Việt Nam đưa ra một số đề xuất với các nghị viện thành viên của IPU

Tin 24h ngày 14/3/2023
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-146.

Chiều 13/3 (theo giờ địa phương), Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 tại thủ đô Manama của Bahrain, đã có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-146.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Đại hội đồng IPU-146 diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với những biến động to lớn, khó lường, trong đó nổi lên là những điểm nóng, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu thúc đẩy “cùng chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm” lại càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi nỗ lực và sự chung tay của cộng đồng quốc tế và các cơ quan lập pháp cùng đoàn kết, hành động nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược hành động của IPU vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, có truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị, chung sống hòa bình và nhận thức rõ hòa bình, phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Việt Nam kiên định, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam hành động theo phương châm Quốc hội của dân, do dân và vì dân, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình thảo luận, thông qua các đạo luật, các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách; phê chuẩn, quyết định gia nhập các điều ước quốc tế trong đó có các điều ước về quyền con người, qua đó góp phần bảo đảm tính bao trùm, bền vững, bản sắc văn hóa của các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống của đất nước, duy trì và thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với IPU thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015, thúc đẩy IPU cùng Liên hợp quốc xây dựng “Bộ công cụ tự đánh giá: Nghị viện và các Mục tiêu phát triển bền vững” nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên IPU vào quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng xã hội bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.

Bờ biển Hội An tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng

Triều cường, sóng biển mạnh trong mấy ngày qua đã khiến vệt bờ biển đẹp, dài hơn 7 km của thành phố Hội An (Quảng Nam) tiếp tục bị sạt lở nặng ở nhiều đoạn. Nguồn tài nguyên du lịch quý giá và nhiều tài sản, nhà ở của người dân, nhất là khu vực phường Cẩm An bị cuốn trôi ra biển. Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bờ biển Hội An đã thường xuyên bị sạt lở trong nhiều năm qua. Để ngăn chặn tình trạng này, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình nhằm hạn chế thiệt hại do nạn sạt lở bờ biển gây ra. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có các công trình kè ngầm kết hợp với tạo bãi là có khả năng phát huy hiệu quả. Những công trình mang tính cấp bách như kè bằng rọ đá, bao tải cát đều không trụ vững được trước sự tàn phá của triều cường và sóng biển.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết: Những năm qua, bờ biển thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành liên tục bị sạt lở, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như sinh kế của người dân. Trước thực tế này, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhằm bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Ở những khu vực xung yếu, những bãi tắm thu hút lượng lớn khách du lịch, nhất là khách quốc tế ở thành phố Hội An đã triển khai hai dự án xây kè ngầm cách xa mép nước biển kết hợp tạo bãi. Những dự án này đã, đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ sinh kế, bảo vệ tài sản cho người dân. Với khu vực bờ biển thuộc phường Cẩm An đang bị sạt lở nặng, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các thủ tục cần thiết để tiếp tục xây dựng công trình đê ngầm kết hợp tạo và nuôi bãi để ngăn chặn nạn sạt lở một cách căn cơ. Các hồ sơ thủ tục của dự án này đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở cho việc trình UBND tỉnh phê duyệt dự án, sớm triển khai thực hiện trong năm 2023. Hy vọng rằng sau khi các dự án này hoàn thành, bờ biển Hội An, nguồn tài nguyên quý giá, đời sống và tài sản của người dân trong khu vực sẽ được bảo vệ an toàn.

Thời tiết ngày 14/3: Biển Đông có gió giật cấp 8-9, biển động mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/3, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 6-7; riêng vùng ven biển Ninh Thuận có nơi mạnh trên cấp 7, giật trên cấp 8. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế phổ biến 16-19 độ C. Trên biển, Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động. Sóng biển cao 2-4 m. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động, sóng biển cao 2-3 m. Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2-3 m, biển động; từ ngày 14/3 gió giảm dần.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thời tiết Thủ đô Hà Nội nhiều mây, không mưa, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-26 độ C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời rét. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, có nơi dưới 15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C, có nơi trên 27 độ C. Khu vực phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi; trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3, đêm vùng ven biển cấp 3-4. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C. Các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng; phía Nam có mưa, mưa rào và có nơi có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C; phía Nam 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc có mưa, mưa rào và có nơi có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; cục bộ có mưa vừa, mưa to; phía Nam đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 3; vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật trên cấp 6. Riêng vùng ven biển Ninh Thuận có nơi gió mạnh trên cấp 6, giật trên cấp 7. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, phía Nam có nơi trên 30 độ C. Khu vực Tây Nguyên có mây, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C. Các tỉnh Nam Bộ có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Điểm danh những thương hiệu ôtô mới sắp gia nhập thị trường Việt Nam

Trong năm nay, hàng loạt các hãng xe lớn tên tuổi ở nước ngoài như Skoda, Chery hay BYD đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy và sản xuất xe tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy thị trường ôtô Việt đang rất tiềm năng để các hãng xe toàn cầu mở rộng thị phần và cũng là cơ hội để người tiêu dùng Việt được tiếp cận thêm nhiều loại xe khác nhau.

Skoda

Trên trang thông tin của hãng Skoda tại Việt Nam đã hé lộ bức ảnh cho thấy thời điểm ra mắt chính thức vào tháng 4/2023. Theo thỏa thuận, Skoda Auto sẽ nhập khẩu 6 mẫu xe vào Việt Nam trong năm 2023 với các dòng xe Kodiaq, Karoq, Superb và Octavia. Sự có mặt của những mẫu xe mới mang thương hiệu từ Cộng hòa Séc sẽ giúp khách hàng Việt thêm đa dạng hóa lựa chọn cho nhu cầu mua ôtô của mình.

Hiện tại, nhà máy lắp ráp xe Skoda tại Việt Nam mới bắt đầu được xây dựng tại khu công nghiệp Việt Hưng, Hạ Long. Đây cũng là nơi đặt nhà máy của TC Motor ở mảng công nghiệp phụ trợ. Chính vì thế, những chiếc xe đầu tiên được bán ra sẽ dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc.

Thương hiệu Skoda xuất hiện tại Việt Nam nằm trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa TC Motor và Skoda Auto được ký hôm 7/10/2022 tại Hà Nội. Những chiếc ôtô Skoda đầu tiên của dây chuyền sản xuất tại Việt Nam có thể lăn bánh sớm nhất vào cuối năm 2023.

Skoda là thương hiệu xe phổ thông của Séc và nay thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen. Thương hiệu này có danh tiếng tốt tại châu Âu. Tính đến nay, Skoda đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và doanh số bán hàng toàn cầu trong năm 2022 đạt 731.300 xe. Các dòng xe Skoda sản xuất đa phần là sedan, hatchback, wagon và SUV phổ thông.

Chery

Cuối năm 2022, trong một buổi họp báo trực tuyến, Chery đã xác nhận kế hoạch tham gia thị trường ô tô Việt Nam với Omoda 5 là sản phẩm đầu tiên. Xe dự kiến được phân phối với 3 phiên bản với giá bán từ 699 triệu đồng.

Mẫu Chery Omoda 5 là mẫu SUV c kích thước thuộc phân khúc B tại Việt Nam với chiều dài x rộng x cao lần lượt 4.400x1.830x1.585 (mm) và trục cơ sở dài 2.630mm. Xe sở hữu 2 tùy chọn máy xăng: 1,5L và 1,6L tăng áp với công suất tối đa lần lượt 154 mã lực và 194 mã lực.

Hãng xe Trung Quốc còn thông tin rằng mẫu crossover này sẽ được nội địa hóa tại thị trường Việt Nam từ năm 2024. Chery cũng đang tìm kiếm đối tác để mở nhà máy trong nước đồng thời hãng cũng sẽ tự thiết lập các đại lý tại Việt Nam để kinh doanh sản phẩm của mình.

Chery hiện đang là hãng xuất khẩu ôtô lớn nhất Trung Quốc trong suốt 20 năm (tính đến hết năm 2022). Trong năm 2022, Tập đoàn Chery đã bán được tổng cộng hơn 1,232 triệu chiếc và xuất khẩu ra toàn cầu 451,337 xe ôtô.

Wuling

Mới đây, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh SAIC-GM-Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối dòng xe điện thương hiệu Wuling tại thị trường Việt Nam. Mẫu xe đầu tiên được hãng bán ra chính là HongGuang Mini EV - mẫu ôtô điện mini bán chạy nhất thế giới 3 năm vừa qua.

Dự kiến, xe sẽ được công bố chi tiết và giá bán vào quý II tới và dự kiến ra mắt trong giai đoạn cuối năm nay. Tuy nhiên, mẫu xe này được dự đoán có giá khoảng hơn 200 triệu đồng và kỳ vọng trở thành ôtô “quốc dân” cỡ nhỏ tại Việt Nam.

Theo một số thông tin, hiện nhà máy của TMT Motors cũng đang được nâng cấp thêm để có thể lắp ráp Wuling HongGuang Mini EV, dự kiến công suất có thể đạt 30.000 xe/năm. Ngoài ra, nhà sản xuất Việt Nam đang cân nhắc giới thiệu thêm một số mẫu ôtô điện khác của Wuling trong thời gian tới.

Haima

Cuối tháng Hai, thương hiệu Trung Quốc Haima đã chính thức trở lại thị trường Việt Nam sau thời gian kinh doanh không thành công trước đây. Thông qua nhà phân phối mới có tên là Carvivu, 3 mẫu xe có tên là S8, 7X và 7X-E của Haima đã được giới thiệu đến khách hàng trong nước.

Tuy nhiên, nhà phân phối trên cho biết đơn vị sẽ chỉ nhập khẩu và kinh doanh các dòng xe Haima, không đề cập đến việc sản xuất hoặc lắp ráp chính thức tại thị trường Việt Nam. Nhưng trong danh mục sản phẩm của hãng sẽ gồm cả xe xăng và xe điện.

Trong số xe sắp bán tại Việt Nam, 7X-E là mẫu xe thuần điện được trang bị cụm pin dung lượng 73,7kWh cùng khối động cơ điện công suất tối đa 201 mã lực cho quãng đường di chuyển cao nhất đạt 510km/một lần sạc. Mẫu 7X cũng là phân khúc MPV tương tự 7X-E nhưng sử dụng động cơ xăng với 2 tùy chọn gồm động cơ 1.5 Turbo công suất 162 mã lực. Còn lại, S8 là mẫu xe thuộc phân khúc C-SUV với phần đầu có thiết kế khá giống với mẫu Hyundai Santa Fe. Giá của cả 3 mẫu xe tại Việt Nam đều chưa được công bố.

Tại Trung Quốc, doanh số của Haima đang bị cạnh tranh bởi nhiều thương hiệu mạnh khác. Doanh số bán hàng của Haima trong năm 2022 đạt 13.371 xe, trong đó mẫu MPV 7X và SUV S8 tiêu thụ được lần lượt là 6.844 và 927 xe dù giá bán tại Trung Quốc của 2 mẫu xe này khá rẻ./.

BYD

Vào đầu năm 2023, thị trường ôtô Việt Nam bất ngờ trước thông tin BYD - nhà sản xuất xe năng lượng mới (NEV) lớn nhất thế giới - dự định xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện tại Việt Nam.

Thực tế, nhà máy này sẽ sản xuất linh kiện để cung cấp cho nhà máy lắp ráp ôtô điện tại Thái Lan. Tuy nhiên, BYD cũng không loại trừ khả năng gia nhập thị trường Việt Nam với các mẫu xe điện nhập khẩu nhưng vẫn phải chờ đánh giá của hãng vể thị trường trong nước.

Trước đây, BYD cũng từng đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho 2 mẫu xe tại Việt Nam, trong đó 1 mẫu là Destroyer 05 - sedan hybrid đang được hãng bán tại Trung Quốc và 1 mẫu là Cruiser 05 - SUV cỡ C hiện chưa chính thức bán ra thị trường. Đây chính là bước đầu cho việc kinh doanh ôtô của BYD tại Việt Nam trong tương lai.

BYD là nhà sản xuất Trung Quốc chuyên về các dòng ôtô hybrid và xe thuần điện. Tương tự Tesla, BYD cũng kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả việc sản xuất pin. Bằng cách đầu tư vào Việt Nam, hãng xe này đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất bên ngoài thị trường Trung Quốc./.

Cảnh báo mạo danh doanh nghiệp lớn gửi mail lừa đảo tuyển dụng

Thời gian gần đây, nhiều người bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn của đối tượng mạo danh nhân viên tuyển dụng của các doanh nghiệp thương hiệu lớn, gọi điện tuyển dụng lừa đảo.

Chị Ph. vừa mới nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của tập đoàn VNPT, cho biết, do thấy CV của chị Ph. trên trang tìm việc phù hợp, nên gọi điện liên hệ. Sau đó người này giới thiệu một bạn nữ khác, nói chị Ph. liên hệ để nhận thư mời phỏng vấn. Liên lạc với nhân viên nữ, chị Ph. được yêu cầu liên hệ qua Telegram và được gửi hình ảnh chụp màn hình công việc đăng trên web tìm việc để yêu cầu xác nhận thông tin, đồng thời được yêu cầu tham gia buổi kiểm tra đầu vào. Nhân viên nữ này cũng hứa hẹn rất nhiều "phúc lợi" với công việc nới, đặc biệt là được hỗ trợ lương dù chưa là nhân viên chính thứ. Sau đó, chị Ph. nhận được thư mời phỏng vấn qua mail với nhiều điểm đang ngờ… Chị Ph. đã kiểm tra lại thông tin trên website của VNPT thì phát hiện ra thông tin không trùng khớp. Tình trạng giả nhân viên tuyển dụng doanh nghiệp để lừa đảo ngày càng phổ biến, với mục tiêu chiếm đoạt chỉ mail, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân… Đại diện VNPT cho biết, hiện VNPT nhận được nhiều thông tin phản hồi về việc nhiều trang thông tin/cá nhân/tổ chức mạo danh Tuyển dụng VNPT gửi thông tin tuyển dụng tới ứng viên. Để ứng viên không bị nhầm lẫn và bị các đối tượng xấu lừa đảo, VNPT đã ghim các kênh thông tin tuyển dụng chính thống của Tập đoàn VNPT tại vebsite: https://tuyendung.vnpt.vn/.

Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình hầu tòa trong vụ án thứ 4

Ngày 14/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB). Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình và 7 đồng phạm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 1999.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2007 đến 2013, với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị và Chủ tịch hội đồng tín dụng DAB, biết rõ nhóm Công ty M&C không có khả năng tài chính để chi trả cho hoạt động kinh doanh và trả nợ cho DAB nhưng Trần Phương Bình vẫn thống nhất cho Phùng Ngọc Khánh (Công ty cổ phần M&C) lập hồ sơ khống, dùng pháp nhân nhiều công ty không đủ điều kiện để vay vốn của DAB, sử dụng tiền vay để trả nợ và DAB bảo lãnh thanh toán trái phiếu trái quy định của pháp luật. Trần Phương Bình đã bàn bạc, thống nhất với ông Khánh tổ chức lập khống hồ sơ và phương án kinh doanh để vay vốn của DAB; chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài và các bị cáo nguyên là cán bộ DAB không thẩm định hồ sơ vay, tài sản đảm bảo, lập tờ trình đề nghị phê duyệt cho 5 công ty trong nhóm M&C vay tiền. Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Văn Thuận, Vũ Thị Thanh Hoa, Nguyễn Chí Công, Trần Hoài Ân thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, cho nhóm M&C vay trái quy định của pháp luật gây thiệt hại hơn 5.518 tỉ đồng (gồm: 1.826 tỉ đồng tiền gốc và 3.691 tỉ đồng tiền lãi). Là Tổng giám đốc DAB giai đoạn 1998 - 2015, trong quá trình quản lý điều hành DAB từ năm 2007 đến 2013, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến việc DAB có 7.960 tỉ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỉ đồng là nợ không có khả năng thu hồi. Vụ án đã được các cơ quan tố tụng giải quyết hai giai đoạn, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã bị truy tố, xét xử và tuyên phạt về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Trần Phương Bình đã bị tuyên phạt hai bản án tù chung thân và một bản án 10 năm tù đều liên quan đến sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB. Vụ án này là vụ án thứ 4, Trần Phương Bình bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến DAB.

