Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh
Nằm tại địa phương có thế mạnh về cây chè, gần 3 năm nay, Hợp tác xã nông sản an toàn Gốc Gạo ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đã vận động các xã viên và hộ dân liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện HTX có 2ha chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, 6 ha đang làm theo quy trình hữu cơ sản xuất hoàn toàn khép kín, từ khâu trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. |
Ông Đồng Văn Khánh, HTX nông sản an toàn Gốc Gạo ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ: Trước đây đến thời điểm này, giá bán chè trung bình khoảng 70.000 đến 80.000 đồng một kilogam, đến bây giờ có thể bán đến 300.000 đến 400.000 đồng một kilogam. Người dẫn cũng đã cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng.
Hiện toàn tỉnh đã có 60ha chè được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; khoảng 50ha được cấp giấy chứng nhận đang chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất. Qua đánh giá cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ đã giúp hệ sinh thái nương chè thay đổi rõ rệt; cây chè khỏe, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, tác động tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân bón phân hữu cơ để cho năng suất chè cao, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, để nắm bắt được quy trình sản xuất, đưa sản phẩm của mình đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho bà con.
Hiện toàn tỉnh đã có 60ha chè được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. |
Theo ghi nhận, giá trị sản xuất chè hữu cơ cao hơn 15-25% so với sản xuất thông thường.Tuy nhiên, hiện diện tích chè theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh do phương thức sản xuất đòi hỏi khắt khe về quy trình kỹ thuật, sản lượng giảm trong thời gian chuyển đổi, nên các hộ tham gia sản xuất chè hữu cơ còn lúng túng, e ngại. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 diện tích chè đạt 24.000 ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện theo đề án và quyết định của UBND tỉnh giao và triển khai đến các địa phương. Đồng thời, nhân rộng mô hình đến các địa phương lân cận, để có thể canh tác một cách bền vững nhất, sức khỏe cây trồng được tốt nhất, thu lợi nhuận cho bà con nông dân cao nhất.
Để người dân duy trì và thực hiện thành công phương thức sản xuất mới này rất cần những cơ chế, chính sách cùng sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ máy móc, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên.