Sản xuất an toàn - Định hướng sản xuất chè bền vững
Gia đình anh Nguyễn Duy Hưng ở xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên sử dụng phân chuồng ủ hoại mục, phân hữu cơ vi sinh thay cho phân bón vô cơ |
Sử dụng phân chuồng ủ hoại mục, phân hữu cơ vi sinh thay cho phân bón vô cơ; trồng cây che bóng để hạn chế sâu bệnh, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều những thay đổi trong quy trình trồng và chăm sóc chè của gia đình anh Nguyễn Duy Hưng ở xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên. Với quy trình này, đã giúp chè của gia đình anh tiêu thụ dễ dàng, với giá bán cao. Anh Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: "8 năm rồi, chè phát triển rất khỏe, đồng đều, vẫn phải duy trì theo định hướng hữu cơ, nói không với thuốc hóa học".
Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, Hợp tác xã chè La Bằng, huyện Đại Từ đã chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ban đầu, các thành viên trong Hợp tác xã khá bỡ ngỡ khi chuyển đổi sang hướng sản xuất mới, không chỉ mất nhiều công và thời gian chăm sóc, những năm đầu sản lượng chè sụt giảm do phải đảm bảo việc không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong phòng, trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, nhờ kiên trì thực hiện mà giờ đây các thành viên đã nhận rõ những kết quả cũng như lợi ích của hướng sản xuất hữu cơ mang lại. Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng cho biết: "Chúng tôi chuyển sang sản xuất chè hữu cơ giá trị sản phẩm cao hơn nhiều, bà con hăng say làm theo hướng này".
Với lối sống xanh của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp an toàn, không hóa chất là hướng đi tất yếu |
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22.000ha chè, những năm qua, nhờ việc tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình sản xuất chè an toàn; đồng thời, hỗ trợ các loại phân bón vi sinh, hữu cơ nên nhận thức của người sản xuất chè đã từng bước được thay đổi, canh tác theo hướng hữu cơ, Vietgap. Đến năm 2020, dự kiến diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh đạt trên 2.400ha, diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ là 110ha.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, triển khai nhân rộng mô hình sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có những cơ chế chính sách để hỗ trợ cho sản xuất chè hữu cơ, gắn với đó sẽ tập trung rà soát đánh giá, xác định vùng trồng để làm cơ sở trong việc làm rõ xuất xứ hàng hóa với tiêu chuẩn quy định".
Mặc dù, chè Thái Nguyên có sản lượng và chất lượng cao, nổi tiếng từ lâu với thị trường trong nước. Tuy nhiên, để có thể hướng đến xuất khẩu vào thị trường “khó tính” thì vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng vẫn là một trong những rào cản của chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: "An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng nhất khi chúng ta tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, chính vì vậy, để tổ chức sản xuất, liên kết các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi và có thương hiệu thì với tất cả các nước phát triển hiện nay đều như vậy. Hiện nay, Thái Nguyên đã và đang đi đúng hướng. Và chúng tôi nghĩ rằng tiếp tục theo hướng này, sẽ phát triển tốt cho ngành chè Thái Nguyên".
Với lối sống xanh của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp an toàn, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Vì vậy, rất cần những giải pháp và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương nhằm xây dựng thành công và nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè./.