  1. Quảng Ngãi, Kon Tum liên tiếp xảy ra động đất

Ngày 14-3, Viện Vật lý địa cầu phát đi thông báo liên tiếp ghi nhận các trận động đất tại tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum. Vào lúc 2 giờ 27 phút 2 giây sáng nay 14-3, một trận động đất có độ lớn 2.5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.966 độ vĩ Bắc, 108.469 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, tại khu vực huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Giáp với tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 4 trận động đất chỉ trong 2 ngày. Trận gần nhất xảy ra lúc 6 giờ 25 phút 19 giây hôm nay, có độ lớn 3.1 độ Richter, tại vị trí có tọa độ (14.864 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, thuộc khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trong ngày 13-3, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận 3 trận động đất với cường độ từ 2.8 đến 2.9 độ Richter, độ sâu chấn tiêu cùng khoảng 8.1 km, rủi ro thiên tai cấp độ 0. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận gần 500 trận động đất. Trận lớn nhất mạnh 4,7 Richter. Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 18-2, tại khu vực này cũng đã xảy ra 36 trận động đất. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 8 trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông). Trong đó có 5 trạm được chủ đầu tư hai thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, 3 trạm còn lại do Viện Vật lý địa cầu thực hiện. Các trạm này đang vận hành bình thường.

Đồng Nai: Bắt đối tượng truy nã sau hơn 3 năm lẩn trốn

Ngày 13/3, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Công an xã An Viễn, huyện Trảng Bom, đã phối hợp với Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Nai, bắt giữ đối tượng truy nã Cao Văn Huỳnh (50 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) về tội trộm cắp tài sản. Trước đó, ngày 15/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Cao Văn Huỳnh về tội trộm cắp tài sản, nhưng đối tượng không chấp hành và bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 17/7/2020, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định truy nã đối với Cao Văn Huỳnh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sáng 13/3, Công an xã An Viễn phát hiện đối tượng Huỳnh trở về địa phương nên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bắt giữ. Hiện nay, đối tượng Cao Văn Huỳnh đã được Công an xã An Viễn bàn giao cho Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Núi lửa Nyamuragira ở CHDC Congo 'thức giấc' sau hơn 10 năm

Ngày 13/3, đài quan sát núi lửa Goma ghi nhận núi lửa Nyamuragira ở miền Đông CHDC Congo đã hoạt động trở lại tối cùng ngày. Chính phủ nước này thông báo hiện tại chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào. Theo đó, đài quan sát đã phát hiện lửa bốc lên trên đỉnh núi lửa Nyamuragira vào khoảng 18h chiều 13/3 theo giờ địa phương. Dữ liệu địa chấn cho thấy magma đang di chuyển dưới lòng đất nông về phía miệng núi lửa. Theo cơ quan này, nếu những hoạt động trên dẫn tới nham thạch tuôn trào ra sườn núi thì nhiều khả năng sẽ chảy về hướng Vườn quốc gia Virunga. Tuy nhiên, hiện người dân sinh sống dưới chân núi nên bình tĩnh và duy trì sinh hoạt bình thường. Trong khi đó, Tỉnh trưởng Bắc Kivu Constant Ndima cũng cho biết dù núi lửa Nyamuragira đã bắt đầu hoạt động nhưng hiện không gây nguy hiểm cho người dân. Núi lửa Nyamuragira nằm ở độ cao 3.058m so với mực nước biển, phun trào lần gần đây nhất là vào năm 2011. Đây là núi lửa có tần suất hoạt động nhiều nhất ở châu Phi. Từ năm 1865-2011, núi lửa này phun trào 43 lần, trung bình mỗi đợt phun trào cách nhau 3,5 năm. Trong đợt phun trào hồi tháng 2/2010, nham thạch từ núi lửa chảy dài gần 34 km về phía Nam và Tây Nam của núi lửa, đe dọa hệ sinh thái của Vườn quốc gia Virunga, làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại mùa màng, vật nuôi của người dân sống xung quanh.

