Phát triển BHXH phi chính thức vẫn “giậm chân tại chỗ”
Theo báo cáo mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,5 triệu người; BHXH tự nguyện là 295 nghìn người. Với mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ BHXH, thời gian qua, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức hiện tăng rất chậm. Phải chăng, những giải pháp mới nhằm thu hút nguồn lao động này vẫn chưa đủ sức hút?
Theo báo cáo, số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức hiện tăng rất chậm. Ảnh minh họa. |
35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện. Thế nhưng hơn 10 năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Trong năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ từ 10 đến 30% tiền đóng BHXH hàng tháng cho người lao động tùy từng đối tượng; tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp…Với nỗ lực đó, đến thời điểm này, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 240 nghìn người lên 280 nghìn người. Nhiều người băn khoăn, con số này tăng chậm và có tiếp tục tăng trong thời gian tới?
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Xét về mặt tổng số, lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng. Trong đó, khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng cho biết, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,8% đóng BHXH tự nguyện. Thực tế, rất ít người lao động tự do biết đến loại hình BHXH tự nguyện và nếu biết cũng chưa thực sự quan tâm.
Ảnh minh họa. |
“Mức thu nhập hiện nay của lao động phi chính thức chỉ đủ trang trải cuộc sống thôi, họ còn phải nghĩ đến ngày mai, giữa một cái trước mắt mà một cái tương lai thì họ phải lo cho cái trước mắt hơn là tương lai. Chính phủ đã đưa ra nhiều đề án như hỗ trợ người lao động từ 10 đến 30% nhưng tôi nghĩ những hỗ trợ đó chưa thiết thực. Phải có những phép tính cụ thể và phải có những cuộc truyền thông nói rõ để họ hiểu rằng họ phải đóng góp trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu, bao nhiêu tiền và đến khi về hưu họ sẽ được như thế nào”, bà Ngô Thị Ngọc Anh nói.
Hiện tại, BHXH Việt Nam có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, hầu hết ở các thôn, xã, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế. Hầu hết hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy có thể thấy, những nỗ lực để đưa chính sách BHXH đến khu vực phi chính thức chưa được như mong muốn.
Nhiều người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH lúc còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, những người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần là do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách. Vì vậy, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể đạt mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH. Một trong những giải pháp là giao chỉ tiêu về phát triển BHXH tự nguyện về các địa phương để tăng độ bao phủ BHXH.
Ảnh minh họa. |
“Chúng ta cần giao chỉ tiêu cho địa phương trên cơ sở thực hiện 3 bước, Chính phủ giao chỉ tiêu và địa phương báo cáo chỉ tiêu đạt được. Chúng ta xác định căn cứ tiêu chí, Hà Nội đã thực hiện việc này. Việc phát triển BHXH tự nguyện ở địa phương còn nhiều khó khăn nên chúng ta phải chọn địa bàn trọng điểm. Chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông, phối kết hợp BHXH địa phương và Sở Lao động-Thương binh Xã hội các địa phương nên đẩy mạnh hơn nữa…”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Mặc dù bắt đầu từ năm 2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người lao động khu vực phi chính thức với các mức từ 10% đến 30% tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, việc chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất khiến cho người dân không mặn mà tham gia.
Do đó, Nhà nước cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng trong việc hưởng chính sách cho người tham gia. Có thể hình thành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí, tăng thêm chế độ hưởng lợi cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, phát triển đối tượng tham gia BHXH trong khu vực không có quan hệ lao động là giải pháp đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy nhanh nhưng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Để tiếp cận nhóm lao động này, trước tiên phải cho họ thấy việc tham gia được thuận tiện, linh hoạt về mức đóng và thời gian đóng, khuyến khích họ tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này...
“Cần thiết kế chính sách linh hoạt, có thể đóng trước hoặc đóng sau. Chúng ta cũng không cầu toàn. CHúng ta hướng tới BHXH toàn dân nên người dân có ít đóng ít và có sự hỗ trợ của nhà nước. Chúng ta phải xác định sàn tối thiểu, sau khi huy động người dân thì nhà nước hỗ trợ, không chờ đến già mới hỗ trợ mà hỗ trợ ngay ở tuổi lao động đển người lao động có cơ hội về già có lương hưu. Chúng tôi rất quan tâm đến tầng đế, muốn phải triển BHXH toàn dân thì phải bằng nhiều giải pháp. BHXH là bền vững, đảm bảo an sinh xã hội khi về già, chắc chắn nhà nước sẽ hỗ trợ với mức cao hơn BHYT. Chúng ta đã thành công với việc bao phủ BHYT thì sẽ thành công với BHXH”, bà Nguyễn Thị Minh nói.
Để làm chuyển biến nhận thức và thu hút người dân tham gia BHXH là điều không dễ nhưng cần phải làm. Người dân tham gia vào hệ thống BHXH không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm đối với xã hội. Nếu chính sách linh hoạt hơn, tuyên truyền tốt hơn, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH trong thời gian tới sẽ đạt kỳ vọng./.