Bổ sung 2 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Tin 24h ngày 17/3/2023
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cân nhắc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi

Trước đó, báo cáo tóm tắt về đề nghị xây dựng 2 dự án này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách. Cụ thể, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân. Bên cạnh đó, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước. Ngoài ra, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Xử lý triệt để sở hữu chéo

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách gồm: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân. Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; quy định về xử lý nợ xấu; quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan nhận thấy, 6 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.

Bộ Chính trị điều động nhân sự Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Ngày 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị triển khai thông báo của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương dự và chỉ đạo hội nghị. Tại Quyết định số 796-QĐNS/TW ngày 9/3/2023, Bộ Chính trị quyết định bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Bình; điều động, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về việc phân công công tác Ủy viên Trung ương Đảng, bà Nguyễn Thị Thu Hà được điều động, phân công, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giới thiệu hiệp thương giữ chức Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024; giao Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất điều hành hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đến khi Bộ Chính trị quyết định nhân sự Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thay bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Thời tiết ngày 17/3: Vùng núi Bắc Bộ có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 17/3, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 40mm. rong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thời tiết Thủ đô Hà Nội nhiều mây, sáng và đêm có mưa phùn và sương mù rải rác. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-28 độ C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ có mây, chiều và đêm có mưa, mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời lạnh, có nơi trời rét. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C. Khu vực phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, sáng và đêm có mưa phùn và sương mù rải rác; riêng vùng núi có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng và đêm trời lạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C. Các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3; riêng phía Nam cấp 4-5. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C. Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C. Các tỉnh Nam Bộ có mây, ngày nắng, riêng miền Đông nắng nóng; đêm không mưa. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, riêng miền Đông 34-36 độ C.

Đắk Nông: Phát hiện vụ trồng, sơ chế cần sa quy mô lớn tại xã Quảng Trực

Ngày 17/3, Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết đang phối hợp với với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương điều tra, xác minh vụ trồng, sơ chế cần sa quy mô lớn trên địa bàn xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Trước đó, vào khoảng 14 giờ ngày 16/3, Công an huyện Tuy Đức phối hợp với Công an xã Quảng Trực, Đồn cửa khẩu Bu Prăng, Đồn Biên phòng Đắk Đang, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) phát hiện, bắt quả tang Trần Văn Vụ (44 tuổi) và Lê Thị Thơm (39 tuổi), cùng trú tại bon Bu Dăr, xã Quảng Trực đang có hành vi trồng cần sa trái phép tại nương rẫy của hai đối tượng tại bon Đắk Huýt ở cùng xã. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện, nhổ, tịch thu hơn 500 cây cần sa có chiều cao từ 35 – 80cm. Đáng chú ý, qua đấu tranh của lực lượng chức năng, hai đối tượng Vụ, Thơm còn giao nộp cho cơ quan chức năng hơn 30kg nghi là hoa, cành, thân, lá cần sa khô và tươi các loại đã được các đối tượng thu hoạch, sơ chế và cất giấu tại nhiều vị trí trong nhà, trong rẫy cà phê. Về nguồn gốc giống cần sa, hai đối tượng khai nhận đã đặt mua trên mạng xã hội vào tháng 1/2023. Hiện Cơ quan công an đang tạm giữ hai đối tượng Vụ, Thơm để điều tra, làm rõ hành vi trồng cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, theo quy định tại Điều 247, Bộ luật Hình sự 2015. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức điều tra, làm rõ.

  1. Vượt gác chắn đường sắt, cụ ông bị tàu SE1 đâm tử vong

Ngày 17/3, lãnh đạo UBND xã Trung Sơn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến một cụ ông 86 tuổi tử vong tại chỗ. Trước đó, khoảng 9 giờ 20 phút ngày 17/3, ông N.Q.T, sinh năm 1937, trú tại thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đi xe đạp theo hướng từ thôn Kinh Môn ra Quốc lộ 1. Khi đến gác chắn đường tàu, thuộc địa phận thôn Kinh Môn, dù gác chắn tàu đã hạ xuống nhưng ông T vẫn dắt xe đạp băng qua đường sắt và bị tàu SE1 chạy hướng Bắc - Nam đâm trúng. Hậu quả, ông T tử vong tại chỗ.

Cảnh giác trước các số điện thoại lạ mời chuẩn hóa thông tin thuê bao

Gần đây nhiều khách hàng nhận được cuộc gọi thông báo từ các số điện thoại lạ mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc các nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao nếu không sẽ khoá máy. Trước thực trạng này, một số nhà mạng đã khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các số điện thoại lạ mời chuẩn hoá thông tin thuê bao. VinaPhone thông báo về tin nhắn, số điện thoại, đường dây nóng chính thức của nhà mạng để khách hàng yên tâm thực hiện theo hướng dẫn, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Hiện nay VinaPhone chỉ thực hiện thông báo đến các khách hàng nằm trong diện cần phải kiểm tra, chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua các kênh chính thức sau: Tin nhắn gửi từ tên định danh “VinaPhone”. Cuộc gọi nhân công và cuộc gọi tự động hiển thị tên định danh “VinaPhone” hoặc từ các số điện thoại 0888-00-1091, 0911-00-1091.

