Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Tú |
Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIX, lập và thông qua 8 chương trình, 16 đề án, 20 dự án trọng điểm, Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đưa Thái Nguyên trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 15,2%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 52 triệu đồng/người. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 8.620 tỷ đồng; trong đó, thu trong cân đối đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2015 và bằng 130,8% dự toán cả năm…Trong năm, nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư trên địa bàn, nhiều dự án lớn đã được khởi động, trong đó nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào sản xuất, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách, sản xuất nông nghiệp ổn định; các chỉ tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đều hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch đề ra...
Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu 2017, phóng viên Thainguyentv.vn đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên năm 2017?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Năm 2016, tỉnh ta bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động hết sức phức tạp, khó lường. Tình hình trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực không ổn định. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm…
Song, dưới sự lãnh đạo và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 15,2% (cao hơn so với bình quân chung cả nước). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 8.620 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 477.485 tỷ đồng. Sản lượng lương thực có hạt đạt 469.400 tấn; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,3%, vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87%, đạt kế hoạch đề ra...Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá, tăng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, cây chè được quan tâm đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng diện tích chè trồng mới và trồng lại năm 2016 ước đạt 1.229ha, bằng 103,4% kế hoạch đề ra và đang được khẳng định là cây mũi nhọn trong xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của bà con nông dân tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng xã hội; các mặt hàng chính sách phục vụ nhân dân miền núi và vùng cao đảm bảo chất lượng và cung ứng kịp thời...
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Việc lập, triển khai các quy hoạch, xây dựng các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đẩy mạnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, phát triển ngành, lĩnh vực đều gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động…
PV: Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 và những định hướng lớn nhằm phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc theo đúng ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Thái Nguyên?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Để phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc như mong muốn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ tỉnh đã định hướng chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hàng năm, 5 năm và 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 là thông qua các nội dung của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện của nhiệm kỳ, cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản suất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, phòng ngừa đấu tranh chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng trên địa bàn tỉnh, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch. Tiếp tục đổi mới và thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhân dịp năm mới, Xuân Đinh Dậu 2017, thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi xin gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, Đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sức khoẻ, hạnh phúc, đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, phồn vinh nhất Miền Bắc theo đúng ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên./.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017: Tốc độ tăng trưởng kinh tế(GRDP) phấn đấu đạt 12%; trong đó: - Công nghiệp – Xây dựng: 15% - Dịch vụ: 9% - Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 4% - Giá trị sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp: 563.000 tỷ đồng, tăng 18% - Kim ngạch xuất khẩu: 21.000 triệu USD, tăng 11% - GRDP bình quân đầu người: 58 triệu đồng/người - Thu ngân sách trong cân đối (Không bao gồm thu tiền sử dụng đất và loại trừ các yếu tố tăng, giảm bất thường, do thay đổi chính sách) tăng 16% so với thực hiện năm 2016. -Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6% - Sản lượng lương thực có hạt đạt 436.000 tấn - Số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm trong năm 15.000 lao động - Mức giảm tỷ suất sinh thô: 0,1%o - Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với năm 2016 |