Colombia thu giữ 3 tàu bán ngầm chuyên vận chuyển ma túy

Thông tin từ tình báo quân đội cho thấy những chiếc tàu ngầm này thuộc về các lực lượng có tên gọi Bộ Tư lệnh Segunda Marquetalia và Bộ chỉ huy điều phối phương Tây.

Theo phóng viên báo chí tại Nam Mỹ, ngày 13/3, chính quyền Colombia thông báo quân đội nước này vừa thu giữ 3 chiếc tàu ngầm bán chìm chuyên dùng để vận chuyển ma túy. Theo Bộ Quốc phòng Colombia, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 4 đã phát hiện và thu giữ 3 chiếc tàu ngầm nói trên trong một chiến dịch bài trừ ma túy tại tỉnh Nariño giáp biên giới với Ecuador. Thông tin từ tình báo quân đội cho thấy những chiếc tàu ngầm này thuộc về các lực lượng có tên gọi Bộ Tư lệnh Segunda Marquetalia và Bộ chỉ huy điều phối phương Tây. Bộ Quốc phòng Colombia cũng cho biết Hải quân nước này và lực lượng phòng, chống ma túy biên phòng cũng đã thu giữ tổng cộng 4,6 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy tại khu vực ven biển Thái Bình Dương và tại tỉnh Santa Marta phía Bắc Colombia./.

Tác động của vụ SVB phá sản đối với hệ thống tài chính Brazil, Argentina

Ngày 13/3, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad đưa ra nhận định việc ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ phá sản là “nghiêm trọng”, tuy nhiên vụ phá sản này sẽ không dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu, cũng như không gây ra tác động quá lớn lên nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này. Bộ trưởng Haddad cho biết ông đưa ra nhận định trên sau cuộc gặp với đại diện của các ngân hàng thương mại lớn nhất cũng như với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB), Roberto Campos Neto, để tìm hiểu về các rủi ro lên nền kinh tế trước sự phá sản của SVB. Ngoài ra, ông Haddad đánh giá các biện pháp do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tránh tình trạng tháo chạy vốn nói chung là "tích cực", mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Kinh tế Brazil nhấn mạnh những thông tin được tiết lộ cho đến nay "không đủ để đo lường quy mô của vấn đề". Tính đến nay, vụ SVB phá sản cũng như sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ là Signature Bank không tác động quá nhiều trên Sàn giao dịch chứng khoán Sao Paulo. Sau khi thông tin Signature Bank phải đóng cửa được công bố ngày 12/3, chỉ số giao dịch của sàn Sao Paolo giảm 0,45%. Trái ngược với Brazil, những tác động từ vụ SVB phá sản được cảm nhận rõ ràng hơn tại quốc gia láng giềng Argentina. Tại thời điểm cuối giờ chiều ngày 13/3 (giờ địa phương), chỉ số S&P Merval tại sàn giao dịch cổ phiếu Buenos Aires lớn nhất Argentina đã sụt giảm 2,04%. Cùng với đó, trái phiếu chính phủ Argentina cũng chịu tác động mạnh. Rủi ro nợ quốc gia của Argentina đã tăng vọt 6,5% lên mức 2.350 điểm cơ bản trước những lo ngại về rủi ro hệ thống tài chính. Người đứng đầu bộ phận giao dịch vốn cổ phần tại công ty Adcap Grupo Financiero có trụ sở ở Buenos Aires, Santiago Ruiz Guiñazú, nhấn mạnh tình hình hiện tại “có vẻ” như đang được kiểm soát, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Hiện Chính phủ Argentina đang theo dõi sát sao các tác động từ vụ SVB phá sản lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong nước. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Argentina đã sụt giảm trung bình 1,54% trong vài ngày gần đây.