không thực hiện nhanh chóng hoặc cố tình trì hoãn, khả năng tụt hậu, bị loại khỏi "cuộc chơi" trên thị trường là rất cao.

Triệt xóa tụ điểm đánh bài cào tại một ngôi nhà hoang ở vùng biên

Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự 13 đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc tại xã Ninh Điền.

Tin 24h ngày 19/02/2024

Các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc bị bắt giữ tại cơ quan Công an. Ảnh: TTXVN

Tối 17/2, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Châu Thành đã tiến hành triệt xóa tụ điểm đánh bạc dưới hình thức đánh bài cào tại một ngôi nhà bỏ hoang thuộc ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền) do Huỳnh Thị Ngọc Liên (tên thường gọi là Liễu, sinh năm 1989, ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền) tổ chức.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đối tượng tham gia đánh bạc. Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng đã bỏ chạy. Lực lượng Công an đã bắt giữ 13 đối tượng và di lý về trụ sở để lấy lời khai. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm gần 100 triệu đồng tiền mặt, nhiều bộ bài tây, cùng các tang vật liên quan.

Qua làm việc, Huỳnh Thị Ngọc Liên khai nhận, lợi dụng khu vực xã biên giới vắng người qua lại, dân cư ít, nhất là thời điểm nghỉ Tết Giáp Thìn, đối tượng đã tổ chức đánh bạc. Liên thường chọn những địa điểm có địa hình khó tiếp cận và liên tục di chuyển địa điểm đánh bạc để qua mắt lực lượng chức năng. Để tạo lòng tin và thu hút con bạc, đối tượng còn thuê người cảnh giới để thông báo cho các con bạc khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Theo điều tra ban đầu, sòng bạc do Huỳnh Thị Ngọc Liên tổ chức mỗi ván thắng thua khoảng từ 5 - 7 triệu đồng. Mỗi ngày, đối tượng thu lợi bất chính từ 6 - 8 triệu đồng.

Vụ việc đang được Công an huyện Châu Thành tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngăn chặn tình trạng chặt cây hoa đỗ quyên rừng để bán

Ngày 19/2, Công an tỉnh Lai Châu đã có văn bản về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng chặt cây hoa đỗ quyên rừng để bán.

Qua công tác nắm tình hình và phản ánh của người dân, thời gian qua có hiện tượng người dân tại địa bàn các xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Thèn Sin, Tả Lèng, Giang Ma, Hồ Thầu (huyện Tam Đường) vào rừng phòng hộ Putaleng chặt cành cây hoa đỗ quyên rừng về bày cắm, đăng tải lên mạng xã hội rao bán hoặc móc nối bán cho một số đầu nậu gom chở đi tiêu thụ ở tỉnh miền xuôi. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của thảm thực vật đỗ quyên tạo cảnh quan đẹp cho quần thể núi Putaleng, tỉnh Lai Châu.

Để chấm dứt tình trạng trên, ngày 19/2, Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về cấm khai thác, mua, bán, vận chuyển các loài thực vật quý, hiếm nguy cấp cần phải bảo vệ hiện nay.

Nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái trong nhân dân, các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện đối tượng khai thác, đầu nậu thu gom, đối tượng vận chuyển để có phương án phối hợp với lực lượng kiểm lâm kịp thời ngăn chặn, thu giữ, lập hồ sơ xử lý những hành vi vi phạm. Các đơn vị quyết liệt điều tra mở rộng, làm rõ, xử lý những hành vi bao che “bảo kê” nếu có.

Theo quy định của pháp luật, hành vi khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thông thường có thể bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc chặt phá thực vật rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội hủy hoại rừng. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 7-15 năm.

Công an tỉnh Lai Châu đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải không nhận vận chuyển, tiếp tay cho hành vi phá hoại rừng, tận diệt giống cây hoa rừng đặc hữu. Nhân dân các xã giáp ranh rừng phòng hộ cần nắm rõ giá trị của quần thể cây hoa đỗ quyên hoang dã quý hiếm, đặc hữu mọc tự nhiên trong rừng; không khai thác, mua, bán, vận chuyển đồng thời phối hợp ngăn chặn, kịp thời tố giác với cơ quan Công an nơi gần nhất những hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quần thể hoa đỗ quyên ở rừng phòng hộ Putaleng là một trong những thắng cảnh tuyệt đẹp của tỉnh Lai Châu, là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Vào tháng Ba hằng năm, rừng hoa đỗ quyên bung sắc rực rỡ trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ tạo ra một cảnh sắc hiếm có.

