Tận dụng thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi
Gia đình chị Trần Thị Nhung ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các bếp ăn để chăn nuôi.

Tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các bếp ăn để chăn nuôi là cách mà gia đình chị Trần Thị Nhung ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ đang lựa chọn để bổ sung nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình mình. Chị Trần Thị Nhung chia sẻ: "Trong thời điểm giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc sử dụng thức ăn thừa này giúp bớt chi phí cho gia đình tôi".

Tận dụng thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi
Nguồn thức ăn sau khi tiếp nhận từ công ty sẽ xử lý theo đúng quy định về an toàn sinh học và yêu cầu vệ sinh thú y trong chăn nuôi, chế biến thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi động vật.

Mỗi ngày, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên sử dụng trên 80.000 suất ăn cho công nhân viên của Công ty và lượng thức ăn thừa/ngày khoảng 15 tấn. Với nguồn thức ăn thừa đó, công ty đã tặng cho Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Nguyên để phân phối cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, từ đó, giúp giảm chi phí thức ăn cho các hội viên. Nguồn thức ăn sau khi tiếp nhận từ công ty sẽ xử lý theo đúng quy định về an toàn sinh học và yêu cầu vệ sinh thú y trong chăn nuôi, chế biến thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi động vật.

Anh Tống Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội 9, Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Việc xử lý thức ăn này đã làm theo quy trình của Hội Chăn nuôi, đầu tiên, Công ty đầu tư xử lý nhiệt ở cổng để diệt vi khuẩn, mang về các hộ chăn nuôi đưa vào lò ủ bằng men giữ được để không bị hỏng, có thể giữ từ 1 tuần đến 10 ngày, sau đó cho bò, gà vịt ăn".

Việc tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợi nhuận thu được cao hơn, ổn định hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp. Đơn giản thức ăn thừa không phụ thuộc nhiều đến giá cả thức ăn công nghiệp vốn luôn lên xuống thất thường, mà còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường…/.