Tiếp tục khẳng định vai trò lập pháp của Đại biểu dân cử tại các phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV |
Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khoá XIV được đánh giá là là kỳ họp quan trọng vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Với thời gian làm việc gần 20 ngày, các phiên làm việc của kỳ họp đều để lại dấu ấn mạnh mẽ, được đại biểu, cử tri và nhân dân đánh giá cao. Trước tiên có thể thấy đó là dấu ấn về trách nhiệm của cơ quan lập pháp, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân và của cử tri, nhân dân trong việc góp ý xây dựng và hoàn thiện các dự án luật. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, đồng thời cho ý kiến thảo luận làm cơ sở đối với một số dự thảo luật khác để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến vào Dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV |
Theo đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến các ngành chức năng liên quan và các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp chịu tác động của dự án luật để tham khảo, tổng hợp, làm căn cứ cho các phiên làm việc tại kỳ họp. Đối với các phiên thảo luận tại kỳ họp, nhất là các phiên thảo luận tổ, các dự án luật đều được Đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến và tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng.
Đơn cử như cho ý kiến vào kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, các đại biểu đều đánh giá cao với những kết quả tích cực trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của mưa lũ. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp và giải quyết hiệu quả các tồn tại, khó khăn cho danh nghiệp và người dân, tăng cường quản lý thu chi và tập trung chi hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ |
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có đánh giá thêm về nguồn thu bởi nguồn thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm dần, nếu như giai đoạn 2011- 2015 thu từ sản xuất kinh doanh đạt 68,36 % thì đến giai đoạn 2016 - 2018 giảm còn 63,2 %, do đó cần phải tính toán khả năng thu và giảm chi.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Vượt thu những năm qua ở các địa phương chủ yếu là thu tiền đất thôi, cái đó là không bền vững, cho nên tôi rất mong muốn chính phủ cần đánh giá vấn đề này đậm hơn nữa. Hiện nay khu vực thu chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, 3 khu vực này chính là nội lực của chúng ta, nhưng không đạt được như mong muốn của chúng ta. Chưa gắn vào đó là vấn đề chuyển giá, vấn đề trốn thuế của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, ngày càng lớn hơn. Cũng cần tính toán báo cáo làm sao tránh thất thu, nợ đọng thuế và chuyển giao thu thuế.”
Cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên dành nhiều ý kiến thảo luận vào công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Nhiều vấn đề đã được quan tâm, thảo luận như chất lượng cán bộ hay nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là giải pháp quan trọng, mang tính đột phá trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Phản ánh tình trạng xóa tên Đảng viên gia tăng thời gian qua, nếu như năm 2016, xóa tên hơn 2400 đảng viên; năm 2017 là gần 2800 đảng viên và hơn 3500 đảng viên bị xóa tên năm 2018, trong khi đó, bình quân mỗi năm cả nước kết nạp hơn 196 ngàn đảng viên, đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần nâng cao khâu bồi dưỡng, cảm tình Đảng cho quần chúng, không nên chạy theo số lượng. Đặc biệt, không nên giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho các địa phương bởi đôi khi vì đủ chỉ tiêu đã kết nạp cả những đối tượng chưa thật sự thấm nhuần, tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, dẫn đến chất lượng Đảng viên chưa cao.
Sau kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri mở rộng và tiếp xúc chuyên đề để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát./.