Thất thủ ở Avdiivka đẩy Ukraine vào tình thế nguy hiểm đến mức nào

Để mất thành trì Avdiivka vào tay Nga, chiến tuyến phía Ukraine đã thay đổi đáng kể, tạo tiền đề cho một chương mệt mỏi tiếp theo của cuộc xung đột.

Tin 24h ngày 19/02/2024
Binh sỹ tiểu đoàn tên lửa phòng không 1129 của quân đội Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Theo tờ New York Times, sau khi để mất Avdiivka, lực lượng Ukraine sẽ cần một tuyến phòng thủ mới ở những địa hình hiểm trở, trong khi Nga cố gắng tận dụng lợi thế của mình.

Với việc quân đội Nga chiếm được thành phố Avdiivka ở miền Đông Ukraine ngày 17/2, chiến tuyến đã thay đổi đáng kể, dẫn tới một chương mệt mỏi tiếp theo của cuộc xung đột khi lực lượng Ukraine rút lui và quân đội Nga đang cải tổ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong tương lai.

Thất bại của Ukraine tại thành phố vốn bị bao vây, tranh giành kể từ năm 2014, xảy ra vào thời điểm đặc biệt nguy hiểm, khi cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ ba, lực lượng Kiev đang thiếu đạn dược và phải đối mặt với tình trạng thiếu quân ngày càng trầm trọng.

Sau cuộc rút lui khỏi Avdiivka, những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do địa hình bằng phẳng và khó phòng thủ ở bên ngoài thành phố. Nếu không có những ngọn đồi nhấp nhô, những con sông lớn hoặc những công sự kiên cố như đã được xây dựng xung quanh Avdiivka trong hơn một thập kỷ qua, Ukraine có thể sẽ phải mất nhiều vùng đất hơn để kìm chân các đơn vị Nga.

Michael Kofman, một chuyên gia về Nga tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, D.C., cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Họ không có lựa chọn thứ cấp được thiết lập tốt để rút lui. Phần lớn phụ thuộc vào việc lực lượng Nga có thể tiếp tục tiến công hay họ đã hết động lực”.

Ngay cả lúc này, quân đội Nga, mặc dù chịu thương vong nặng nề trong cuộc tấn công Avdiivka, vẫn đang gây áp lực lên nhiều khu vực khác nhau trên chiến tuyến hơn 900km, với hy vọng rằng Ukraine không thể cùng lúc phòng thủ ở tất cả mọi nơi.

Vẫn chưa rõ tiếp theo Nga sẽ tiến công ở đâu. Thành phố Kupiansk ở phía Đông Bắc, thị trấn Chasiv Yar phía Đông và làng Robotyne phía Nam đều đang bị đe dọa, ngay cả khi khói lửa vẫn còn bao quanh tàn tích Avdiivka.

Trong những tháng gần đây, các chiến hào sâu chống tăng đã xuất hiện xung quanh các thành phố và thị trấn phía đông Ukraine gần Avdiivka, như Pokrovsk, cách đó khoảng 50km về phía Tây. Nhưng gần đến thời điểm giao tranh, không rõ liệu các lữ đoàn Ukraine có đủ nguồn lực để chống chọi với một cuộc tấn công khác giống như cuộc tấn công bao trùm thành phố Avdiivka hay không, hay liệu quân đội Nga có thể tiếp tục tấn công sau nhiều tháng chiến đấu kéo dài hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, đã trình bày rõ ràng trong một bài đăng trên Facebook hôm 17/2 rằng một số bài học rút ra từ sự thất thủ tại Avdiivka bao gồm sự cần thiết phải “xây dựng và củng cố” các công sự.

Chiến thuật của Quân đội Nga là sử dụng quy mô vượt trội tuyệt đối của mình để áp đảo quân đội Ukraine nhỏ hơn, mang lại những chiến thắng quyết định nhất trên chiến trường sau các thất bại quanh Kiev, Kharkiv và Kherson vào năm 2022.

