Cơ hội "kép" giữa người lao động và doanh nghiệp
Các gian hàng tư vấn và giới thiệu việc làm tại Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên năm 2021 đã có rất đông người đến tham quan và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Ngay từ sáng sớm, các gian hàng tư vấn và giới thiệu việc làm tại Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên năm 2021 đã có rất đông người đến tham quan và tìm kiếm cơ hội việc làm. Sau 1 năm tạm hoãn vì dịch COVID-19, Ngày hội việc làm năm nay được tổ chức với quy mô lớn, với sự tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, với chỉ tiêu tuyển dụng lên đến 22.000 vị trí lao động và tuyển sinh học nghề.

Chị Nguyễn Thị Lan, ở xã Trung Lương, huyện Định Hóa cho hay: "Tôi đang muốn chuyển đổi công việc hiện tại và đến tham dự Ngày hội việc làm; có rất nhiều doanh nghiệp với rất nhiều vị trí việc làm. Tôi mong muốn tìm kiếm 1 công việc phù hợp với bản thân tôi".

Ông Jung Kwang Ho, Phó Giám đốc Công ty TNHH SR Tech cho biết: "Sau 1 năm chịu tác động của dịch COVID-19, năm nay, công ty chúng tôi đã cơ bản phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lượng đơn hàng ổn định và có chiều hướng tăng. Bởi vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng. Tại Ngày hội việc làm năm nay, chúng tôi mong muốn sẽ tuyển dụng được nhiều lao động có tay nghề với tổng số chỉ tiêu là 1.000 vị trí việc làm".

Cơ hội "kép" giữa người lao động và doanh nghiệp
Một trong những điểm mới của Ngày hội việc làm những năm gần đây là đã kết nối trực tuyến được với rất nhiều doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một trong những điểm mới của Ngày hội việc làm những năm gần đây là đã kết nối trực tuyến được với rất nhiều doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn... Đây đều là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn hoặc là những nơi có lực lượng lao động dồi dào, từ đó, tạo cơ hội lớn cho cả cung và cầu của thị trường lao động Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang thông tin: "Tại đầu cầu của tỉnh Bắc Giang, hiện nay, đang có 18 doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp và các yêu cầu tuyển dụng rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là điện tử, may và một số ngành nghề phụ trợ khác; cũng có rất nhiều người lao động có tay nghề, có trình độ cũng đang chờ các đầu cầu trong đó có Bắc Giang để kết nối với tỉnh Thái Nguyên".

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Dịch chuyển dần việc kết nối giao dịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và số hóa các dữ liệu cũng như nguồn thông tin để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động không những ở các gian hàng giao dịch trực tiếp mà còn ở các khu vực giao dịch trực tuyến và đặc biệt thông qua hình thức này, người lao động và người sử dụng lao động đều tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp".

Theo thống kê, tính riêng năm 2020, mặc dù, chịu tác động của dịch bệnh, tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 10 phiên giao dịch việc làm thông qua hình thức cung cấp thị trường, tuyển dụng trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua sàn giao dịch điện tử với sự tham gia của 1.200 doanh nghiệp, qua đó, cung ứng trên 3.000 lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp./.