1. Ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách phòng chống COVID-19

Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách phòng chống COVID-19, đồng thời tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực.

Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Trong đó, Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV như sau:

Nội dung các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (sau đây gọi là Nghị quyết số 30/2021/QH15) là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp; là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời, bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi dịch COVID-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp; đặc biệt, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh kịp thời, đúng đắn tại thời điểm quyết định, góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế, dịch bệnh đã được kiểm soát, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả này thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng toàn thể Nhân dân.

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 495/BC-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quốc hội nhận thấy, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 chưa đáp ứng yêu cầu.

"Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên thế giới và Việt Nam nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện trong bối cảnh cấp bách, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; một số nơi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng đến an sinh xã hội; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch bệnh; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả; một số thủ tục hành chính chưa phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh" - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Tiếp tục thanh toán chế độ với người tham gia phòng chống dịch COVID-19

Điều 2 của Nghị quyết số 80/2023/QH15 đã quy định về các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo các quy định tại Điều 2, khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 và khoản 2 Điều 4, Điều 8 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15) và quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện. Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15), Điều 2, khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 và khoản 2 Điều 4, Điều 8 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.

Hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đã được gia hạn thời gian lưu giữ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục lưu giữ từ ngày 01/01/2023 đến chậm nhất là hết ngày 31/12/2023.

Hàng hóa gửi kho ngoại quan được gia hạn thời gian lưu giữ theo quy định tại khoản này khi xuất khẩu phải xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Bên cạnh đó, theo điều 3 của Nghị quyết, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 đã được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ trường hợp sau đây:

- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược;

- Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược;

- Thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 03 năm theo quy định của pháp luật về dược.

Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định.

Xử lý các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn Nghị quyết này và bãi bỏ các văn bản thuộc thẩm quyền đã được ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, trừ các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các giải pháp sau đây:

- Rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường;

- Quyết định xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ;

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát, động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết số 80/2023/QH15 có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ hai thông qua ngày 9 tháng 1 năm 2023.

2. Vụ giết chủ cửa hàng vàng tại Hải Dương: Nghi phạm là học sinh lớp 12

Công an huyện Kim Thành, Hải Dương đã bước đầu làm rõ đối tượng gây ra vụ giết người xảy ra ngày 13/1.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 1h ngày 13/1, tại khu vực bờ sông phía sau Quảng trường 20/9, người dân phát hiện thi thể anh Đ.V.T (sinh năm 1985, trú tại khu Tân Phú, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành) với vết cắt sâu ở cổ và một bộ dụng cụ dùng để câu cá.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệu tập Đ.V.K (sinh năm 2005, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở huyện Kim Thành).

Tại cơ quan điều tra, bước đầu, K đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. K là một kẻ nghiện game, thời gian gần đây có vay của bạn bè 5 triệu đồng để nạp vào tài khoản game nhưng chưa trả được.

Được biết, nạn nhân là chủ một cửa hàng hàng kinh doanh vàng bạc, mỹ nghệ ở huyện Kim Thành. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

3. Thái Bình: Triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia

Ngày 12/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Công an tỉnh Thái Bình cho biết vừa triệt phá đường dây người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Vương quốc Campuchia.

Các đối tượng gồm: Trần Việt Bắc (sinh năm 1993), Trần Đình Hoàng (sinh năm 1990), cùng trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1999, trú tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thu Trà (sinh năm 2002), trú tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Trịnh Đức Thắng (sinh năm 1999), Phạm Văn Đối (sinh năm 1990), cùng trú tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; Hoàng Xuân Lâm (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1999), cùng trú tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Nguyễn Đắc Huấn (sinh năm1993), trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội; Trần Thị Lĩnh (sinh năm 1990). trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đào Thanh Tùng (sinh năm 1991), Đặng Văn Mạnh (sinh năm 1994), Đào Văn Long (sinh năm 1997), Đào Văn Hiểu (sinh năm 1981), Đặng Văn Vinh (sinh năm 1996), Đào Anh Tuấn (sinh năm 1997), Đào Xuân Minh (sinh năm 1996), Trần Văn Ngọc (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1997), cùng trú tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an TP Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo nói trên hoạt động phạm tội có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ nước ta để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô đặc biệt lớn.