Trong khi đó, gần hai năm sau khi xung đột bắt đầu, viện trợ quân sự cho Ukraine từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã giảm dần do đấu đá chính trị nội bộ ở Washington, tạo ra nhiều cơ hội cho Nga giành được ưu thế về hỏa lực. Quân đội của Kiev cho biết Ukraine đã cố gắng thu hẹp khoảng cách đó bằng máy bay không người lái tấn công liều chết, nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với lực lượng của Nga.

Các quan chức Mỹ nói rằng vẫn chưa quá muộn để củng cố lực lượng Ukraine nếu có thể nhanh chóng chuyển thêm viện trợ. Việc bổ sung pháo binh và các loại đạn dược khác có thể ngăn cản lực lượng Nga đang ráo riết thực hiện một cuộc tấn công khác (sau Avdiivka).

Các quan chức Mỹ cho biết thêm, trong trường hợp không có sự hỗ trợ bổ sung cho Kiev, Nga cuối cùng sẽ dựa vào chiến thắng quân sự của mình ở Avdiivka và tiếp tục đẩy lùi các đơn vị Ukraine cũng như chiếm thêm nhiều vùng phía đông, một trong những mục tiêu quân sự quan trọng của Điện Kremlin.

Avdiivka, nơi có dân số trước chiến tranh khoảng 30.000 người, thực tế là một pháo đài khi quân đội Nga bắt đầu cuộc tấn công lớn vào mùa thu năm ngoái. Trước khi giành chiến thắng mới đây, đội hình quân sự của Nga được cho là chịu tổn thất đáng kể về người và thiết bị để bẻ gãy thế phòng thủ của Kiev.

Tuy nhiên, lực lượng của Nga vẫn tiếp tục gây áp lực, với bộ binh tấn công theo nhóm nhỏ hơn. Sự thay đổi chiến thuật đó, cùng với số lượng máy bay không người lái ngày càng tăng, số lượng pháo binh nhiều hơn và một loạt các cuộc không kích, đã đẩy các lực lượng bị bao vây của Ukraine đến điểm tan vỡ.

ob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ), cho biết: “Một trong những sự kiện quan trọng của năm 2023 là Nga có thể tuyển dụng một số lượng lớn tình nguyện viên. Điều này xảy ra đúng lúc Ukraine đang phải đối mặt với các khó khăn về huy động lực lượng.”

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã phản ứng trước áp lực ngày càng tăng bằng cách tăng cường tới Avdiivka một loạt đơn vị đặc biệt và Lữ đoàn xung kích độc lập thứ ba, một đơn vị bộ binh giàu kinh, để thu hẹp khoảng cách và cuối cùng là yểm trợ rút lui. Một người lính của lữ đoàn cho biết họ đã được đưa ra khỏi tiền tuyến xung quanh thành phố Bakhmut ở phía đông trong những tháng gần đây và chỉ có một thời gian ngắn để nghỉ ngơi trước khi được điều đến Avdiivka làm lính cứu hỏa.

Các nhà phân tích quân sự cho biết, sự kiệt sức của một trong những đơn vị tốt nhất của Ukraine trong thời kỳ khủng hoảng cho thấy một vấn đề ngày càng trầm trọng trong hàng ngũ Ukraine: Đơn giản là không có đủ quân cho các mặt trận.

Chuyên gia Kofman nói: “Ukraine đã gửi những đơn vị tốt nhất của họ đến vì lực lượng ở Avdiivka đang dần cạn kiệt và cần phải rút lui. Bên cạnh việc thiếu đạn dược, Ukraine còn gặp vấn đề nghiêm trọng về nhân lực, đặc biệt là bộ binh”.

Mặc dù các quan chức Ukraine giữ bí mật về con số thương vong, nhưng động thái gần đây của giới chức quân sự nhằm huy động thêm tới 500.000 quân đã nhấn mạnh thiệt hại của một cuộc xung đột dường như còn lâu mới kết thúc. Binh sĩ Ukraine cho biết tinh thần của họ cũng đang suy giảm trong những tuần gần đây, cộng thêm tình trạng thiếu quân và đạn dược, thương vong ngày càng tăng và thời gian ra mặt trận ngắn hơn.

