Sơn La: Mưa đá, gió lốc và sét gây nhiều thiệt hại ở xã Chiềng Khay

Tin 24h 29/3/2024
Mưa to kèm theo mưa đá tại xã Chiềng Khay.

Trận mưa to, gió lốc, kèm theo sét, mưa đá xảy ra khoảng từ 6 giờ 15 phút đến 7 giờ 20 phút, đã gây thiệt hại tại bản Nặm Ngùa, khiến 1 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 1 nhà bán kiên cố rộng khoảng 32m2 bị đổ nghiêng.

Tại bản Có Luông, có 1 hộ có nhà bị tốc mái hoàn toàn, 1 hộ sập đổ nhà bếp.

Tại bản Lọng Ố, có 1 hộ bị tốc mái hoàn toàn nhà bếp và một góc nhà chính.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Chiềng Khay có 7 hộ dân có nhà bị tốc một phần mái nhà; có 4 con bò bị sét đánh chết; khoảng 10ha lúa chiêm xuân bị ảnh hưởng.

Mưa lớn cũng gây sạt lở, bồi lấp khoảng 70m3 đất đá tại 3 điểm từ bản Có Nọi đến trung tâm xã Chiềng Khay; tuyến đường từ trung tâm xã Chiềng Khay đi bản Ít Ta Bót bị bồi lấp tại 1 điểm, khoảng 25m3, gây tắc nghẽn và ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai Cầm Văn Huy cho biết sau khi xảy ra vụ việc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện đã cử lực lượng xuống xã để nắm bắt tình hình, tổ chức khắc phục hậu quả.

Các đơn vị đang huy động nhân lực, phương tiện, máy móc để hỗ trợ nhân dân sớm ổn định chỗ ở; san gạt những điểm bị sạt lở, bồi lấp, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giao thông đi lại được thuận tiện.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Sơn La hầu hết các huyện, thành phố có mưa vừa, mưa to đến rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Những điều cần biết về lỗi xe không chính chủ năm 2024

Mượn xe người thân, bạn bè,… chạy trên đường thì có bị CSGT xử phạt lỗi xe không chính chủ không? Mức phạt của lỗi này là bao nhiêu?

1. Lỗi xe không chính chủ là gì?

Lỗi xe không chính chủ là thuật ngữ mà người dân hay gọi để chỉ lỗi Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

(Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

2. Trường hợp nào bị phạt lỗi xe không chính chủ?

Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt

10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Như vậy, người dân chỉ bị phạt lỗi không chính chủ khi bị phát hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông hoặc thông qua công tác đăng ký xe. Còn khi CSGT dừng xe để kiểm tra giấy tờ, xử phạt lỗi giao thông thì người dân sẽ không bị kiểm tra về lỗi xe không chính chủ.

3. Mức phạt lỗi xe không chính chủ năm 2024

- Mức phạt lỗi xe không chính chủ đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:

+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nếu chủ xe là tổ chức.

- Mức phạt lỗi xe không chính chủ đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

(Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

4. Mượn xe người thân, bạn bè,…có bị phạt lỗi xe không chính chủ không?

Lỗi xe không chính chủ là là lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Như vậy, khi mượn xe người thân, bạn bè,…để chạy trên đường thì sẽ không bị phạt lỗi xe không chính chủ.

5. Lưu ý khi mượn xe người thân, bạn bè,…tham gia giao thông

Mặc dù khi khi mượn xe người thân, bạn bè,…để chạy trên đường thì sẽ không bị phạt lỗi xe không chính chủ. Tuy nhiên, khi chạy xe của người thân, bạn bè,… thì người điều khiển phương tiện phải lưu ý mang theo những giấy tờ sau:

- CCCD/CMND của người đang điều khiển phương tiện.

- Giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) của xe mình đang chạy.

- Giấy phép lái xe của người đang điều khiển phương tiện.

- Bảo hiểm xe bắt buộc.

- Giấy chứng nhận đăng kiểm đối với ô tô.

