Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao thu hút trên 40 thành viên tham gia trồng trên 6,5ha các loại rau an toàn.

Năm 2017, chị Đinh Thị Thu cùng một số bà con nông dân ở xã Đông Cao thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao với mục tiêu liên kết phát triển sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm. Từ 9 thành viên ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã thu hút trên 40 thành viên tham gia trồng trên 6,5ha các loại rau an toàn. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã này sản xuất và đưa ra thị trường hơn 10 tấn rau, củ, quả an toàn các loại, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các xã viên đạt từ 6 đến 7 triệu/người/tháng.

Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao chia sẻ: "Người tiêu dùng có nhu cầu về rau sạch, do vậy, tôi thành lập Hợp tác xã và xây dựng thương hiệu, quảng bá đến thị trường và các vùng lân cận".

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
Tổ hợp tác Hoa tươi Trường Thịnh, xã Nam Tiến có 4 thành viên đạt thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/ người/tháng.

Nhận thấy trồng lúa và các loại màu không mang lại hiệu quả cao đối với diện tích đất nông nghiệp của gia đình, cùng với sự vận động, tuyên truyền của địa phương, năm 2020, anh Dương Đức Hiển đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thành lập Tổ hợp tác Hoa tươi Trường Thịnh, xã Nam Tiến với 4 thành viên nhằm xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện, trung bình mỗi xã viên thu về từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Anh Dương Đức Hiển, Giám đốc Tổ hợp tác Hoa Trường Thịnh cho hay: "Chúng tôi vào tổ hợp tác được hỗ trợ của phòng kinh tế về nhà lưới và kỹ thuật. Thời gian tới, chúng tôi muốn kết nạp thêm thành viên và có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng".

Hiện nay, Phổ Yên có gần 80 hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút gần 5.000 thành viên và người lao động. 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể của thị xã đã có những chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cùng với việc khuyến khích nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thị xã đã tập trung hướng dẫn bà con xã viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển các mô hình kinh tế này còn gặp không ít khó khăn.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên thông tin thêm: "Nguồn lao động để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, quỹ đất để thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, chính vì vậy, để tập hợp các hộ nông dân chung lại với nhau để cùng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao còn hạn chế. Chúng tôi cũng tiếp tục tập hợp những người dân cùng phát triển một loại sản phẩm để thành lập các tổ hợp tác và các hợp tác xã".

Để phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế tập thể, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn thị xã Phổ Yên cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên./.