Các đối tượng giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam liên lạc với bị hại, thông báo bị hại bị giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo. Sau đó, các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt... Với thủ đoạn đó, từ tháng 11 đến hết tháng 12/2022, đường dây lừa đảo nói trên đã chiếm đoạt tổng số trên 28 tỷ đồng.

Hiện Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố Thái Bình phối hợp với các đơn vị mở rộng điều tra vụ án, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến từ số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó, nhất là không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan (như căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng); không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.

Đồng thời, người dân nên thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua mạng.

4. Phí sát hạch lái xe dự kiến tăng 10.000 - 50.000 đồng

Bộ Tài chính dự kiến tăng phí sát hạch lái xe với mức tăng từ 10 - 15% tùy từng hạng xe.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.

Phí sát hạch lái xe dự kiến tăng 10.000 - 50.000 đồng (tương ứng từ 10 - 15%) tùy hạng xe. Đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4) sát hạch lý thuyết tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng, sát hạch thực hành từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng.

Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng B1, B2, C, D, E, F), sát hạch lý thuyết tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng, sát hạch thực hành trong hình tăng từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng, sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung khoản phí mới là sát hạch lái xe ô tô bằng mô phỏng các tình huống giao thông 100.000 đồng.

Lý giải về việc tăng phí, Bộ Tài chính cho biết, qua 9 năm thực hiện, mức thu phí sát hạch lái xe không còn phù hợp với thời điểm hiện nay do nhiều biến động về giá, như: mức lương tối thiểu tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng (tăng 40%); giá nhiên liệu, vật tư, nguyên liệu và các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến công việc thu phí từ năm 2013 đến nay đã tăng đáng kể.

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động sát hạch lái xe bổ sung, sửa đổi nhiều quy định mới yêu cầu về hiện đại hóa để nâng cao chất lượng sát hạch, lắp đặt thiết bị sát hạch đường trường, thêm bài sát hạch ghép ngang vào nơi đỗ đối với xe hạng B1, B2, lắp đặt camera giám sát nội dung sát hạch, trung tâm sát hạch lái xe phải đầu tư thiết bị cài đặt phần mềm sát hạch lái xe mô phỏng và thực hiện sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng…

Mức thu phí sát hạch cấp bằng lái xe cơ giới này sẽ được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước, không phân biệt cơ quan quản lý sát hạch thuộc Trung ương hay địa phương quản lý.

5. Miền Bắc rét đậm những ngày giáp Tết, vùng núi có nơi dưới 3 độ

Từ nay đến ngày 18/1, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại, có nơi dưới 3 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét.

Tối 15/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết Bắc Trung Bộ và phía Tây Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Cảm giác giá rét sẽ duy trì cả ngày 16/1. Trời đầy mây cộng với gió đông bắc thổi liên tục giữ nền nhiệt Hà Nội ít thay đổi. Từ lúc này đến chiều khoảng 14-15 độ C. Đến tối, giảm xuống còn 13 độ C.

Từ nay đến thứ Tư là giai đoạn rét nhất của đợt này. Nhiệt độ ngày đêm ở Hà Nội chỉ 12-16 độ C. Từ ngày 28 tháng Chạ âm lịch trở đi, ban ngày nhiệt độ tăng nhẹ lên 18-21 độ C.

Ngoài gây rét đậm, rét hại cho phía Bắc, không khí lạnh mạnh cũng khiến khu vực Hà Tĩnh - Quảng Ngãi chuyển mưa dông từ nay đến thứ Tư.

