Song việc kinh tế, hạ tầng, xã hội nông thôn phát triển cũng đặt ra nhiều hệ lụy về an ninh, trật tự đòi hỏi ngành công an và các cấp chính quyền không được lơ là, chủ quan.

nong thon phat trien nhung an ninh phai giu vung

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tặng quà lưu niệm Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị triển khai công tác Công an thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM

Tại Hội nghị triển khai công tác Công an thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Xây dựng NTM năm 2017 tại Hà Nội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo TƯ các Chương trình MTQG về xây dựng NTM đánh giá cao những kết quả, đóng góp của ngành công an trong quá trình xây dựng NTM.

Điều đó được thể hiện trên thực tế khi tiêu chí số 19 về an ninh, trật tư nông thôn luôn là tiêu chí hoàn thành sớm nhất với tỉ lệ cao. Báo cáo của các địa phương, hiện có 92,9% các xã trên cả nước đạt tiêu chí về quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình an ninh tự quản được phát huy và nhân rộng như: Mỗi nhà một chiếc gậy tại Hà Giang, Liên kết đảm bảo an ninh trật tự, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm và trật tự xã hội…

Thông báo vắn tắt kết quả chương trình MTQG về Xây dựng NTM đạt được,Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện cả nước có 2.578 xã (chiếm 28,9%) đạt chuẩn NTM; có 33 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí/xã so với 2015).

nong thon phat trien nhung an ninh phai giu vung

Bộ Công an tặng quà lưu niệm Bộ NN-PTNT

Từ những kết quả đạt được sau gần 6 năm triển khai, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo TƯ tập trung đẩy mạnh hoàn thiện 3 nhiệm vụ trọng tâm tại nông thôn gồm: Mô hình sản xuất kinh tế bền vững; Mô hình xử lí rác thải, nước thải môi trường phù hợp và Mô hình quốc phòng, an ninh, trật tự nông thôn hiệu quả.

“Thời gian vừa qua tình hình an ninh, trật tự tại một số vùng nông thôn bắt đầu có những diễn biến phức tạp, như các vụ thảm án, vỡ hụi, khiếu kiện, ma túy, bán hàng đa cấp, lừa đảo… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Đa phần những vụ việc phức tạp đều liên quan tới đất đai, những khu vực trình độ dân trí thấp, tỉ lệ lao động thất nghiệp cao… Do đó, Ban Chỉ đạo TƯ đề nghị ngành công an có những kiến nghị, đề xuất xây dung các mô hình an ninh, trật tự phù hợp nhằm tiếp tục duy trì, triển khai tiêu chí số 19 tại các xã đã đạt chuẩn NTM trong những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Tiếp thu và đánh giá cao những đóng góp từ phía Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG về Xây dựng NTM cũng như từ Ban chỉ đạo TƯ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngành công an luôn xác định việc đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn là cực kỳ quan trọng của cả ngành. Mặc dù là tiêu chí NTM đạt tỉ lệ cao nhất, nhưng lãnh đạo, cán bộ ngành công an chưa bao giờ hài lòng hay thỏa mãn với thành quả đã đạt được.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, triển khai kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công an tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trong tâm.

nong thon phat trien nhung an ninh phai giu vung

Chụp ảnh lưu niệm tại Bộ Công an

Đầu tiên là thực hiện nghiêm túc các quyết định chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an phân công chức năng, nhiệm vụ của ngành trong quá trình xây dựng NTM. Tập trung đấu tranh có hiệu quả một số vấn đề an ninh trật tự mới nổi phức tạp tại nông thôn. Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công an xã. Tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa để người dân tự có ý thức cảnh giác, đề phòng, không bị lừa đảo. Cuối cùng, chủ động phối hợp với các ban, ngành nhằm huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể cùng chung tay xây dựng mối đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, sắp tới Bộ Công an tiến hành rà soát, nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng mô hình Đồn Công an liên xã do Công an các huyện quản lí. Có một thực tế là tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trình độ chuyên môn, năng lực của công an xã còn nhiều hạn chế, trong khi việc xin thêm biên chế với ngành vô cùng khó khăn, nên khi xảy ra những vụ việc phức tạp việc phản ứng, xử lí có phần chưa kịp thời.

Do đó, việc xây dựng các Đồn Công an liên xã do Công an huyện trực tiếp quản lí vừa giải quyết được bài toán không phải tăng biên chế, song lại luôn có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp túc trực nhằm xử lí kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh tại những vùng nông thôn.