Pháp, Đức vẫn bất đồng về việc ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: time.com) |
Trước đó cùng ngày, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nga, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bàn về Syria diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ không công bố lập trường tiếp theo của mình về vấn đề trên mà chưa có sự phối hợp "ở cấp độ châu Âu."
Hai bên cũng bày tỏ mong muốn các nước Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quan điểm thống nhất về việc áp đặt trừng phạt vũ khí nhằm vào Saudi Arabia sau vụ nhà báo Khashoggi.
Tuy nhiên, trong các cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, sự chia rẽ về vấn đề trên vẫn còn tồn tại giữa lãnh đạo Pháp và Đức.
Thủ tướng Merkel tiếp tục khẳng định Đức sẽ ngừng bán các loại vũ khí cho Saudi Arabia nhằm phản ứng trước vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại.
Nhà lãnh đạo Đức cũng nói thêm rằng EU có thể đưa ra quyết định tập thể về vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron cho rằng việc ban hành bất cứ biện pháp trừng phạt nào cũng phải được thực hiện "ở cấp châu Âu."
Ông đồng thời tái khẳng định không có mối liên hệ nào giữa cái chết của nhà báo Khashoggi và việc Saudi Arabia mua vũ khí của Pháp.
Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh một khi xác định được ai chịu trách nhiệm về cái chết của ông Khashoggi, các biện pháp trừng phạt sẽ được triển khai song phải đảm bảo "chặt chẽ, toàn diện, vô cùng chính xác và tương xứng.
" Ông nói thêm rằng nếu Saudi Arabia bị trừng phạt thì "chúng ta phải cùng làm điều này đồng loạt."
Theo ông Macron, trong trường hợp đó, các biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bán vũ khí mà còn trong lĩnh vực khác, như ngừng bán ôtô cho Saudi Arabia, dường như ngầm ngụ ý tới Đức - một trong những nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới. Saudi Arabia hiện là bạn hàng mua vũ khí lớn thứ hai của Pháp, sau Ấn Độ.
Sau nhiều tuần bác bỏ, hôm 19/10 vừa qua, Saudi Arabia đã thừa nhận ông Khashoggi, công dân Saudi Arabia và là nhà báo làm việc cho tờ Washington Post (Mỹ), đã chết trong một vụ ẩu đả bên trong tòa lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Cách ứng phó của Riyadh về vụ việc không làm hài lòng cộng đồng quốc tế, cũng như làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh phương Tây và đẩy Riaydh vào cuộc khủng hoảng./.