Thức ăn chăn nuôi nội: thua trắng khâu nguyên liệu
Năm 2016, gia đình anh Đỗ Văn Cường ở xóm Nà Canh, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai thâm canh khoảng 10 sào ngô nhưng năm 2017 thì bỏ trắng. Nguyên nhân là do giá ngô giảm, điều kiện canh tác thì khó khăn, giá phân bón tăng nên thu hoạch khó mà có lãi. Theo thống kê, năm 2017 này, diện tích ngô của riêng xã Phương Giao, huyện Võ Nhai đã giảm khoảng 70 ha, còn trên toàn huyện Võ Nhai diện tích và sản lượng cũng ít hơn khoảng 10% so với kế hoạch…
Sản xuất nhỏ lẻ, cây đỗ tương không đem lại sản lượng và gây khó khăn trong thu hoạch và bảo quản |
Trao đổi với chúng tôi, anh Cường cho biết: "Người dân xã Phương Giao bây giờ chủ yếu là trồng lúa để gia đình đủ ăn. Còn cây ngô, cây đậu tương bây giờ rất ít người trồng, lác đác chỉ có vài gia đình có diện tích rộng, dễ canh tác trồng để giữ đất thôi”.
Nói thêm về thực tế trên, ông Hoàng Quốc Trung – Cán bộ Khuyến nông xã Phương Giao, huyện Võ Nhai nói: “ Đối với sản phẩm từ cây ngô và cây đỗ tương hiện tại các đầu mối thu mua không ổn định. Giá cả thấp, điều kiện canh tác khó khăn, tư thương viện lý do cước vận chuyển, khó cạnh tranh với ngô nhập nên ép giá bà con. Hiện tại, người dân Phương Giao đã chuyển sáng trồng keo và các cây lâm nghiệp khác”.
Theo đánh giá, Ngô là nguyên liệu chiếm khoảng 50% cấu thành của thức ăn chăn nuôi, ngoài ra còn khô đậu, cám mì, gạo, sắn vv…Những thứ này chúng ta đều sản xuất được. Tuy nhiên, giá thành trong nước lại không thể cạnh tranh nổi với nguyên liệu nhập khẩu dù cho sản phẩm nước ngoài phải chịu phí từ cước vận chuyển, đến kho bãi, thuế suất…
Mặc dù chất lượng khá tốt, nhưng Ngô của Việt Nam không thể cạnh tranh được với Ngô nhập ngoại về giá thành |
Cùng kỹ sư của Công ty Cổ phần Nam Việt trực tiếp tiếp cận với loại nguyên liệu khô đậu tương nhập từ Argentina thì mới hay, sản phẩm này được các công ty liên tục nhập về bảo quản trong kho rất dễ dàng. Mặc dù đã qua sơ chế, chất lượng cao hơn hàng nội địa nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại ở trong nước…
Ông Hà Văn An – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt thẳng thắn đề cập: "Thực tế thì nguyên liệu nước ngoài sản xuất ra rất rẻ. Ví dụ, một cân ngô ở nước ngoài có giá chỉ trên 3.000 vnđ/kg, nhập về đến Việt Nam thì chỉ vào khoảng 4.400 vnđ/kg. Trong khi đó ngô Việt Nam có giá trên 5.000 vnđ/kg nên tất nhiên Công ty chúng tôi sẽ sử dụng nguyên liệu nhập ngoại…"
Ngô nhập ngoại vừa có giá thành thấp lại dễ bảo quản, nên được nhiều đơn vị sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi |
Những năm gần đây, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Thái Nguyên nói riêng và trong nước luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô thị trường cả nước sẽ đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2022. Có thể nói quy mô thị trường này không hề nhỏ, thậm chí là màu mỡ. Nhà sản xuất cũng mong muốn ngành nông nghiệp có kế hoạch cụ thể và phát triển cây trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Tìm hiểu nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Hope Star, đại diện Công ty cho biết, qua nhiều năm sản xuất, cho thấy, sản phẩm nguyên liệu ngô của Việt Nam có chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại nước ngoài. Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề nguyên liệu Việt Nam không vào được các nhà máy, đại diện đơn vị cũng cho biết thêm, khâu chế biến sau thu hoạch của chúng ta hiện nay rất yếu, toàn bộ quy trình sản xuất của chúng ta cũng nhỏ lẻ dẫn tới giá thành bị đội lên cao. Vì vậy, ngô của Việt Nam khó mà có thể cạnh tranh được, ngay cả ở trong nước.
Tuy rằng ngành chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang phát triển mạnh. Nhưng phần lợi nhuận, giá trị lại đang nằm ở các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và nhập khẩu nguyên liệu. Nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao là do thức ăn chăn nuôi nội địa phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến rủi ro lớn về biến động và tỷ giá. Vì vậy, chủ động nguồn nguyên liệu là lựa chọn, giải pháp cho phát triển bền vững ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung trong tương lai./.