Cục Cải huấn Thái Lan giải thích quyết định trả tự do cho cựu Thủ tướng Thaksin

Cục Cải huấn Thái Lan ngày 18/2 ra tuyên bố chính thức nhấn mạnh quyết định trả tự do cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào sáng cùng ngày là tuân thủ luật pháp.

Tin 24h ngày 19/02/2024
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về nước sau 15 năm lưu vong ngày 22/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn nội dung tuyên bố của Cục Cải huấn Thái Lan cho biết cựu Thủ tướng Thaksin được đưa vào danh sách các phạm nhân đủ điều kiện được ân xá do thuộc diện tù nhân trên 70 tuổi, ốm nặng và đã ở tù ít nhất 6 tháng hoặc chấp hành 1/3 thời gian của bản án. Theo cơ quan này, ủy ban xét duyệt ân xá - bao gồm lãnh đạo các trại giam, đại diện Cục Quản chế, Văn phòng Ban Kiểm soát ma túy, Cục Hành chính tỉnh và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan - đã xem xét kỹ lưỡng những trường hợp được trả tự do. Danh sách các phạm nhân đủ điều kiện được ân xá sau đó được trình Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan để phê duyệt và gửi lại Cục Cải huấn để thực hiện.

Hồi tháng 1/2024, 930 phạm nhân đã được phê duyệt ân xá, bao gồm 913 trường hợp chính thức, 8 trường hợp đặc biệt và 9 trường hợp khác theo chương trình tạo việc làm và đào tạo kỹ năng.

Cục Cải huấn Thái Lan bày tỏ hy vọng việc công bố thông tin một cách minh bạch nêu trên sẽ thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng đối với quyết định trả tự do cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Ông Thaksin, 74 tuổi, trở về Thái Lan hôm 22/8/2023 sau 15 năm lưu vong để đối mặt với hình phạt vì tội tham nhũng và lạm quyền khi còn đương chức trước năm 2006. Cùng ngày hôm đó, ông bị kết án 8 năm tù, sau đó được giảm xuống còn 1 năm do được Hoàng gia Thái Lan ân xá.

Cựu Thủ tướng Thaksin đã được đưa từ Trại tạm giam Bangkok đến Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát ngay trong đêm 22/8/2023 vì lý do sức khỏe và được cho là đã điều trị tại cơ sở y tế này kể từ thời điểm đó đến khi được trả tự do.

Sân bay quốc tế Dubai ghi nhận số lượt khách vượt mức trước đại dịch

Sân bay quốc tế Dubai cho biết đã ghi nhận số hành khách tăng 31,7% lên 86,9 triệu lượt vào năm ngoái, vượt mức trước đại dịch COVID-19.

Tin 24h ngày 19/02/2024
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Dubai. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Năm 2019 – trước khi đại dịch khiến ngành hàng không “lao đao”, đã có 86,4 triệu lượt khách qua sân bay Dubai. Trước đó, năm 2018 là năm sân bay Dubai hoạt động nhộn nhịp nhất, khi đón 89,1 triệu lượt khách.

Xét về số lượng hành khách, các điểm đến hàng đầu của sân bay vào năm ngoái gồm Ấn Độ (11,9 triệu lượt), Saudi Arabia (6,7 triệu lượt), Vương quốc Liên hiệp Anh (5,9 triệu lượt) và Pakistan (4,2 triệu lượt). Dubai là một trong số ít sân bay vẫn mở cửa cho du khách Nga trong khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.

Sau đại dịch, Dubai đã sớm mở cửa trở lại cho du khách. Điều này giúp thúc đẩy ngành du lịch của thành phố Dubai khi nhiều điểm đến như Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới, và khách sạn sang trọng Burj Al-Arab hình cánh buồm thu hút khách du lịch.

Dự báo, sân bay Dubai sẽ đón 88,8 triệu lượt khách vào năm 2024, tiến gần mức cao kỷ lục của năm 2018. Hiện sân bay kết nối với hơn 260 điểm đến khắp 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua hơn 100 hãng hàng không quốc tế.