Thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII
Các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. |
Các đại biểu đều cho rằng, UBND tỉnh đã đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện những kết quả đạt được; đồng thời, kiểm điểm sâu sắc về những mặt bất cập, hạn chế trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, nhất là dưới những tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các ý kiến đánh giá cao vai trò của UBND tỉnh trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trong công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này được minh chứng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên tăng trưởng dương và cao hơn bình quân chung của cả nước, đời sống nhân dân được ổn định. Đại biểu Vũ Duy Hoàng, Tổ đại biểu thành phố Sông Công nhận định: “Trong bối cảnh cả nước có những tỉnh tăng trưởng âm, thì Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng gần 3%, cũng như là thu ngân sách trên 6.000 tỷ đồng, đó cũng là một thành công của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò điều hành hết sức quyết liệt của UBND tỉnh. Tại thời điểm này, khi mà kinh tế phát triển khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đưa ra 3 quyết sách mà người dân rất phấn khởi: Thứ nhất là không tăng học phí trong năm học này; thứ hai, chúng ta chi ra 15 tỷ để hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động không chuyên trách; đặc biệt là gần 12,8 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng không nằm trong gói 62.000 tỷ. Phải nói đây là quyết định mang tính an sinh xã hội, tạo được lòng tin cho người dân và cử tri”.
Trong bối cảnh tỉnh Thái Nguyên không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển của năm 2020, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá sức chịu đựng và khả năng ứng biến của các lĩnh vực kinh tế dưới tác động của dịch bệnh; từ đó, có giải pháp cụ thể đối với từng khối, ngành, lĩnh vực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Đặc biệt, từ cơ hội mang lại của làn sóng đầu tư mới vào các vùng, lãnh thổ đã khống chế được dịch bệnh, Thái Nguyên cũng cần chủ động và kịp thời triển khai các giải pháp để đón đầu làn sóng đầu tư này. Đại biểu Trần Văn Khương, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị tỉnh quan âm tới thu hút đầu tư trong 6 tháng cuối năm. Hiện nay, chúng tôi cũng chủ quan đánh giá rằng, đây cũng là một cơ hội lớn của tỉnh, khi mà cả nước khống chế thành công đại dịch, thì cũng là một hội tốt để phát triển và phục hồi kinh tế cả về đầu tư, xuất khẩu, cũng như tiêu dùng nội địa”. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh trong báo cáo sẽ làm rõ thêm giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI đạt cao hơn nữa, đặc biệt là số vốn và số doanh nghiệp, số dự án có số vốn cao”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đối tượng người lao động và các đối tượng khác thuộc diện được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ; cần quan tâm hơn nữa tới khu vực kinh tế nông nghiệp, bởi hiện nay, khu vực này có quy mô, tốc độ tăng trưởng chưa theo kịp các khối ngành kinh tế khác; bên cạnh đó, có giải pháp kiểm soát lạm phát và giữ chỉ số tiêu dùng của địa phương dưới 4% và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu Vi Thị Chung, Tổ đại biểu huyện Đại Từ băn khoăn: “Mặc dù tỷ lệ giải ngân mà Trung ương bố trí vốn rất cao, nhưng đối với các huyện, thành phố, thị xã, cho đến thời điểm này, các dự án hỗ trợ sản xuất và sinh kế đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hỗ trợ giảm nghèo vẫn chưa triển khai được”.
Liên quan đến các chỉ số về cải cách hành chính, các đại biểu băn khoăn, trong khi chỉ số PCI (Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh) và Par-Index (Chỉ số cải cách hành chính) của Thái Nguyên trong năm 2019 đều tăng hạng, thì chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) lại giảm thứ hạng. Đại biểu Ngô Quảng Bá, đại biểu thành phố Sông Công nêu rõ: “Chỉ số PAPI giảm 27 bậc cho thấy công tác điều hành, tiếp dân, giải quyết công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta có vấn đề. Về điều này, mong muốn sự điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực này cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện đồng bộ”. Về nội dung này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: “Trước hội nghị PAPI, chúng tôi phân tích thế này. Các điểm về quản lý vẫn giữ nguyên và tốt, nhưng điểm thấp là môi trường, một số chỉ số mang tính điều tra xã hội. Chúng tôi đã có văn bản giao các ngành khắc phục. Chúng tôi tin rằng năm 2020, chỉ số này sẽ được cải thiện”.
Thảo luận về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng, 6 tháng đầu năm 2020, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu giá trị tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong số ít chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kế hoạch trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều thách thức, nhất là những khó khăn trong tái đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi. Đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu thị xã Phổ Yên đề nghị: “Dịch tả lợn châu Phi đã qua đến 6 tháng rồi mà tỷ lệ tái đàn vẫn rất thấp. Mặc dù Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp nhập khẩu thịt lợn hơi về, nhưng hiện nay giá thịt lợn chưa giảm đáng kể. Chúng tôi rất mong muốn có những biện pháp cụ thể giúp cho ngành chăn nuôi có sự tăng trưởng, cung ứng được ra thị trường nhiều hơn nữa thịt lợn hơi trong 6 tháng cuối năm”.
Về các lĩnh vực khác, các đại biểu cũng đề cập tới những bất cập, vướng mắc trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý đô thị, giáo dục và đào tạo và y tế. Các ý kiến đề xuất việc nhân rộng các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin thêm về những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đối với việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các dự án thân thiện với môi trường, có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ; bên cạnh đó, sớm khắc phục sự cố tại Dự án Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Đặc biệt, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, đề xuất cần có giải pháp.
Đối với tờ trình về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố dôi dư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu cho rằng, đây là chính sách hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và tạo động lực để các cán bộ cấp cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cần phải phù hợp với thực tiễn và hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng, Tổ đại biểu huyện Phú Lương nêu: “Tôi đồng tình là căn cứ vào nguồn thu này, thì Trưởng xóm, Tổ trưởng dân phố sau khi thống nhất với Bí thư chi bổ, Trưởng ban công tác mặt trận, thì triển khai. Tuy nhiên, thực hiện mức bồi dưỡng chấm công thì chúng ta phải rất linh động”. Đại biểu Hà Thị Hường, đại biểu huyện Phú Lương đề nghị cần có hướng dẫn: “Bây giờ, Nghị quyết 07 ban hành ra rồi, chúng ta phải thực hiện. Nhưng cách chi như thế nào, thì ngành tài chính và nội vụ phải có hướng dẫn cụ thể và đơn giản hóa thủ tục để các đơn vị ở cơ sở thực hiện".
Cho ý kiến vào Báo cáo kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ chế độ, chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh trên địa bàn, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Thái Nguyên đã có những giải pháp, chính sách kịp thời, đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cần có thêm những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đối tượng lao động ngoài Nhà nước, như người lao động thuộc tại các doanh nghiệp tư nhân, các giáo viên ngoài công lập… PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên có ý kiến: “Chúng tôi thấy rằng, bên đội ngũ công lập thì được quan tâm tốt, nhưng với giáo viên ngoài công lập thì không hỗ trợ được gì nhiều, và rất nhiều người trong thời gian đó sống rất khó khăn”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề cập tới những vướng mắc trong công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp HĐND tỉnh và một số ý kiến, kiến nghị đã tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết triệt để; đồng thời, đề xuất cần có giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này./.