Với các tin nhắn gửi từ tên định danh “VinaPhone” sẽ có nội dung: “(TB) VinaPhone trân trọng thông báo: “Thông tin thuê bao số: 0xxxxxxxxx, (Họ và tên: Nguyễn Văn A, ngày sinh: dd/mm/yyyy, CMND/CCCD: 0xxxxxxxxxxx) chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Để thuê bao không bị tạm ngưng dịch vụ 1 chiều từ ngày 31/3/2023, mời Quý khách cập nhật chính xác thông tin trước ngày 25/3/2023 tại: Mục "Thông tin thuê bao" trên ứng dụng My VNPT (my.vnpt.com.vn/app) hoặc website https://my.vnpt.com.vn/tttb. Các điểm giao dịch VinaPhone gần nhất (mang theo CMND/CCCD/Hộ chiếu). Nếu Quý khách đã thực hiện, vui lòng bỏ qua tin nhắn này. CSKH: 18001091 (0đ). Trân trọng!” Sau khi nhận được thông báo, khách hàng hoàn toàn có thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng My VNPT (my.vnpt.com.vn/app), qua website https://my.vnpt.com.vn/tttb (mục "Thông tin thuê bao"), tại các điểm giao dịch VinaPhone trên toàn quốc hoặc liên hệ Tổng đài CSKH 18001091 (0d) để được hướng dẫn. Các thông báo từ các số điện thoại lạ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng thực hiện cuộc gọi đều không đúng theo quy trình chuẩn hóa thông tin thuê bao chính thức của VinaPhone. VinaPhone sẽ không đột ngột khóa thuê bao của bất kỳ khách hàng nào ngay sau khi thông báo mà sẽ thực hiện theo đúng trình tự quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. VinaPhone sẽ nhắn tin thông báo liên tục cho các khách hàng nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, mỗi ngày ít nhất 1 lần, trong 5 ngày liên tiếp. Các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chỉ bị gián đoạn liên lạc 1 chiều sau ngày 31/3/2023. Sau đó đến ngày 15/4/2023 VinaPhone sẽ thực hiện tạm khóa liên lạc 2 chiều và đến 15/5/2023 mới thu hồi số thuê bao đối với những khách hàng chưa thực hiện chuẩn hóa lại thông tin thuê bao theo quy định của cơ quan quản lý. Việc thông báo tới khách hàng cũng như tiến hành các biện pháp xử lý đều có lộ trình cụ thể và đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Đối với nhà mạng Mobifone, SMS mời khách hàng cập nhật thông tin thuê bao có Brand name là: MobiFone. Tổng đài tiếp nhận phản hồi/hỗ trợ/CSKH của MobiFone: 18001090/9090. App cập nhật thông tin thuê bao: My MobiFone. Link cập nhật thông tin thuê bao: https://tttb.mobifone.vn. Số tổng đài gửi SMS OTP: 9811 (Trong quá trình khách hàng nhập số thuê bao để cập nhật, hệ thống sẽ yêu cầu nhập OTP để xác nhận thông tin khách hàng cập nhật).

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu báo cáo vụ tiếp viên bị bắt vì nghi xách ma túy

Trước thông tin nhóm tiếp viên của một hãng hàng không nghi mang ma túy và thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam bị bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu hãng bay, Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo sự việc ban đầu. Cục Hàng không Việt Nam cũng đang chờ báo cáo chính thức từ các đơn vị tại địa phương để báo cáo về Bộ Giao thông vận tải.

ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, đây là chuyên án của Hải quan và cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra. Vụ này không thuộc trách nhiệm của cảng vụ và cảng vụ cũng không thể phát ngôn về vụ việc này. Để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên ban hành các chỉ thị, văn bản về vấn đề này. Cụ thể, đầu tháng 2 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023. Theo Kế hoạch, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không. Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam có trách nhiệm giám sát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý; yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng hàng không, sân bay cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay, nhất là các chuyến bay quốc tế nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu, cũng như kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay. Đặc biệt, đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không. Các lãnh đạo của các đơn vị này cũng chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Ngoài ra, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

Nhật Bản công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 3 quan chức Triều Tiên

Theo Sputnik News, ngày 17/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo chính phủ nước này đã áp đặt trừng phạt 3 quan chức Triều Tiên liên quan đến việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhằm đáp trả vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 hôm 16/3. Phát biểu họp báo ngắn, ông Matsuno nói: "Những hành động khiêu khích này, được thực hiện với tần suất chưa từng thấy, gây nên mối đe dọa nghiêm trọng, thường trực và hoàn toàn không thể chấp nhận được.". Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, những cá nhân bị đưa vào danh sách đen lần này gồm ông Jon Il Ho - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Đạn dược; ông Kim Su Gil - cựu Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên và ông Yu Jin - cựu Cục trưởng Cục Công nghiệp Đạn dược. Tuyên bố lưu ý các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm mọi hình thức giao dịch và đóng băng tất cả tài sản tại Nhật Bản của những người này./.