Cô gái bị tạt nước ớt vào mặt vì nói xấu bạn trên mạng xã hội

Ngày 29-3, Công an phường Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã mời Nguyễn Hà Tường V (sinh năm 2006) và Nguyễn Minh K (sinh năm 2009) lên làm việc vì liên quan đến vụ tạt nước ớt vào mặt một cô gái.

Người bị tạt nước ớt vào mặt là chị Nguyễn Thị Thu H, đang làm nhân viên cho một quán trà sữa tại phường Chánh Nghĩa

Tại cơ quan công an, V khai nhận do chị H đã đăng tải hình ảnh của V lên mạng xã hội rồi nói xấu người này, nên V bực tức rồi làm vậy để trả thù.

Tối 26-3 V cắt nhỏ ớt bỏ vào một ly nước rồi nhờ K chở mình đến quán trà sữa nơi chị H đang làm việc. Khi đến quán V và K ngồi trên xe máy đứng ngoài đường, rồi gọi mua một ly trà sữa.

Khi chị H đưa ly trà sữa giao cho hai người này thì bất ngờ V dùng ly nước có bỏ ớt, tạt vào mặt chị H. Sau đó, hai người nhanh chóng bỏ chạy.

Sau đó, chị H đã trình báo sự việc cho Công an phường Chánh Nghĩa.

Vụ án nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Người vị thành niên phạm tội bị xử lý ra sao?

Liên quan tới vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não tại Hà Nội, bị can T.V.M (sinh năm 2008, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: “Bị can mới 16 tuổi, là người chưa thành niên và nếu bị kết án về tội danh trên, sẽ được hưởng mức hình phạt thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội”.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, bị can đang bị khởi tố và bắt tạm giam về Tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134 Bộ Luật hình sự - BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này, hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, trong vụ án này, nạn nhân N.H.Đ, quận Long Biên bị đánh dẫn tới bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao mới có 14 tuổi, nên bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” theo điểm c Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Với các tình tiết trên, dù nạn nhân có bị chết hay không, bị can vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với tình tiết định khung tại điểm a hoặc điểm d của Khoản này”, luật sư Hùng phân tích.

Đó là, tại điểm a) Làm chết người hoặc d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS và có khung hình phạt quy định là phạt tù từ 7 năm đến 14 năm.

"Tại Khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định”, luật sư Hùng phân tích.

Đối với trách nhiệm dân sự, tại Khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự quy định: “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại, phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường, cha, mẹ sẽ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên nêu.

Với vụ án này, do bị can đã 16 tuổi nên sẽ phải bồi thường cho nạn nhân bằng tài sản của mình (nếu có). Nếu bị can không đủ tài sản hoặc không có tài sản để bồi thường, cha, mẹ của bị can phải bồi thường phần còn thiếu hoặc toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình.

Mặc dù cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can, nhưng giới luật sư cho rằng: Đây mới chỉ là những kết quả điều tra ban đầu. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ còn phải tiếp tục điều tra, xác minh để làm rõ các tình tiết khách quan và các vấn đề cần phải chứng minh của vụ án theo quy định pháp luật như: Nguyên nhân, diễn biến của vụ án, ngoài bị can còn có đồng phạm khác tham gia xúi giục, giúp sức hoặc trực tiếp đánh, gây thương tích cho nạn nhân hay không?...

"Vì vậy, toàn bộ sự thật khách quan của vụ án cũng như trách nhiệm pháp lý của bị can và những người có liên quan (nếu có) là ra sao sẽ còn phải đợi vào kết luận cuối cùng của cơ quan cảnh sát điều tra, cũng như kết quả truy tố và xét xử vụ án", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt là trách nhiệm của người bố bị can (ông T.V.T) trong vụ án này. Mặc dù biết được sự việc mâu thuẫn giữa các em nhưng ông T.V.T đã không có những hành động phù hợp và cần thiết để giải quyết một cách đúng đắn cũng như kịp thời ngăn chặn việc các em đánh nhau.

“Đây sẽ là bài học lớn cho tất cả chúng ta trong việc lựa chọn cách ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn, va chạm của con trẻ, để có thể tránh được những hậu quả không đáng có và hết sức đau lòng như trong vụ án này”, luật sư Nguyễn Đức Hùng chia sẻ.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (người nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân N.H.Đ), vụ việc đau thương đã được mọi người trong xã hội rất quan tâm. Những hình ảnh đau thương của cháu đã khiến mọi người rất thương xót và ngay bản thân luật sư Thơm cũng không cầm được nước mắt khi thấy cháu N.H.Đ đang trong tình trạng duy trì sự sống từng giờ.

“Các nội dung cụ thể vụ án, sau này trên cơ hồ sơ, chúng tôi sẽ có những quan điểm, nhận định để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại. Nếu có căn cứ xác định bỏ lọt tội phạm, hành vi phạm tội, tôi sẽ kiến nghị theo đúng quy định pháp luật. Theo cơ quan điều tra, đây là quyết định tố tụng ban đầu, nếu trong quá trình điều tra có những tình tiết khác làm thay đổi bản chất vụ việc sẽ thay đổi việc xử lý đối tượng về tội danh khác”, luật sư Nguyễn Anh Thơm chia sẻ.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối với bị can phạm tội đang ở lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội "rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng" theo Điều 12 BLHS. Khoản 4 Điều 134 BLHS có khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm là loại Tội "rất nghiêm trọng". Do đó luật sư Thơm khẳng định: Đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Tai nạn xe buýt tại Nam Phi khiến 45 người thiệt mạng

Tin 24h 29/3/2024
Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng ít nhất 45 người và làm nhiều người khác bị thương nặng.

Ngày 28/3 (giờ địa phương), một vụ tai nạn xe buýt tại tỉnh Limpopo nằm ở phía Đông Bắc Nam Phi đã cướp đi sinh mạng ít nhất 45 người và làm nhiều người khác bị thương nặng.

Phóng viên tại Nam Phi dẫn các nguồn tin địa phương cho biết các nạn nhân là những người hành hương đang đi từ thủ đô Gaborone của Botswana, đến thị trấn Moria ngoại ô thành phố Polokwane của tỉnh Limpopo (Nam Phi). Xe buýt bị mất kiểm soát, lao khỏi cầu Mmamatlakala và bốc cháy trên đèo giữa Mokopane và Marken ở Limpopo.

Ngay sau khi vụ tai nạn thảm khốc diễn ra, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nam Phi Sindisiwe Chikunga đã tới hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo công tác cứu nạn và gửi lời chia buồn tới gia đình và thân nhân những nạn nhân xấu số.

Cảnh báo về hệ luỵ với con người do Trái Đất quay nhanh hơn vì băng tan

Các nhà nghiên cứu dự báo trong vài năm tới, mỗi người trên thế giới này sẽ mất đi 1 giây trong quỹ thời gian hàng ngày của mình.

Đó chính xác sẽ là những gì xảy ra khi hiện tượng băng tan ở hai đầu cực diễn biến nhanh do biến đổi khí hậu, làm cho tốc độ quay của Trái Đất nhanh hơn và làm thay đổi trục của Trái Đất.

Giờ và phút quyết định thời gian một ngày của chúng ta được xác định bằng chuyển động quay của Trái Đất. Nhưng vòng quay đó không cố định mà nó có thể thay đổi ít nhiều tùy thuộc vào những gì đang xảy ra trên bề mặt và trong lõi nóng chảy của Trái Đất.

Cho đến hiện tại, con người không nhận ra sự thay đổi về mặt thời gian khi Trái Đất quay nhanh hay chậm đi là do các nhà khoa học đã nghĩ ra một phương pháp đồng bộ hoá thời gian Trái Đất hoàn thành một vòng quay với giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) - một chuẩn quốc tế về ngày giờ thực hiện bằng phương pháp nguyên tử. Phương pháp đó điều chỉnh giờ theo “giây nhuận”. Nếu Trái Đất quay chậm hơn so với giờ chuẩn, các nhà khoa học lại điều chỉnh giờ UTC tăng thêm một giây nhuận dương, cộng thêm một giây vào thời gian một ngày. Từ những năm 1970 đến nay, đã có 27 giây nhuận được thêm vào.

