Quảng Nam: Xe đầu kéo và xe khách tông nhau, ít nhất 8 người tử vong

Sáng 14-2, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người chết.

Theo thông tin ban đầu, lúc 3 giờ 55 cùng ngày, tại ngã tư giao nhau cùng mức giữa đường ĐT619 và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp thuộc Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam, xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô khách BKS 76B-006.60 (chưa xác định tài xế và hướng lưu hành) chở theo nhiều người và xe ô tô đầu kéo BKS 92H-004.33, kéo theo rơ moóc 92R-004.69 do ông Trần Minh Nhật (sinh năm 1982, trú tại Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam), điều khiển lưu hành theo hướng cầu vượt Trường Hải - cảng Tam Hiệp. Nhận được thông tin, Trung tâm cấp cứu 115 của tỉnh Quảng Nam và cấp cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam có mặt tại hiện trường để cấp cứu nạn nhân. Hậu quả vụ va chạm khiến 2 xe hư hỏng nặng, 6 người chết tại chỗ, 2 chết khi trên đường đi cấp cứu. Ngay sau vụ tai nạn, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có mặt để chỉ đạo các lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.

Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Một số hợp đồng giấy in SGK chênh lệch hàng trăm tỷ

Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng đã trúng thầu hơn 83,1% số lượng giấy của NXB Giáo dục Việt Nam, tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng. Kiểm tra xác suất một số hợp đồng, cơ quan chức năng phát hiện giá giấy mà công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp 1,7 lần giá nhập khẩu, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam và bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng để phục vụ điều tra và hai người khác để phục vụ điều tra những sai phạm xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Thái và các bị can bị khởi tố về các tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Thái đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục cùng thuộc cấp thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận, xác định trong giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng.

Khi tiến hành kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in cho NXB, cơ quan chức năng phát hiện, giá giấy in của Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng bán cho NXB cao bình quân gấp 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).

Cơ quan thanh tra cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm “bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, NXB bán 3 loại giấy in có mức thuế suất thuế GTGT đầu vào là 5% cho các nhà thầu trúng thầu in SGK, nhưng NXB tính chung vào với mức thuế của dịch vụ in SGK có thuế suất thuế GTGT là 10%. Điều này dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011 cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 14,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước và sau năm 2014 đến nay, NXB chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể để, phân bổ chi phí chung không đúng tỷ lệ doanh thu của SGK trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho SGK cao hơn so với số liệu thực tế số tiền gần 70 tỷ đồng. Điều này dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011 cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền gần 70 tỷ đồng.

Không những thế, giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có sai sót. Phần sai sót này cũng dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK cao hơn giá phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, “NXB là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh SGK đối với SGK được biên soạn, gia đình học sinh phải mua SGK theo giá ấn định trên bìa sách.

Như vậy, NXB có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (giá SGK được NXB đăng ký giá từ năm 2011), có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK”.

Cùng với việc chỉ ra các sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo giai đoạn từ 1/1/2014 - 31/12/2018, cơ quan chức năng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách từng thời kỳ.

Sài Gòn FC, CLB Cần Thơ không dự giải Hạng Nhất 2023

CLB Cần Thơ và Sài Gòn FC là 2 đội bóng sẽ không tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2023. Suất dự giải của Sài Gòn FC được chuyển giao cho một địa phương khác sau khi mức giá được các bên liên quan thống nhất. Đội bóng này xem như giải thể bởi tất cả các cầu thủ đều được thanh lý hợp đồng sau khi họ phải xuống hạng ở mùa giải năm ngoái.

Đây là điều đáng tiếc với thầy trò HLV Phùng Thanh Phương bởi họ từng được hứa hẹn về một kế hoạch đầu tư dài hơi với mức chi lên dến hơn 170 tỷ đồng/năm. Nhưng biến cố xảy ra với nhà tài trợ chính khiến cho Sài Gòn FC không thể đứng vững dù có thời điểm tưởng chừng như họ đã trụ lại V-League.

Trong khi đó, tình cảnh của CLB Cần Thơ còn tồi tệ hơn. Suốt mùa giải 2022, đội bóng miền Tây liên tục rơi vào tình cảnh nợ lương, nợ nhiều khoản chi phí khác nhau dù cũng được hứa hẹn đầu tư bởi một nhóm cổ đông, trong đó có ông Nguyễn Đắc Văn làm chủ tịch đội bóng. Tuy nhiên, nguồn tiền chỉ được duy trì trong phân nửa mùa giải trước khi khó khăn ập đến.

Sau đó, bằng nhiều biện pháp khác nhau, CLB Cần Thơ về đích an toàn và thanh toán những khoản nợ cuối cùng cho các cầu thủ, ban huấn luyện. Tuy nhiên, việc tìm ra nguồn tài chính cho mùa giải 2023 không được như dự kiến. CLB Cần Thơ không đăng kí dự giải hạng Nhất Quốc gia và sẽ phải chấp nhận chuyển xuống chơi ở giải hạng 3 mùa giải 2024.