Tổng thống Djukanovic giải tán Quốc hội Montenegro

Theo phóng viên báo chí tại Đông Âu, Tổng thống Montenegro Milo Djukanovic ngày 16/3 đã ban hành sắc lệnh giải tán Quốc hội, qua đó dọn đường cho cuộc bầu cử cơ quan lập pháp khóa tiếp theo sau khi quốc gia Adriatic này không thành lập được chính phủ mới. Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Dritan Abazovic đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Montenegro hồi tháng 8/2022. Theo quy định, Tổng thống Djukanovic phải giải tán Quốc hội nếu Thủ tướng được chỉ định không được chấp thuận trong vòng 3 tháng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời ấn định cuộc bầu cử Quốc hội mới vào ngày tiếp theo. Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Djukanovic đã phản đối Thủ tướng Miodrag Lekic do đa số nghị sĩ tại Quốc hội Montenegro chỉ định. Ông Djukanovic đã nắm giữ các chức vụ chính trị cấp cao ở Montenegro suốt hơn 30 năm qua và đang tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 trong cuộc bầu cử vào ngày 19/3 tới. Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ phải được tổ chức trong vòng 60-100 ngày kể từ khi Tổng thống Djukanovic ban hành sắc lệnh giải tán. Ông Djukanovic đã dẫn dắt Montenegro tách khỏi nhà nước liên minh Serbia-Montenegro năm 2006, trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2017 và hướng tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Các đối thủ cáo buộc Tổng thống Djukanovic và đảng DPS của ông tham nhũng, cũng như dính líu tới tội phạm có tổ chức, song chính trị gia này luôn một mực bác bỏ. Theo quy định của Hiến pháp Motenegro, nguyên thủ quốc gia là vị trí chủ yếu mang ý nghĩa đại diện. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có tầm quan trọng trong quá trình thành lập nội các và đề cử Thủ tướng. Tổng thống Motenegro được bầu theo chế độ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm và không được giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Djukanovic từng có 5 nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng và được bầu làm Tổng thống Motenegro trong 2 nhiệm kỳ 1998 - 2002 và 2018 - 2023. Những năm qua, quốc gia Balkan đã rơi vào tình trạng bị chia rẽ giữa lực lượng coi mình là người Montenegro và những nhân vật tuyên bố bản thân là người Serbia cũng như phản đối nền độc lập của Montenegro khỏi Serbia.

Số người thiệt mạng do bão Freddy tại Malawi tăng lên trên 300 người

Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera ngày 16/3 cho biết số người thiệt mạng do bão Freddy tại nước này đã tăng lên 326 người, theo đó, tổng số nạn nhân trên khắp khu vực miền Nam châu Phi tăng lên hơn 400 người kể từ tháng 2. Số người thiệt mạng tăng khi lực lượng cứu hộ phát hiện thêm nhiều thi thể nạn nhân trong khi cơ hội tìm thấy người sống sót giảm dần. Cơn bão đã di chuyển theo một lộ trình rất bất thường khi quay trở lại đất liền miền Nam châu Phi lần thứ 2. Theo Tổng thống Lazarus Chakwera, số người phải di dời do bão tại Malawi cũng tăng lên 183.159 người. Tổng thống Malawi kêu gọi viện trợ toàn cầu khi lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm những người sống sót sau lũ lụt và lở đất do các trận mưa lớn gây ra trong tuần này. Hơn 300 điểm trú ẩn khẩn cấp đã được thiết lập tại Malawi để hỗ trợ những người sống sót, trong khi quân đội và cảnh sát được huy động để ứng phó với cuộc khủng hoảng do bão Freddy gây ra. Hôm 15/3, Tổng thống Lazarus Chakwera đã tuyên bố quốc tang 14 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng do bão Freddy và treo cờ rủ trong 7 ngày đầu tiên trong thời gian quốc tang. Chính phủ Malawi cũng đã cho phép giải ngân 1,6 tỷ kwacha (1,5 triệu USD) để hỗ trợ hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, Tổng thống Chakwera thừa nhận rằng "số tiền này không đủ" do mức độ tàn phá của bão Freddy "lớn hơn các nguồn tài nguyên mà Malawi sẵn có", đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh rằng Freddy là cơn bão thứ 3 tấn công Malawi chỉ trong 13 tháng qua và đây là một minh chứng rõ ràng về những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Bão Freddy hình thành ngoài khơi Australia vào đầu tháng 2, hiện đã suy yếu sau khi hoành hành trên suốt 8.000km ở Ấn Độ Dương. Trước khi đổ vào miền Nam Malawi ngày 13/3, bão Freddy đã quét qua Madagascar và Mozambique khiến hàng chục người thiệt mạng và ảnh hưởng đến gần 400.000 người tại 2 nước này. Cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc đã triệu tập một hội đồng chuyên gia để xác định xem liệu đây có phải là cơn bão lâu nhất trong lịch sử hay không. Cơn bão lâu nhất trước đó là cơn bão mang tên John kéo dài 31 ngày vào năm 1994.