Tuy nhiên, sau một thời gian quay chậm, vòng quay của Trái Đất hiện đang tăng tốc do những thay đổi về bề mặt. Lần đầu tiên, các nhà khoa học sẽ phải trừ đi một giây thay vì cộng vào như trước kia.

Patrizia Tavella, thành viên Văn phòng Cân đo Quốc tế ở Pháp, viết trong một bài báo kèm theo nghiên cứu: “Một giây nhuận âm chưa bao giờ được thêm vào hoặc thử nghiệm, vì vậy những vấn đề mà nó có thể tạo ra là chưa từng có”.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST), việc thêm bớt giây nhuận có ưu và khuyết điểm. Chúng giúp đảm bảo các quan sát thiên văn được đồng bộ hóa với thời gian trên đồng hồ, nhưng giây nhuận cũng có thể gây rắc rối cho một số ứng dụng và phần mềm viễn thông hoạt động tính theo giây.

Tháng 7/2022, một loạt ông lớn công nghệ như Meta, Microsoft, Google, Amazon đã khởi động một chiến dịch nhằm xoá bỏ việc thêm giây nhuận vào UTC để căn chỉnh so với vòng quay của Trái Đất. Thay vì đồng hồ chỉ 23:59:59 (23 giờ 59 phút 59 giây) chuyển sang 0:0:0 vào nửa đêm thì đồng hồ lại thành 23:59:60. Điều đó gây ra nhiều khó khăn cho các máy tính vốn dựa vào mạng lưới giờ các máy chủ chính xác để lên lịch các sự kiện và để ghi lại chuỗi hoạt động. Năm 2012, sau khi một giây được thêm vào UTC, hàng loạt các trang như Mozilla, Reddit, LinkedIn…đều báo cáo các sự cố sập mạng.

Cảnh báo "sát thủ vô hình" đe dọa sức khỏe con người

Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cảnh báo nhiệt độ cực cao là một trong những vấn đề nguy hiểm nhất do biến đổi khí hậu gây ra, dù yếu tố này ít được chú ý hơn so với các tác động dây chuyền khác như bão và lũ lụt.

IFRC và USAID đưa ra cảnh báo về "sát thủ vô hình" trên tại một hội nghị trực tuyến được tổ chức sau khi Mỹ trải qua mùa Đông ấm nhất từ trước đến nay.

Tổng Thư ký IFRC Jagan Chapagain kêu gọi các chính phủ, các tổ chức, giới trẻ và tất cả các bên liên quan thực hiện những biện pháp cụ thể trên toàn cầu để giúp các quốc gia và các cộng đồng chuẩn bị ứng phó với nắng nóng gay gắt.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power cảnh báo rằng tại Mỹ, nhiệt độ cao đã trở nên nguy hiểm hơn cả bão, lũ lụt và lốc xoáy cộng lại. Do đó, cơ quan này đang kêu gọi các cơ quan phát triển, các tổ chức từ thiện và các nhà tài trợ khác nâng cao nhận thức về mối đe dọa mà nhiệt độ cực đoan gây ra cho nhân loại, từ đó tập trung các nguồn lực để giúp các cộng đồng ứng phó với mối đe dọa này.

Nhấn mạnh những nỗ lực liên tục nhằm đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt, bà Power cho biết USAID đang hỗ trợ chương trình xây dựng “trường học chịu nhiệt” ở Jordan, sử dụng hệ thống sưởi và làm mát thụ động, cách nhiệt, cửa sổ lắp kính hai lớp và điều hòa không khí.

Về phần mình, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Podesta lưu ý rằng tác động của biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở những nơi vốn đã nóng như Trung Đông. Tại châu Âu, lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, ước tính hơn 60.000 người đã tử vong trong các đợt nắng nóng vào năm 2022.

Ông Podesta nói thêm rằng thông tin và dịch vụ về khí hậu, trong đó có các cảnh báo sớm, có thể cứu mạng sống và tài sản của người dân. Tuy nhiên, 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận với các dịch vụ này.

Năm 2023 vừa qua được đánh giá là năm nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người cao tuổi, người làm việc ngoài trời và những người không có điều kiện tiếp cận với hệ thống làm mát như điều hòa nhiệt độ.