Quốc hội thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệpnhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển là rất quan trọng.
Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), việc ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); đồng thời, thiết lập chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn, phát triển kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là mục tiêu hướng tới năm 2020 cả nước có 1 triệu DNNVV hoạt động hiệu quả.
|
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) phát biểu ý kiến sáng 22/11. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Tán thành sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, theo một số đại biểu, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng cần bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ. Do vậy, cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó, có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với các doanh nghiệp lớn tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc chỉ hỗ trợ cho DNNVV.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) phân tích: Thống kê cho thấy có khoảng 77% doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh. Do vậy việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển đăng lý thành lập, hoạt động theo luật doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong phát triển doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính chất định lượng khó có thể thành các căn cứ pháp lý để thực hiện nếu được ban hành. Ví dụ tại Chương II có tới 7/10 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy, sẽ làm tăng hệ thống văn bản dưới luật, có thể kéo dài thời gian để Luật đi vào cuộc sống.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), hỗ trợ DNNVV đã có nhiều luật điều chỉnh như Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Đất đai. Trong dự thảo Luật lần này lại quy định, khối DNNVV được hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế doanh nghiệp, thuế sử dụng đất đến chi phí dịch vụ, đào tạo tư vấn, truyền thông... Như vậy, liệu có bảo đảm nguyên tắc mọi doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau trong cơ chế thị trường? Đồng thời, nếu đặt vấn đề hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp sẽ không khả thi vì nguồn lực nhà nước có hạn. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng Luật với các quy định khuyến khích thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nội tại của doanh nghiệp.
Liên quan đến tiêu chí xác định DNNVV, đa số đại biểu tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và lao động bình quân để phân loại quy mô DNNVV. Song, quy định bao nhiêu lao động, bao nhiêu vốn đầu tư để phân loại doanh nghiệp thì đề nghị cần minh bạch.
Để xác định DNNVV chính xác, khách quan hơn, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu xác định tiêu chí ưu tiên trong 2 tiêu chí trên; xem xét kết hợp với tiêu chí tổng doanh thu khi tiêu chí ưu tiên chưa đạt. Đối với việc việc quy định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ cần bổ sung tiêu chí về tổng nguồn vốn và có thể cả tiêu chí về tổng doanh thu vì nếu chỉ quy định tiêu chí về lao động dưới 10 người thì cũng giống như đối với hộ kinh doanh, trong khi hộ kinh doanh lại không được hỗ trợ.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại cho rằng, quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp dựa vào tổng nguồn vốn và lao động bình quân là chưa đồng bộ và nhất quán. Do đó, đại biểu đề nghị, tiêu chí xác định doanh nghiệp cần dựa vào tổng nguồn vốn và số lao động bình quân năm tương ứng với 3 loại ngành kinh tế, gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng và công nghiệp; thương mại và dịch vụ.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về: nguyên tắc hỗ trợ DNNVV (Điều 5); hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 9 và Điều 10); hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh (Điều 12); hỗ trợ tham gia mua sắm công (Điều 15); nguồn vốn hỗ trợ DNNVV (Điều 37, Điều 38)...
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận./.