Tăng thời lượng chất vấn rất cần chú ý nâng cao cả chất lượng
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đồng ý tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Thông tin này nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo cử tri. Phóng viên VOV phỏng vấn đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu trên nghị trường. |
PV: Ông có suy nghĩ gì trước quyết định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc tăng thời gian chất vấn tại các kỳ họp lên 3 ngày thay vì 2,5 ngày như trước đây?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Việc tăng thời lượng chất vấn là yêu cầu không chỉ của đại biểu mà của cử tri và ngay cả những người được chất vấn cũng cảm thấy thời gian dành cho họ nhiều khi còn ít. Theo tôi, đây là một nhu cầu cần thiết.
Vấn đề thứ hai, để giải quyết được yêu cầu, ngoài việc tăng thời lượng còn vấn đề tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nữa. Chất vấn không chỉ ở hội trường và truyền hình trực tiếp, ở nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã sử dụng hình thức chất vấn bằng cách gửi câu hỏi trực tiếp đến các vị lãnh đạo Chính phủ hoặc các Bộ. Nhiều câu hỏi đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng trả lời trực tiếp cho đại biểu bằng văn bản.
PV: Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị công khai các chất vấn được trả lời bằng văn bản và không nên để cử tri hoặc đại biểu khác hỏi người chất vấn. Ông có ủng hộ đề xuất này không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Hiện nay chưa có hình thức công khai câu trả lời đó. Có vấn đề cũng phải cân nhắc, đó là nhiều khi các Bộ trưởng trả lời câu hỏi của đại biểu vì trả lời theo diện hẹp nên các đại biểu có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về những vấn đề nhạy cảm như quan hệ đối ngoại.
Theo tôi, công khai trong cử tri cũng tốt nhưng có thể công khai bằng hình thức dựa vào bảng trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, tùy theo tình hình, các đại biểu có trách nhiệm báo cáo các câu trả lời đó trong kỳ tiếp xúc cử tri. Các đại biểu có thể chọn lựa, có trường hợp công bố hoàn toàn nhưng cũng có trường hợp có thể công bố một phần nào đó để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Như vậy, các Bộ trưởng khi trả lời cũng mạnh dạn hơn, nếu như họ biết trước tất cả những trả lời chất vấn được công khai toàn bộ thì có khi họ không trả lời hoàn toàn thẳng thắn với rất nhiều tài liệu, tình tiết đầy đủ như khi họ trả lời riêng cho đại biểu Quốc hội.
PV: Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV đã để lại dấu ấn với việc tăng cường tranh luận, tuy vậy vẫn còn tình trạng chất vấn dài hoặc nặng về bình luận, giải thích, nội dung trả lời chất vấn nhiều khi còn né tránh, thiếu tính đối thoại hoặc không xác định được trách nhiệm cụ thể. Cùng với tăng thời gian chất vấn, theo ông, Quốc hội cần sớm giải quyết vấn đề này ra sao?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Việc chất vấn và trả lời chất vấn phụ thuộc rất nhiều vào phong cách, nhận thức, trình độ của các đại biểu. Chúng ta nên khống chế thời gian để không ảnh hưởng đến các đại biểu khác. Khi đại biểu hỏi cũng bộc lộ năng lực của họ, có những đại biểu dài dòng nhưng cũng có những trường hợp nếu không dẫn giải một chút thì câu hỏi sẽ không rõ ý.
PV: Cải tiến các phiên chất vấn, tranh luận là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn nữa là giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này của Quốc hội trong thời gian qua?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Vừa qua, những câu trả lời chất vấn đều được đưa vào Nghị quyết và kỳ họp trước có sự kiểm tra, kiểm soát. Đó là một điểm rất tốt, làm cho việc trả lời chất vấn nghiêm túc hơn, đó không chỉ là lời hứa mà còn là việc tổ chức thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, nhiều lúc các đại biểu cũng không có nhiều thời gian để rà soát lại các báo cáo trả lời chất vấn.
Theo tôi, sắp tới các đại biểu cần sử dụng báo cáo đó nhiều hơn, ngay trong lúc chất vấn cái mới có thể nhắc lại cái cũ để những người trả lời chất vấn hiểu rằng không chỉ trả lời là xong mà còn phải tổ chức thực hiện.
PV: Tăng thời gian chất vấn nhưng phải chăng chúng ta nên dành thêm thời lượng nhất định cho việc đánh giá việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Vai trò của từng đại biểu Quốc hội cần được thể hiện cụ thể như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban nên giúp các đại biểu trong báo cáo tổng hợp thực hiện nghị quyết trả lời chất vấn thì báo cáo đó có thể chi tiết hơn. Ví dụ, chúng ta có thể đi thẳng vào kỳ họp trước có những câu chất vấn và trả lời sau đây, Văn phòng và đại biểu Quốc hội tổng hợp lại, yêu cầu những người trả lời chất vấn báo cáo về việc thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội sử dụng báo cáo đó để xem xét hoặc chất vấn trở lại một lần nữa nếu việc thực hiện không tốt. Ngay cả đại biểu chất vấn khi thấy câu trả lời chất vấn lần trước có nhưng kết quả thực hiện ở từng địa phương không tốt thì lúc đó, những đại biểu khác có thể quay trở lại vấn đề hỏi các Bộ trưởng, Chính phủ tại sao hứa hẹn và cam kết nhưng việc thực hiện ở địa phương không đạt được kết quả mong muốn.
PV: Xin cảm ơn ông./.