Sống mãi tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn học, nghệ thuật, báo chí
Trao giải cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Như một truyền thống tốt đẹp, kể từ năm 2007 đến nay, cứ 2 năm một lần, Lễ trao giải thưởng được tổ chức để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài sáng tác các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự Lễ trao giải thưởng năm 2020 tối 13/5, các tác giả dự thi đã chia sẻ cảm hứng sáng tác bằng niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn với công lao của Người, từ cảm xúc chân thành của trái tim và tâm hồn nghệ sỹ, những tác phẩm sáng tác và các hoạt động quảng bá đã góp phần phát huy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.
Tại buổi lễ, chia sẻ cảm xúc vinh dự nhận giải B với loạt bài "Công bộc của dân,” đại diện nhóm tác giả, Phó Tổng biên tập Báo Bắc Ninh Đào Khắc Tuấn cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm cụ thể thiết thực của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Vận dụng sáng tạo lời dạy của Người, nhóm tác giả đã phản ánh những tấm gương bình dị nhưng tận tâm, nhiệt huyết, không ngừng đổi mới, sáng tạo hành động với phương châm “cái gì lợi cho dân thì hết sức làm...”
Khi thấy rõ những vấn đề khó khăn, bất cập, chính họ đã tận lực tháo gỡ, làm tròn trách nhiệm là “công bộc” của dân. Đó là những bí thư chi bộ trong suốt 40 năm cần mẫn, trách nhiệm, tạo niềm tin trong nhân dân; bí thư chi bộ năng động “bốn trong một;” hành động của các "bác sỹ doanh nghiệp" hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp gặp khó khăn…
“Để hiện thực hóa, lan tỏa lời dạy của Người vào cuộc sống, những 'công bộc của dân' phải thực sự gần dân, lắng nghe dân; không quan liêu, hình thức… hành động ngay từ việc làm nhỏ nhất. Qua đó, không chỉ đảng viên, cán bộ, tất cả mọi người dân không phân biệt địa vị, tuổi tác… hướng đến 'cái đẹp để dẹp cái xấu,' xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp như ước nguyện của Bác Hồ,” ông Đào Khắc Tuấn khẳng định.
Cùng chung cảm xúc, Nhà biên kịch, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Khánh Toàn (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) với tác phẩm điện ảnh “Ông Hai Lúa” cho biết, cảm hứng của bộ phim xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, sâu sắc của ông Võ Văn Chung (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) – người được mệnh danh là “ông Vua lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.”
Từ 7 hạt thóc giống, ông Chung đã nhân giống lúa kháng rầy nâu, giúp vùng Đồng bằng Nam Bộ thoát khỏi dịch rầy nâu và khủng hoảng lương thực.
“Qua bộ phim tài liệu, chúng tôi không chỉ làm rõ đóng góp của ông Hai Chung với ngành Nông nghiệp mà còn mang đến cho khán giả hình ảnh của một người nông dân có tình yêu đất nước mãnh liệt; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nông dân, cùng bà con làm giàu từ cây lúa. Từ lý tưởng sống tốt đẹp, ông được mọi người yêu mến, nể phục; truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau,” nhà biên kịch Đỗ Khánh Toàn chia sẻ.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tác giả Dương Thanh Truyền (Nhà Xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh) dành nhiều tâm huyết phân tích và chứng minh tấm gương mẫu mực về lao động ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các bản Di chúc của Người với tác phẩm “Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo,” được trao giải B.
“Qua bản Di chúc vỏn vẹn 1.000 chữ, thể hiện trên 3 trang giấy, Người đã liên tục chỉnh sửa trong suốt 4 năm, chúng ta có thể biết được quá trình Người tạo lập và hoàn thiện một văn bản cẩn trọng, công phu và trách nhiệm. Đây là một bài học lớn dạy cho chúng ta cụ thể, chi tiết về cách hành xử, cách nói, cách viết tiếng Việt; là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ tiếng Việt,” tác giả Dương Thanh Truyền nhấn mạnh.
Từ những cảm xúc trên, các tác phẩm sưu tầm như “Những bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên dâng lên Bác Hồ kính yêu” của tác giả Trương Bi (Thành phố Hồ Chí Minh); những công trình nghiên cứu đồ sộ như tác phẩm “Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh” của tác giả Phong Lê (Hội Nhà văn Việt Nam)...; đến các tác phẩm sáng tác, điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa, phim truyện, văn, thơ như tác phẩm “Trăng Tân Trào” của tác giả Hữu Thỉnh( Hội Nhà văn Việt Nam), tác phẩm múa “Dũng sỹ rừng Sác” của tác giả Trần Ly Ly ( Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); những chương trình biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng công phu như Chương trình nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” của Đài Tiếng nói Việt Nam... đã ra đời.
Đại biểu dự lễ trao giải. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tất cả các tác phẩm khác tham dự Giải thưởng đều có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của cái đẹp, của tấm lòng nhân văn, đạo đức cách mạng trong sáng, của trí tuệ và ý chí con người Việt Nam thể hiện qua hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua những tập thể, cá nhân tiêu biểu được xuất hiện trong thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho người sáng tác bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm “bình dị mà cao quý,” “việc nhỏ nghĩa lớn.”
Mỗi tác phẩm sáng tác về Người không chỉ là thành quả lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí mà còn góp phần khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Qua đó, các tác phẩm, tác giả còn khẳng định sự tiếp nối dòng chảy văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới./.