Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 580 HTX hoạt động trên các lĩnh vực với trên 42.000 thành viên và người lao động.

Mặc dù, gặp phải khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng sản lượng xuất bán của HTX miến Việt Cường ước đạt trên 400 tấn, doanh thu đem lại khoảng 13 tỷ đồng/năm. Có được kết quả đáng mừng này là từ việc mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với số vốn vay của Quỹ HTX lên đến hơn 2,5 tỉ đồng… Anh Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Khi các HTX thành lập được vào Liên minh HTX rất thuận lợi về tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nguồn nhân lực".

Thực tế cho thấy, đóng góp vào hoạt động của kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên thời gian qua còn có sự phát triển vượt bậc của nhiều HTX nông nghiệp, sản xuất cây chè, chăn nuôi, cơ khí, dịch vụ thương mại cũng như quỹ tín dụng nhân dân. Các mô hình kinh tế tập thể phát triển ổn định và tăng trưởng khá với giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và doanh thu dịch vụ đều tăng qua các năm.

Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương cho hay: "Khi các hộ gia đình kết nối lại với nhau và thành lập HTX tạo được một mặt hàng đồng đều, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài".

Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, thị xã Phổ Yên cho biết: "Quỹ ra đời tạo ra sức lan tỏa rất rộng, số lượng thành viên phát triển rất nhanh, tác động đến tất cả các lĩnh vực, làm thay đổi kinh tế, đồng thời tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo".

Thực hiện các giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa nội dung về phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình, kế hoạch, đề án, nhiều chính sách cụ thể đã đi vào cuộc sống như: chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực; tài chính tín dụng; khoa học và công nghệ; hỗ trợ và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách thuế. Trong đó, nổi bật là chính sách đất đai với việc tỉnh tạo điều kiện để HTX nông nghiệp được giao đất xây trụ sở, làm nhà xưởng không thu tiền sử dụng hay chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX giai đoạn 2017-2020. Để đẩy mạnh kinh tế tập thể trong thời gian tới, HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên, quy định chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là gần 150 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Tiếp tục thành lập mới các HTX, nâng cao năng lực nhận thức của các HTX, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, bổ sung nguồn vốn quỹ để hỗ trợ cho HTX trong giai đoạn 2021-2025".

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 580 HTX hoạt động trên các lĩnh vực với trên 42.000 thành viên và người lao động, tổng số doanh thu của các HTX trên địa bàn tỉnh là trên 3.100 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 37.000 lao động. Mục tiêu tới năm 2025, tỉnh Thái Nguyên hàng năm sẽ thành lập mới trên 100 HTX, phát triển thêm 5 Liên hiệp HTX với tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 65%, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX hằng năm tăng từ 10% trở lên.

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới, để tạo ra những liên kết sản xuất, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tỉnh sẽ dành những nguồn lực tương xứng để đầu tư cho kinh tế tập thể, tăng cường xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư, đối thoại với các thành phần kinh tế tập thể và HTX, để từ đó tìm ra những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ cho các HTX trong vấn đề phát triển sản xuất".

Có thể thấy, mô hình HTX đã và đang mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi thành viên HTX cũng cần phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể trước đây, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của HTX kiểu mới trong nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đảm bảo nhu thu nhập, kinh tế của chính những xã viên./.