Chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ mười ba, HĐND tỉnh khóa XIV
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên giải trình tại kỳ họp. |
Đại biểu nêu vấn đề: Trong giai đoạn 2020-2022, trong tổng số 139 lượt đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt với kinh phí trên 72,6 tỷ đồng, có khoảng trên 10 tỷ đồng để thực hiện một số đề tài, dự án trong lĩnh vực văn hóa, vậy việc xét duyệt, hiệu quả của các đề tài như thế nào? Đặc biệt, trong đó có đề tài “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên” được phê duyệt từ năm 2018 do Đại học Thái Nguyên triển khai. Song song với đó, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang phối hợp với VNPT Thái Nguyên quản lý và sử dụng “Cổng thông tin du lịch tỉnh Thái Nguyên”. Việc vận hành 2 hệ thống trong cùng một nhiệm vụ khiến việc phát huy hiệu quả nguồn kinh phí Nhà nước có được tối đa hay không là vấn đề đại biểu quan tâm.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên giải trình: "Về mặt kỹ thuật, chúng tôi thấy rằng việc tích hợp phần mềm Du lịch thông minh của VNPT đang vận hành với phần mềm Du lịch thông minh là hoàn toàn khả thi, thực hiện được và không có vướng mắc. Chúng tôi cho rằng việc tích hợp dữ liệu là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu lớn".
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: "Trong vài tháng qua, Đại học Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tích hợp 2 phần mềm với nhau. Sau khi tích hợp đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao sử dụng. Như vậy, trước mắt sẽ sử dụng 2 hệ thống phần mềm cùng lúc có sự tích hợp để đảm bảo du khách và người dân có thể sử dụng 2 dịch vụ này. Sau khi hết hạn dự án đối với VNPT Thái Nguyên, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu tiếp tục hoàn thiện chỉnh sửa phần mềm thông minh theo nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên và không phải đi thuê nữa".
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: "Việc nghiên cứu, chuyển giao hay cho thuê, ít nhiều cùng thực hiện 1 nhiệm vụ, lãnh đạo Sở Văn hóa khẳng định sử dụng được và sau này không thuê nữa rõ ràng vẫn có sự trùng lặp. Nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến lãng phí, chúng tôi đề nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ để khi rà soát tăng cường phối hợp triển khai thực hiện để đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn nhà nước".
Qua khảo sát đối với các đề tài, dự án lĩnh vực khoa học công nghệ, có nhiều đề tài không khả thi, nhiều đề tài đã triển khai một thời gian song không hiệu quả, không dự báo được tính khả thi và sự phù hợp để nhân rộng liệu có gây lãng phí trong sử dụng ngân sách?
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cho biết: "Trong số các dự án vừa nêu chỉ có duy nhất 1 đề tài dự án thông thường đó là cây sâm xuyên đá còn lại tất cả là đề tài thuộc đề án quỹ gen cấp quốc gia và cấp tỉnh, đều có Hội đồng Khoa học cấp tỉnh xin ý kiến các ngành. Trong quá trình tổ chức thực hiện có những đề tài dự án rất hiệu quả, có đề tài không hiệu quả năm nay thì trong quá trình đó chúng tôi đều tổ chức đào tạo, tập huấn bà con nông dân trồng cây, nuôi con. Sau đó, việc nhân rộng như thế nào cũng là trách nhiệm của ngành Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành".
Kết quả triển khai việc ứng dụng của khoa học và công nghệ vào việc xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2023; đánh giá số đề tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; những định hướng lớn trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thời gian tới… cũng là những nội dung được đại biểu chất vấn và lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trả lời./.