Như vậy, tính cho đến thời điểm này, bóng đá miền Tây không còn bất kì đại diện nào thi đấu ở 2 hạng chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Sẽ cần nhiều thời gian và cả nguồn lực để khu vực Tây Nam Bộ có thể phát triển bóng đá và sớm tìm lại ánh hào quang xưa với những cái tên từng "đình đám" như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ hay Đồng Tháp.

Một hành khách để quên gần 1,2 tỉ đồng tại sân bay Nội Bài

Được biết, chiều 13/02/2023, một vị khách đã để quên chiếc túi đựng tiền mặt lên đến gần 1,2 tỉ đồng tại khu vực hạn chế đến, sảnh B, Nhà ga hành khách T1 thuộc Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài. Trong lúc làm nhiệm vụ kiểm soát an ninh, anh Nguyễn Đức Tuệ - nhân viên Đội An ninh trật tự ga quốc nội phát hiện một chiếc túi màu đen, hiệu Tommy Hilfiger để quên trên sàn, cạnh băng chuyền số 2.

Ngay sau đó, anh Nguyễn Đức Tuệ đã báo cho cán bộ trực Đội và triển khai kiểm tra vi vết chất nổ, soi chiếu an ninh và lập biên bản kiểm tra theo quy định. Khi kiểm tra, bên trong chiếc túi có chứa 2.390 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng (tương đương 1,195 tỉ đồng) và một số đồ dùng cá nhân khác.

Ít lâu sau đó, một vị khách đã đến liên hệ và được hỗ trợ nhận lại tài sản. Qua xác minh, vị khách bỏ quên tài sản là anh Trần Văn A. đã đi trên chuyến bay VN158 DAD-HAN từ TP. Đà Nẵng về Nội Bài (Hà Nội).

Tại thời điểm máy bay hạ cánh, anh A. cùng người nhà chờ lấy hành lý ký gửi ở băng chuyền số 2 - Nhà ga hành khách T1. Tuy nhiên, trong lúc lấy hành lý ký gửi, anh A. đặt tạm chiếc túi xách tay trên sàn nhà ga, ngay cạnh băng tải. Sau khi chất hành lý ký gửi lên xe đẩy, anh A. và người nhà vội vã ra cửa để về Hà Nội và vô tình để quên chiếc túi.

Khi đến Hà Nội, anh A. và người nhà đi ăn trưa rồi về khách sạn. Lúc này anh A. mới nhận ra mình để quên chiếc túi. Anh A. vội vàng lên mạng tra tìm số điện thoại hotline của Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài. Buổi chiều cùng ngày, anh A. và người nhà đã có mặt tại phòng trực Đội An ninh trật tự ga quốc nội (Sân bay Nội Bài) để nhận lại tài sản để quên.

Nghệ An: Điều tra nguyên nhân 5 người ngộ độc sau bữa rượu

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, các y bác sĩ đang tích cực cấp cứu, điều trị cho 5 nạn nhân nghi ngộ độc rượu; trong đó ba người đã tỉnh, hai người đã được lọc máu cấp cứu và theo dõi tích cực.

Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm rõ nguyên nhân vụ việc. Ngay trong tối 13/2, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cử cán bộ lấy 11 mẫu thực phẩm và rượu để kiểm nghiệm. Trước đó, vào lúc 17 giờ ngày 13/2 tại nhà ông H.D.Đ (67 tuổi, xóm 7, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tổ chức ăn uống. Bữa ăn có 5 khách cùng ở xã Quỳnh Thạch. Các món ăn gồm cá khô, bánh đa, cam, bánh kẹo và rượu. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, 5 khách xuất hiện triệu chứng nôn mửa, tím tái mặt mày, sùi bọt mép và co giật nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân ban đầu là các nạn nhân bị ngộ độc rượu. Sau khi cấp cứu, nhận thấy cả 5 người có chuyển biến nặng, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu đã chuyển các nạn nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục cấp cứu và điều trị. Những thực phẩm trong bữa ăn (ngoại trừ rượu) được gia đình ông H.D.Đ sử dụng trước đó không ghi nhận biểu hiện bất thường.

Đề nghị phạt cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ 9-10 năm tù

Ngày 14-2, TAND TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ. Hai cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ là bà Bùi Thị Lệ Phi và ông Cao Minh Chu, chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group Hoàng Thị Thúy Nga và 17 bị cáo khác bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi vào phần tranh luận, đại diện VKS đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo. VKS cáo buộc bị cáo Nga dùng lợi ích vật chất mua chuộc cán bộ, lợi dụng mối quan hệ với ông Võ Thành Thống để tiếp cận lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ để đạt được mục đích trúng bốn gói thầu. Hành vi của tất cả các bị cáo đi ngược lại quy trình đấu thầu, vi phạm quy định đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 33 tỉ đồng. Trong đó, hai bị cáo Nga, Phi có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo Chu có vai trò thực hành, giúp sức. Các bị cáo còn lại cũng có hành vi giúp sức. Theo VKS, quá trình điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa, mặc dù các bị cáo chối bỏ hành vi đưa, nhận tiền nhưng VKS có đủ căn cứ xác định việc bị cáo Phi nhận 3,2 tỉ đồng và bị cáo Chu nhận 200 triệu đồng của Hoàng Thị Thúy Nga. Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phi, Nga cùng mức án 9-10 năm tù; bị cáo Chu 8-9 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị 2-6 năm tù.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu của Tập đoàn FLC

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM sáng ngày 14/2 có công bố thông tin về việc hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC.