Dự báo diễn biến không khí lạnh:

Trên đất liền: không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Từ nay đến khoảng ngày 18/1, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14-17 độ C.

Trên biển:

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4-6 m, biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4,5 m, biển động mạnh.

Từ ngày 16/1, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh. Đêm 15/1 ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3,5 m, biển động mạnh; ngày 16/1 gió giảm dần.

6. Vụ bé trai rơi xuống cọc bê tông tại Đồng Tháp: Đã đưa được một đoạn cọc lên mặt đất

Sáng 16/1, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bê tông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Liên quan đến vụ bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống cọc bê tông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp (đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm cung cấp thông tin vụ việc), đến sáng 16/1, Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen tiếp tục đào đất bằng gầu cạp đến độ sâu âm 19m so với đầu cọc bê tông, còn 5m nữa là đến đầu đoạn cọc số 3.

Quá trình đào, lực lượng cứu hộ có sử dụng dung dịch bentonite để giữ ổn định cho thành vách, chống sạt lở. Do chiều dài cọc bê tông lớn nên phải cắt mối nối 1, đưa đoạn bê tông thứ nhất lên khỏi hố móng và bịt kín đầu cọc đoạn 2 vào lúc 3h30 ngày 16/1 tránh cọc bị đổ nghiêng.

Hiện nay, công việc tiếp theo của lực lượng cứu hộ là tiếp tục đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu âm 23m tính từ đầu cọc bê tông (cách mối nối thứ hai hay đầu đoạn thứ ba khoảng 1m), sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên mặt đất và triển khai bước cứu hộ tiếp theo.

Trước đó, tối 14/1, lực lượng cứu hộ của tỉnh Đồng Tháp phối hợp lực lượng liên quan dùng cần cẩu 80 tấn nhổ thành công ống vách D1600 (đường kính 1,6m) đã được đóng bao quanh cọc bê tông bé Hạo Nam bị rơi vào. Địa chất khu vực hiện trường bất lợi, để nhổ được ống vách thép đã đóng sâu xuống lòng đất, lực lượng cứu hộ phải dùng cọc ván thép 18m rung hạ để phá ma sát giữa đất với ống vách rồi nhổ ống vách thép lên.

Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ đào đất trong lòng hố kết hợp bơm dung dịch bentonite nhằm chống lở vách ở phía dưới khung vây ván thép để triển khai các bước cứu hộ. Theo lực lượng cứu hộ, công tác đào đất quanh vị trí cọc bê tông bé Hạo Nam bị tai nạn rất khó khăn vì địa chất đất sét dẻo và cứng, bám chặt thiết bị. Dù rất nỗ lực nhưng việc triển khai phương án cứu nạn, cứu hộ mất rất nhiều thời gian.

Trước đó, vào lúc 11h30 ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ em lẻn vào công trường cầu Rọc Sen và bảo vệ phát hiện, yêu cầu ra khỏi công trường. Tuy nhiên, đến khoảng 11h50, công trường đang nghỉ trưa, nhóm trẻ nói trên lại lẻn vào. Sau đó, bé Hạo Nam đã lọt vào trong lòng cọc bê tông có đường kính 25cm, dài 35m (gồm 3 đoạn nối lại với nhau).

Sau nhiều ngày cố gắng cứu hộ, đến tối 4/1/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu xác định bé Hạo Nam đã tử vong. Sau đó, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất nhưng đến nay vẫn bất thành.

7. Tết cận kề, cần làm gì để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước COVID-19

Tết là dịp để sum vầy, vì vậy đừng để những cuộc hẹn ngày Tết trở thành dịp lây nhiễm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, giao lưu tăng cao, cộng với khách quốc tế đến vào dịp Tết Nguyên đán, cùng lúc có các biến thể COVID-19 mới đang xuất hiện, chúng ta lại càng phải đề cao cảnh giác trước những nguy cơ từ COVID-19.

Ngoài việc đi tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19, mọi người đừng quên việc tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ khác, để có một mùa Tết mạnh khỏe, an toàn, như:

- Thường xuyên vệ sinh tay với nước và xà phòng.

- Tiêm vaccine hoặc mũi tiêm nhắc lại khi đến lượt.

- Đeo khẩu trang nơi đông người và trên phương tiện công cộng.

- Che miệng khi ho, hắt hơi.

- Cách ly ở nhà nếu bạn mắc COVID-19 để bảo vệ những người khác.

- Và hãy tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Thực hiện những biện pháp trên sẽ giúp mọi người có một kì nghỉ Tết an toàn hơn.

Đón Tết một cách an toàn và có kiểm soát, bằng cách thực hiện một vài hành động đơn giản như:

- Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng như các bệnh khác như cúm cho bạn và người thân, bằng cách đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, sát khuẩn tay thường xuyên và ở nhà nếu bạn ốm.

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm - không ăn đồ ăn thừa để lâu, luôn rửa sạch tay trước khi ăn.

- Hãy quan hệ tình dục một cách an toàn - nhớ rằng bao cao su có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây qua đường tình dục và cả nguy cơ có thai ngoài ý muốn.

- Uống đồ có cồn một cách có kiểm soát - ăn trước khi uống rượu bia, lên kế hoạch di chuyển trước và sau khi uống, tự biết giới hạn của bản thân và nhất là không lái xe sau khi uống rượu bia.

Mua sắm, chuẩn bị cho Tết trong những ngày này sẽ không tránh khỏi việc đông đúc. Đám đông lại là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh, như COVID-19 hay cúm.

Dù là bạn đi lễ chùa, đi mua thực phẩm cho Tết, hay dạo quanh chợ hoa để tìm những cành đào, mai, cây quất, hãy nhớ bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh, bằng cách:

- Tránh xa đám đông nếu có thể.

- Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng đông người, ví dụ như chợ Tết, chợ hoa, siêu thị…

- Sát khuẩn tay sạch sẽ.

- Sắm Tết an toàn, đem quà về cho mẹ chứ đừng đem bệnh về nhà.

Hãy đảm bảo rằng bạn có một kỳ nghỉ Tết vui vẻ, mạnh khỏe, bằng cách bảo vệ bản thân và gia đình bằng công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có để chống lại COVID-19 với mũi tiêm nhắc lại khi đến lượt, để có được hệ miễn dịch tốt nhất chống lại bệnh tật và có một mùa Tết bình an!

8. Số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản vẫn đang tăng cao

Từ tháng 12/2022 tới nay, Nhật Bản có 12.620 người tử vong vì dịch COVID-19; riêng số ca tử vong trong hai tuần đầu tiên của tháng 1/2023 cũng lên tới 4.998 ca.

Dù Nhật Bản đã bước vào năm thứ tư của đại dịch COVID-19 vào ngày 16/1 nhưng số ca tử vong vì dịch bệnh này vẫn đang tăng cao.

Đáng chú ý, ngày 11/1, nước này ghi nhận thêm 520 ca tử vong, cao nhất từ trước tới nay.

Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 tới ngày 14/1/2023, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 31 triệu ca mắc, trong đó có 62.264 ca tử vong.

Riêng từ tháng 12/2022 tới nay, nước này có 12.620 người tử vong. Đáng chú ý, riêng trong tháng 12/2022, số ca tử vong tăng mạnh, lên 7.622 ca so với con số 1.864 ca trong tháng 10 và 2.985 ca trong tháng 11. Số ca tử vong trong hai tuần đầu tiên của tháng 1/2023 cũng lên tới 4.998 ca.

Năm 2022, Nhật Bản đối mặt với ba đợt bùng phát dịch do sự xuất hiện của biến thể Omicron và các biến thể dòng phụ, trong đó mạnh nhất là đợt bùng phát thứ bảy, diễn ra trong gần như cả quý 3 năm 2022, với số ca nhiễm mới cao nhất lên tới 255.485 ca vào ngày 18/8/2022.

Tuy nhiên, khác với các đợt bùng phát thứ sáu và bảy, trong đợt bùng phát thứ tám hiện nay, chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron, số ca tử vong ở Nhật Bản đang tăng khá mạnh.

Lý giả về sự bất thường này, Giáo sư Atsuo Hamada tại Đại học Y Tokyo, cho rằng do chính phủ không còn yêu cầu phải xác định tất cả các ca nhiễm mới nên nhiều khả năng số ca nhiễm mới trên thực tế của đợt bùng phát thứ tám có thể cao hơn so với đợt bùng phát thứ bảy.

Bên cạnh đó, các cụm lây nhiễm đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các cơ sở chăm sóc người già, nơi có nhiều người có các bệnh lý nền. Vì vậy, Giáo sư Hamada nhấn mạnh để giảm số ca tử vong, cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan trong người cao tuổi bằng cách tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở dưỡng lão.

Mặc dù số ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong tăng cao nhưng kể từ đợt bùng phát thứ bảy tới nay, chính phủ Nhật Bản chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 hay hạn chế các hoạt động kinh tế-xã hội, một phần do tỷ lệ bao phủ vaccine ở nước này khá cao và nguy cơ mắc các triệu chứng nặng ở những người nhiễm virus đã giảm.

Thậm chí, nước này còn rút ngắn thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Bộ trên cũng đang thảo luận về việc liệu đã tới lúc đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 cùng với cúm mùa hay không.

Hiện nay, các bệnh nhân COVID-19 chỉ được nhập viện ở các cơ sở y tế chỉ định, nhưng nếu dịch COVID-19 được đưa vào chung nhóm với cúm mùa, họ có thể tới bất cứ bệnh viện nào.

Trong diễn biến liên quan, chính quyền tỉnh Shizuoka ngày 13/1 đã quyết định công bố dịch trên địa bàn nhằm ngăn chặn hệ thống y tế ở tỉnh này rơi vào tình trạng quá tải, trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 đã vượt quá 80%.

Đây là tỉnh thứ hai ở Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy sau Gifu, vốn đã công bố dịch vào ngày 23/12 năm ngoái. Quyết định của tỉnh Shizuoka sẽ có hiệu lực tới ngày 10/2./.

9. Thị trường ô tô Việt Nam 2022: "Vươn mình" sau 2 năm đại dịch

Dù gặp phải nhiều vấn đề hậu đại dịch, năm 2022, các hãng ô tô tại thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều thành công, nổi bật nhất trong số đó chính là thương hiệu đứng đầu - Toyota.

Để chọn ra 3 từ để mô tả bức tranh thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 thì “sáng tạo”, “bứt phá” và “thành công” chính là những lựa chọn chính xác nhất. Năm vừa qua ghi nhận những nỗ lực lớn của các hãng để vượt qua khó khăn về nguồn cung cũng như giá nguyên liệu tăng cao và vươn đến mức tăng trưởng vượt bậc về doanh số bán hàng.

Minh chứng cho điều này không gì rõ ràng hơn các kết quả cụ thể. Theo thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và Vinfast, doanh số ô tô du lịch năm 2022 đã đạt tổng cộng 413.455 xe. Đây là lần đầu tiên doanh số thị trường ô tô du lịch Việt Nam chạm mốc này, thể hiện mức tăng trưởng sau những gián đoạn thời gian dài do vấn đề dịch bệnh, đánh dấu bước tiến mới.

Theo đó, nhờ những thành quả về doanh số này, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường ô tô lớn trong khu vực, thoát khỏi mác “thị trường nhỏ” sau nhiều năm.

Để đạt được doanh số xe ấn tượng như vậy, thị trường ô tô Việt Nam cũng cần sự góp sức của nhiều thương hiệu khác nhau, tất cả đã cùng cố gắng sáng tạo, tìm ra những cách thức mới mẻ và phù hợp để đem lại lợi ích cho khách hàng, nhằm bứt phá để vượt qua khó khăn đồng thời tạo nên một năm 2022 thành công.

Trong đó, dễ dàng nhận thấy Toyota là hãng xe bán được nhiều nhất trong thị trường xe du lịch Việt Nam, với tổng doanh số bao gồm cả Lexus lên tới 92.625 xe trong năm 2022, đạt thị phần tới 22.4%. Đồng thời, hãng cũng cho thấy mức độ tăng trưởng doanh số rất tốt, tăng 34% so với năm 2021 và tiếp tục dẫn đầu thị trường xe du lịch.

Trong năm 2022, Toyota thể hiện sự tăng trưởng ổn định nhờ vào chiến lược đầu tư và phát triển đồng đều theo nhiều hướng khác nhau nhằm gia tăng những gì đã có trước đây đồng thời mang thêm những lợi ích mới đến cho khách hàng.

Thành công của hãng xe Nhật cũng đến từ những cải tiến vượt bậc về ngôn ngữ thiết kế, công nghệ an toàn tiên tiến cho đến những tiện nghi trên xe. So với những năm trước đó, không thể phủ nhận xe Toyota ngày càng trẻ hóa và năng động hơn với Định hướng thiết kế toàn cầu mới - Toyota New Global Architecture (TNGA) và Hệ thống an toàn chủ động Toyota - Toyota Safety Sense (TSS).

Bên cạnh đó, Toyota xây dựng lối đi riêng cho thị trường xe xanh Việt Nam với công nghệ hybrid (xăng lai điện). Hiện hãng đang sở hữu nhiều mẫu xe hybrid nhất Việt Nam gồm Corolla Cross hybrid, Camry hybrid và Corolla Altis hybrid. Tính đến hết năm 2022, xe hybrid chiếm gần 11% tổng doanh số các xe Corolla Cross, Camry và Corolla Altis, cho thấy người tiêu dùng đã quen thuộc hơn với mẫu xe này. Đây được xem là giải pháp xanh hóa hợp lý tại Việt Nam trong bối cảnh cơ sở hạ tầng cho phát triển xe điện cần thời gian kiện toàn.

Hơn thế nữa, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường và đồng hành Chính phủ trong mục tiêu phát triển thị trường ô tô Việt Nam, từ tháng 12/2022, Toyota Việt Nam chính thức sản xuất và lắp ráp Veloz Cross và Avanza Premio, nâng tổng số xe nội địa hóa của hãng này lên con số 5.

Thị trường ô tô Việt Nam đang dần phát triển không chỉ về doanh số mà còn nằm ở mặt công nghệ, trang bị và thiết kế, các mẫu xe đang dần được cập nhật với xu hướng trên toàn cầu. Một trong những hãng xe tích cực nhất là Toyota, điều đó đã mang lại thành công với minh chứng tốt nhất chính là lượng xe bán ra đứng đầu thị trường Việt Nam; đồng thời, hãng đã vượt qua một năm 2022 đầy khó khăn với tinh thần “sáng tạo”, “bứt phá” và “thành công”.

10. Đối tượng mang 37kg pháo nổ từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ

Đối tượng có hành vi vận chuyển pháo nổ từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng phát hiện, bắt giữ.

Đồn Biên phòng Cốc Pàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực xóm Nà Sích, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng phát hiện, bắt giữ Vũ Văn Sơn (SN 1982, quê quán tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thường trú tại thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) đang có hành vi vận chuyển 24 hộp pháo (do Trung Quốc sản xuất) có trọng lượng 37kg. Qua đấu tranh, đối tượng Sơn khai nhận mua số pháo trên từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Đồn Biên phòng Cốc Pàng đã hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, bàn giao đối tượng, tang vật cho Công an huyện Bảo Lâm tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật./.