Cụ thể, ông Trần Anh Đào - Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 13/2 đã ký quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 20/2/2023.

Lý do được đưa ra trong văn bản là vì Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Tình huống này thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1, Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Hiện tại FLC vẫn chưa có phản hồi về sự việc này.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trước đó Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã có văn bản nhắc nhở FLC về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2022. Thậm chí, tính tới thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Vì chưa có báo cáo tài chính soát xét và báo cáo thường niên năm 2021, doanh nghiệp này vẫn chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022. Do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin, cổ phiếu FLC cũng đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9/2022. Ở một diễn biến khác, vào 8h sáng ngày 4/3/2023 tới đây tại Tòa nhà Bamboo Airways, 265 đường Cầu Giấy, TP Hà Nội, FLC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2. Danh sách cổ đông tham dự vẫn lấy theo danh sách chốt ngày 4/2/2023 vừa qua. Những nội dung quan trọng mà FLC dự kiến trình cổ đông tại đại hội lần này là việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT với ông Đặng Tất Thắng và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 tổ chức ngày 5/2, dù đã lùi giờ tổ chức đại hội thêm 30 phút để chờ đủ số lượng cổ đông tham dự, tính đến thời điểm khai mạc đại hội, tổng số cổ đông tham dự của FLC chỉ có 103 cổ đông. Trong đó có 71 cổ đông trực tiếp và 32 cổ đông ủy quyền, đại diện cho trên 228 triệu cổ phần, chiếm xấp xỉ 32% vốn điều lệ.

TPHCM: Thanh tra đột xuất Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders

Sáng 14-2, thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sở này đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất các chi nhánh thuộc Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders sau khi có phản ánh của phụ huynh về việc không hoàn trả học phí cho người học.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, sở này đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra đột xuất Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders sau khi có đơn tố cáo của phụ huynh về hoạt động dạy học của hệ thống này. Song song đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ mời đại diện Trung tâm này lên làm việc để giải trình những nội dung phụ huynh tố cáo và đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Tính đến tháng 2-2023, Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders có 41 cơ sở tại TPHCM nhưng chỉ còn một địa điểm đang hoạt động, các cơ sở còn lại đã đóng cửa. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức dạy và học nên Sở GD-ĐT TPHCM sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến chuyên môn, những vấn đề khác có dấu hiệu lừa đảo sẽ chuyển cơ quan chức năng để xử lý, trong đó có vấn đề liên quan học phí bởi thuộc về giao dịch dân sự, không thuộc thẩm quyền của ngành giáo dục.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có ý kiến và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi người học.

Trước đó, nhiều phụ huynh có con đang học tại Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đã gửi đơn cầu cứu đến báo chí và Sở GD-ĐT TPHCM sau khi nhiều chi nhánh của hệ thống này cắt đứt liên lạc, không hoàn trả học phí dù đã quá hạn cam kết.

Miền Bắc mưa lạnh trước khi tiếp tục nồm ẩm, miền Trung đón đợt mưa dài ngày

Sáng nay (14/2), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hết khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 9.

Dự báo ngày và đêm nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 6. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong sáng nay, các tỉnh miền Bắc, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa rào rải rác. Dự báo từ chiều nay, mưa sẽ giảm ở miền Bắc và Thanh Hóa, đồng thời mở rộng ra các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Dự báo đợt mưa này ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ kéo dài từ hôm nay đến 16/2, cục bộ một số khu vực xuất hiện mưa vừa đến mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Sau đó từ ngày 17-22/2, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác. Cơ quan khí tượng nhận định, trong tháng 2 năm nay, khu vực này có lượng mưa nhiều hơn so với trung bình các năm trước từ 20-30mm, có nơi trên 30mm.

Cảnh sát khám nhà Giám đốc và nhân viên Công ty CP đăng kiểm Bắc Kạn

Ngày 14-2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can tại Công ty cổ phần đăng kiểm Bắc Kạn - 9701D về hành vi nhận hối lộ. Các đối tượng gồm: Trần Đức Dương (SN 1970), chức vụ Giám đốc; Hoàng Huy Trường (SN 1986), Phó Giám đốc; Phạm Hồng Chính (SN 1963), Đăng kiểm viên; Hoàng Văn Bường (SN 1991), Đăng kiểm viên; Hoàng Ngọc Hải (SN 1985), nhân viên. Theo kết quả điều tra ban đầu, Trần Đức Dương với vai trò Giám đốc trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022 đã chỉ đạo nhân viên Công ty nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng khi thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cơ quan Công an đã bắt tạm giam 4 đối tượng gồm: Trần Đức Dương, Hoàng Huy Trường, Hoàng Văn Bường và Hoàng Ngọc Hải; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Hồng Chính. Trước đó cơ quan CSĐT đã tiến hành khám nhà các đối tượng liên quan, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật...